Ngay sau khi biết được thông tin Đại tướng qua đời, rất nhiều người dân không khỏi bàng hoàng và đau xót. Ngay từ sáng sớm cho tới tối muộn ngày 5/10, hàng trăm người dân không kìm nén được sự xúc động đã đã lặng lẽ quỳ khóc trước cổng nhà Đại tướng. Ảnh: Vũ Anh Hiếu.
Ngày 7/10, trời nắng rất to nhưng hàng chục ngàn người vẫn kiên nhẫn xếp hàng để chờ đến lượt vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hôm nay là ngày thứ 2 nhà riêng Đại tướng đón người vào viếng. Thời gian viếng bắt đầu từ 8h nhưng ngay từ sáng sớm, rất nhiều người đã tới đây xếp hàng chờ đến lượt. Ảnh: Vũ Anh Hiếu.
Sáng 8/10, hàng người như đông hơn 2 ngày hôm trước, khi không chỉ có người dân Hà Nội mà dường như khắp nơi trên cả nước đã đổ về đây. Những giọt lệ đau thương vẫn không ngừng tuôn rơi... Ảnh: Vũ Anh Hiếu.
Trưa ngày 9/10, bất chấp cái nắng gắt đầu tháng 10, hàng chục nghìn người vẫn nối dài xếp hàng nghiêm trang để chờ viếng Đại tướng. Trong ảnh, mới đến 9h sáng nhưng đoàn người đã nối dài từ đầu Lăng Bác tới hết Điện Biên Phủ, Hoàng Diệu. Ảnh: Tri thức.
Đêm 9/10, khi biết ngày hôm sau là ngày cuối cùng được vào viếng Đại tướng, nhiều người dân đã ngủ qua đêm luôn tại vỉa hè số 30 Hoàng Diệu, mong ngày mai có thể được xếp hàng sớm để vào viếng Người.
Ngày 10/10 là ngày cuối cùng người dân được viếng Đại tướng tại tư gia. Sau nhiều lần nới thêm thời gian đón khách, đến 21h30' gia đình Đại tướng và ban tổ chức lễ viếng đã quyết định đóng cửa. Rất nhiều người dân bật khóc nghẹn ngào khi không kịp vào viếng Đại tướng. Từng dòng nước mắt cứ lăn dài trên má, nhiều người dân chỉ biết chắp tay vái vọng về phía nhà Đại tướng. Ai cũng chung một nỗi niềm tiếc thương, xúc động và mong muốn Đại tướng có thể yên nghỉ ở cõi vĩnh hằng. Trong ảnh, một người dân bật khóc nức nở khi cánh cửa nhà Đại tướng khép lại. Sau 4 ngày, đã có gần 1 triệu lượt người vào viếng Đại tướng tại số 30 Hoàng Diệu. Ảnh: Vũ Anh Hiếu.
Trong đó có hàng ngàn những người lính, những cựu chiến binh trên tay cầm di ảnh Đại tiếng, cố gắng có mặt ở đây, để tiễn biệt anh Văn lần cuối cùng. Ảnh: Kiên Nguyễn.
Đúng 12h trưa ngày 11/10, tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, lễ treo cờ rủ đã diễn ra trong không khí trang nghiêm, đánh dấu bắt đầu 2 ngày quốc tang. Ảnh: Tri thức.
7h30' ngày 12/10, lễ Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp diễn ra trọng thể tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Quốc tang của Đại tướng có lẽ là một trong số ít những sự kiện mà tầm ảnh hưởng đã lan sâu rộng tới truyền thông quốc tế. Báo chí nước ngoài trong suốt 10 ngày lễ tang đã tường thuật đầy đủ và chi tiết tình cảm tiếc thương của triệu triệu người dân Việt Nam dành cho "anh cả vĩ đại" của dân tộc. Ảnh: AFP.
Phía bên ngoài nhà tang lễ quốc gia, rất đông người dân đã tập trung ở đây để mong được vào viếng và lần cuối cùng nhìn thấy linh cữu của Đại tướng. Ảnh: AFP.
Người cựu chiến binh với rất nhiều huân chương nghiêm trang đứng chờ bên ngoài nhà tang lễ Quốc gia ngày 12/10. Ảnh: Reuters.
11h ngày 12/10, ban tổ chức lễ tang thông báo cho phép người dân được vào viếng Đại tướng ở nhà tang lễ quốc gia, bởi vậy, nhiều người không nén nổi niềm xúc động. Trong ảnh, ông Ngô Xuân Thanh, cựu chiến binh từ Thanh Hóa lên viếng Đại tướng đã khóc nức nở khi vừa được bước chân qua cổng vào Nhà tang lễ Quốc gia. Ảnh: Tri thức.
Đoàn viên thanh niên tỉnh Quảng Bình đội mưa ôm di ảnh Đại tướng dọc theo tuyến phố Hùng Vương, TP. Đồng Hới vào ngày 12/10. Ảnh: Zuma Press.
Cũng trong ngày 12/10, tại Dinh Thống Nhất, TP. Hồ Chí Minh, một bạn trẻ tình nguyện đeo băng tang và cầm theo di ảnh đến viếng Đại tướng. Anh hòa cùng dòng người với vẻ mặt đượm buồn, tay luôn giữ chặt di ảnh của Đại tướng. Ảnh: Trần Bảo Ân.
Thời khắc thiêng liêng và ý nghĩa khi dòng người cuối cùng được viếng Đại tướng tại nhà tang lễ Quốc gia lúc nửa đêm ngày 12/10. Ảnh: Kiên Nguyễn.
Ngay trong đêm đó, nhiều người dân vẫn tập trung tại số nhà 30 Hoàng Diệu lúc nửa đêm để bày tỏ niềm tiếc thương trước sự ra đi của Đại tướng. Ảnh: Kiên Nguyễn.
Anh lính trẻ đứng nghiêm trang hơn 15 phút trước cổng nhà Đại Tướng đêm ngày 12/10. Ảnh: Kiên Nguyễn.
Đúng 7h ngày 13/10, lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp diễn ra tại nhà tang lễ Quốc gia. Trong ảnh, đoàn tiêu binh đưa di ảnh của Đại tướng tiến về phía linh xa. Ảnh: AP.
Linh cữu Đại tướng được đưa lên linh xa theo đúng nghi thức Quốc tang, chuẩn bị cho chặng đường di quan từ Hà Nội về quê mẹ Quảng Bình. Ảnh: AP.
Linh xa đưa linh cữu của Đại tướng đi khắp các con phố Hà Nội, theo hướng sân bay Nội Bài. Nước mắt triệu triệu người dân có mặt hai bên đường, trên suốt 50 km từ Nhà tang lễ đến sân bay - đã tuôn trào tiễn biệt Đại tướng lần cuối cùng. Ảnh: Kiên Nguyễn.
Đoàn linh xa đưa linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua Lăng Bác, vị Cha già của Dân tộc mà Đại tướng vô cùng kính yêu, gắn bó. Ảnh: AP.
Một chiến sỹ trang nghiêm chào "Anh cả" tại con phố Hoàng Diệu, phía sau là hàng nghìn người dân đang đứng chờ linh cữu Đại tướng đi qua. Ảnh: Kiên Nguyễn.
Già, trẻ, lớn, bé, không ai là không ngấn lệ, gương mặt tiếc nuối khi Linh cữu Đại tướng đi qua trên các tuyến đường Hà Nội lần cuối trước khi về với đất Mẹ Quảng Bình. Những tiếng nấc nghẹn ngào, những tiếng gọi: "Bác ơi", "Cha ơi", "Đại tướng ơi",... như xé ruột gan. Dòng người chắp tay cúi đầu, kính cẩn nghiêng mình trước vong linh người anh hùng dân tộc lần cuối... Ảnh: Kiên Nguyễn.
Ngày 13/10 - những giây phút cuối cùng Đại tướng đi qua các con đường Hà Nội trước khi về đất mẹ an nghỉ ngàn thu. Biển người tập trung tại các tuyến phố tiễn biệt người lần cuối cũng đã cho thấy được sự vĩ đại của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: AFP.
Trong khoảnh khắc tiễn đưa vô cùng xúc động này, một bức ảnh được chụp từ trên cao đoạn giao cắt Xuân Thuỷ - Phạm Văn Đồng - những con đường cuối cùng trong nội thành Hà Nội, đã ghi lại rõ được hàng vạn người tập trung hai bên đường mà linh cữu Đại tướng đi qua. Biển người hướng ánh mắt, trái tim về linh xa chở linh cữu của Đại tướng, các chiến sĩ công an nghiêm trang giơ tay chào Người lần cuối khiến người xem đều cảm thấy rất xúc động khi nhìn thấy bức ảnh này. Ảnh: Dũng Phạm (Sinh viên trường ĐH Bách Khoa, Hà Nội). Bạn chia sẻ "May mắn là nhà mình gần cầu vượt Xuân Thủy, nên sau khi xem xong điếu văn tại lễ truy điệu, mình đã thật nhanh phóng xe lên cầu và đứng đợi ở đấy. Xung quanh mọi người dân bắt đầu ùn ùn kéo về kín cả ngả đường và cả trên cầu. Mình có mang đi cả máy film và máy số. Lúc đầu mình định sẽ chụp cả 2 máy nhưng do xung quanh quá đông người, mình không thể đứng vững và thoải mái để có thể dùng cả 2 máy, nên quyết định chọn máy film. Vì mình nghĩ xem những bức ảnh film sẽ làm cho bức ảnh có cảm xúc hơn và phù hợp với không khí khi đó. Khi đoàn xe chở linh cữu Đại tướng đi qua, không ai bảo ai mọi người đều hô vang "Đại tướng muôn năm - Đại tướng muôn năm". Giây phút ấy thực sự là quá xúc động và mình chỉ kịp bấm máy thật nhanh rồi cố nhìn theo đoàn xe xa dần....
Các tiêu binh xếp hàng, chuẩn bị cho những nghi thức Quốc tang cuối cùng tại sân bay. Linh cữu Đại tướng được di chuyển bằng chuyên cơ mang số hiệu VN103 - bằng đúng số tuổi của Người. Khoảng 10h26', chuyên cơ chở linh cữu Đại tướng bắt đầu cất cánh, đưa Đại tướng về với đất Mẹ Quảng Bình.
11h55' ngày 13/10, chuyên cơ chở linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp hạ cánh tại sân bay Đồng Hới, Quảng Bình.
Tại Vũng Chùa, Quảng Bình, linh cữu Đại tướng được đưa về trong sự chờ đón của hàng chục nghìn người dân ở đất mẹ. Ai cũng trông ngóng, tiếc thương trước sự ra đi mãi mãi của người anh hùng dân tộc. Ảnh: AFP.
Giây phút linh cữu của Đại tướng được đặt xuống phần mộ - nơi Người sẽ an nghỉ ngàn thu, trước sự chứng kiến của rất nhiều người dân. Ảnh: AFP.
Cuộc đời Đại tướng đã lập nên nhiều chiến công hiển hách. Người đã hi sinh cả cuộc đời mình cho dân tộc, cho giải phóng độc lập, để hàng triệu người dân Việt Nam được sống trong hòa bình, giống như câu nói của Người: "Tôi còn sống này nào, cũng là vì đất nước ngày đó". Có người nói rằng, ngay cả khi ra đi, đến với cõi vĩnh hằng, Đại tướng vẫn tiếp tục lập nên một kỳ tích, một chiến công nữa, đó là đưa triệu triệu người Việt Nam xích lại gần nhau hơn... Ảnh: Lê Nam.