Vụ đánh bả chó rúng động khu nhà giàu Hong Kong: Những con vật nhỏ bé “rơi nước mắt màu đen” trong tuyệt vọng nhưng thủ phạm mãi là bí ẩn

Jayden, Theo Helino 00:10 15/12/2019

Đã 30 năm kể từ lần đầu tiên thú cưng bị đánh bả trên đường Bowen, thủ phạm tàn nhẫn vẫn chưa lộ diện. Hành động thiếu quyết liệt của cảnh sát từng bị chỉ trích gay gắt và để lại nỗi sợ hãi, ám ảnh cho nhiều người dân Hương Cảng.

Điều kinh hoàng nhất Sarah James nhớ về vụ đầu độc chó cưng Max năm 2007 là nó khóc những giọt mắt màu đen.

Khi sự sống dần bị rút cạn, con vật đau đớn oằn mình trong chính bãi nôn của mình. Cùng lúc, bác sĩ thú y nhanh chóng cho Max uống than hoạt tính, hi vọng chất khử độc này sẽ có tác dụng trong ruột và ngăn chất độc đi sâu vào máu... Những vụn than bắn vào đôi mắt van xin của Max khi nó tiếp tục giãy giụa.

Vụ đánh bả chó rúng động khu nhà giàu Hong Kong: Những con vật nhỏ bé “rơi nước mắt màu đen” trong tuyệt vọng nhưng thủ phạm mãi là bí ẩn - Ảnh 1.

Sarah và cún Max, một năm trước khi nó bị đánh bả chết

Lúc sự việc diễn ra, Sarah là một nữ sinh trường trung học Island ở Hong Kong. Cô được bố mẹ gọi điện báo rằng, có lẽ Max đang hấp hối. "Tôi đã chạy ngay đến bác sĩ thú y" - Sarah nhớ lại nỗi kinh hoàng và cay đắng cùng lúc khi không thể tin ai đó đã đầu độc chú chó nhỏ. "Và khi tôi bắt đầu nhìn lên, Max đã nằm trong một cái bồn kim loại rất lớn... Nó giật nảy mình, lạnh tanh, tôi không biết mình có thể làm gì nữa". Max trút hơi thở cuối cùng tại đây.

Vụ đánh bả chó đường Bowen chấn động khu nhà giàu Hong Kong

Sarah James sinh ra ở Hong Kong nhưng có bố mẹ người Anh. Hiện giờ cô đã 27 tuổi, làm quản lý khách sạn 5 sao ở Cửu Long. Trong buổi trò chuyện với tờ SCMP, Sarah có em cún Holly kề cận bên mình.

Cũng giống như Max, Holly được đưa về từ tổ chức Hong Kong Dog Rescue với sứ mệnh cứu trợ chó. Điều buồn nhất là Holly cũng từng bị đầu độc. "Nó nôn mửa và tiêu chảy khắp nhà... Nó đau đớn, đổ mồ hôi và run rẩy giống như quẫn trí. Holly đứng ngay ra, và đột nhiên cơ thể của nó dừng chuyển động. Tôi nghĩ mình bắt đầu gào lên trong khoảnh khắc đó" - Sarah kể.

"Holly giống như một thành viên trong gia đình của tôi. Hãy tưởng tượng bạn sẽ làm gì khi thành viên trong nhà đang trút dần hơi thở trong vòng tay của mình? Tôi nghĩ là bố đã suýt phá hủy cánh cửa của phòng khám thú y, hi vọng họ sẽ cứu được Holly". Và lần này, gia đình Sarah đã thành công!

Vụ đánh bả chó rúng động khu nhà giàu Hong Kong: Những con vật nhỏ bé “rơi nước mắt màu đen” trong tuyệt vọng nhưng thủ phạm mãi là bí ẩn - Ảnh 2.

Sarah và chó cưng Holly hiện giờ

Cả Max và Holly đều bị đánh bả cách nhau chỉ vài tháng trên đường Bowen. Đây là một con đường tĩnh lặng, với những cây đa già tỏa bóng xung quanh. Tuyến đường một phần cho xe cộ lưu thông, một phần khác chỉ nhỏ hẹp vừa bước chân người, tỏa ra từ khu Mid-Levels, phía trên Trung Hoàn, dẫn xuống rìa phía nam Happy Valley. Đây chính là địa bàn của giới nhà giàu nhập cư của Hong Kong. Tuy nhiên cũng trên chính trục đường tưởng yên bình này, đã liên tiếp xuất hiện hàng trăm vụ đánh bả chó kể từ năm 1989.

Trường hợp gần đây nhất là sáng thứ bảy, ngày 7/1/2017, khi con vật bị đầu độc bằng thịt gà tẩm thuốc. Và trước sự chứng kiến của cư dân địa phương suốt 30 năm qua, hàng loạt những chú chó hiếu kỳ đã bị đánh bả. Chúng chảy dãi, nôn mửa, co giật, cuối cùng suy tạng và tử vong.

Các vụ việc tàn bạo này bắt đầu được chú ý từ khoảng giữa thập niên 90. Đỉnh điểm vào một buổi sáng năm 1997, khi Whisky - một trong những chó cưng của Thống đốc Chris Patten - bị đánh bả trên đường Bowen.

Vợ thống đốc - bà Lavender - viết thư gửi về tòa soạn SCMP về ngày hôm đó. "Chỉ trong vài giây ngắn ngủi, Whisky nhặt lên thứ gì đó và nuốt vào trước khi tôi kịp ngăn cản. Vài phút sau, nó bắt đầu hành xử rất lạ. Chợt nhớ đến những vụ đánh bả trên đường Bowen, tôi nhanh chóng đưa Whisky đến thú y và may mắn giữ được mạng sống của nó".

Tin tức này lan truyền mạnh mẽ trên truyền thông lúc bấy giờ, rằng Hong Kong có một "quái vật", một kẻ đánh bả chó hàng loạt. Chuỗi vụ việc liên hoàn được gọi là "Vụ đánh bả chó đường Bowen".

Vụ đánh bả chó rúng động khu nhà giàu Hong Kong: Những con vật nhỏ bé “rơi nước mắt màu đen” trong tuyệt vọng nhưng thủ phạm mãi là bí ẩn - Ảnh 3.

Gia đình cựu Thống đốc Chris Patten với hai chó cưng Whisky và Soda, năm 2002 (Ảnh: GIS)

Chỉ có một người đàn ông duy nhất - luật sư địa phương tên Jonathan Midgley - khẳng định tận mắt chứng kiến kẻ đầu độc. Cuộc chạm trán xảy ra năm 1995. "Nếu tôi hành động quyết liệt hơn, tôi có thể đã ngăn cản được kẻ mà tôi nghĩ là thủ phạm chính. Có lẽ là thủ phạm duy nhất [lúc đó]".

Cụ thể, khi ông Jonathan đưa hai con chó đi dạo vào sáng sớm thì phát hiện chúng đã chạy đi. "Tôi quay lại thì thấy một người đàn ông mặc áo xanh lam" - ông kể. "Anh này cao 1,7 m, khoảng 35-40 tuổi, mặt tròn, có mái tóc rất mỏng nhưng chưa đến mức hói; toát lên một vẻ khá kỳ quặc như tâm thần".

Jonathan kể rằng người đàn ông cho chú chó Ruth ăn một thứ gì đó từ túi nhựa màu hồng. "Tôi lập tức chất vấn 'cậu làm gì đấy?'. Anh ta trả lời: 'Tôi yêu những con vật và chim chóc. Tôi đến đây vào buổi sáng và cho chúng ăn". Luật sư cố gắng kéo dài cuộc trò chuyện với người đàn ông nhưng sau vài phút, anh ta nói rằng mình phải rời đi. Khoảng một phút sau, Ruth bắt đầu nôn mửa và run rẩy. Con chó đã bị đầu độc bằng thịt gà nhưng may mắn sống sót.

Vụ đánh bả chó rúng động khu nhà giàu Hong Kong: Những con vật nhỏ bé “rơi nước mắt màu đen” trong tuyệt vọng nhưng thủ phạm mãi là bí ẩn - Ảnh 4.

Luật sư Jonathan Midgley và chú chó Ruth đi dạo trong công viên Hồng Kông vào thập niên 90

Thủ phạm giấu mình suốt 30 năm

Luật sư - nhân chứng Jonathan Midgley đã hai lần báo cảnh sát về mối nghi ngờ của mình vào năm 1995 và 1997. Lúc bấy giờ, cảnh sát đã cố gắng lần theo dấu vết từ đường Bowen đến khu đồi phía trên nhưng không có kết quả... Đến tận ngày nay, đã 3 thập kỷ kể từ lần đầu tiên thú cưng bị đánh bả, thủ phạm tàn nhẫn vẫn trong vòng bí ẩn. Thậm chí không có một kẻ tình nghi nào được chỉ điểm. Cảnh sát chỉ đặt giả thiết rằng thủ phạm bị rối loạn tâm thần.

Bước qua thiên niên kỷ mới, các vụ đánh bả chó tiếp tục được báo địa phương đăng tải, thậm chí thổi phồng lên. Họ gọi đó là những vụ tàn sát của thủ phạm tâm thần trên đường Bowen, thậm chí so sánh 3 điểm trên trục đường này với "tam giác quỷ Bermuda". Các nhà tâm lý học tội phạm cũng được phỏng vấn, bắt đầu phân tích bên trong bộ não của kẻ đầu độc: "một kẻ căm giận xã hội", "hắn muốn tiêu diệt tất cả chó trên đường phố"; "hắn có thể nghe tiếng của con mồi từ xa"... Năm 2002, trên bức tường dọc đường Bowen xuất hiện bức tranh bí ẩn, phun sơn đỏ với dòng chữ: "Chưa đến lúc đâu, gieo nhân nào gặp quả đấy".

Vụ đánh bả chó rúng động khu nhà giàu Hong Kong: Những con vật nhỏ bé “rơi nước mắt màu đen” trong tuyệt vọng nhưng thủ phạm mãi là bí ẩn - Ảnh 5.

Một người phụ nữ đọc cảnh báo về bả chó trên đường Bowen

Không rõ động cơ của thủ phạm. Có những đồn đoán như đây là một kẻ căm ghét chó hay kỳ thị chủng tộc, vì nhiều người sống ở đường Bowen là tầng lớp thượng lưu ngoại quốc. Thủ phạm cũng có thể tức giận vì người nuôi thú cưng không rọ mõm hay không dọn dẹp khi con vật đi vệ sinh.

Ban đầu bả được để lộ liễu, như những miếng thịt có đặc điểm kỳ lạ, có các hạt màu hồng tím. Tuy nhiên, khi truyền thông bắt đầu đăng tải rầm rộ, bả không nằm trên đường đi mà được giấu tinh vi trong bụi cỏ. Nhưng theo như bác sĩ Lloyd Kenda - người từng cứu chữa cho 50 con chó bị đánh bả ở Bowen - cho biết: mọi con vật đều giật nảy và nôn ra chất độc có màu sắc giống nhau!

"Nếu chuyện chưa xảy ra với mình, bạn sẽ không bao giờ để tâm đến nó, nghĩ là mình sẽ không liên can... Đột nhiên lúc 11 giờ, tôi được người giúp việc thông báo chó Pepper đang ở phòng thú y" - một người khác có chó bị đánh bả, anh Andrew Pang, kể lại.

"Khi tôi đến nơi, Pepper đã đi rồi. Bác sĩ nói chất độc cực mạnh. Mặc dù đã xúc ruột sạch sẽ cho cô chó nhỏ nhưng nó không thể qua khỏi. Tôi sốc và giận dữ khi nghe tin. Con gái tôi tuyệt vọng suốt nhiều tháng. Con bé hỏi 'Pepper đâu rồi bố?' và tôi chỉ có thể nói sự thật".

Vụ đánh bả chó rúng động khu nhà giàu Hong Kong: Những con vật nhỏ bé “rơi nước mắt màu đen” trong tuyệt vọng nhưng thủ phạm mãi là bí ẩn - Ảnh 6.

Andrew Pang với "những tâm hồn nhỏ bé" của mình

"Với tôi, có 2 điều thật sự rõ ràng. Một, chất độc được dùng để đánh bả. Hai, các địa điểm nằm trên tuyến đường Bowen. Với những manh mối như vậy, cảnh sát lẽ ra có thể bắt giữ thủ phạm hay ngăn cản các vụ việc tiếp theo" - Andrew Pang đặt vấn đề.

Nhưng luật sư Jonathan Midgley cũng chỉ ra: "30 năm trôi qua, thủ phạm đã 65, 70 tuổi; có thể đã chết. Nếu các vụ đánh bả xảy ra thì chắc chắn do những kẻ khác, có thể nhiều hơn một hung thủ có liên quan".

Sarah James - nữ quản lý khách sạn với hai chó cưng bị đánh bả - nghĩ rằng: "Nếu thủ phạm có thể nhìn từ góc độ của chúng tôi để thấy chó mèo cũng giống như thành viên nhỏ trong gia đình... Hoặc y hãy ghé qua trạm cứu trợ động vật, y sẽ biết chó là loài vật đáng yêu và tình cảm như thế nào. Có lẽ, y cần một chút tình yêu thương trong cuộc đời".

Ngược lại, Andrew Pang thể hiện quan điểm gay gắt hơn: "Tôi mong hắn sẽ phải trả giá và chịu đựng nỗi đau xứng đáng".

Vụ đánh bả chó rúng động khu nhà giàu Hong Kong: Những con vật nhỏ bé “rơi nước mắt màu đen” trong tuyệt vọng nhưng thủ phạm mãi là bí ẩn - Ảnh 7.

Sarah muốn xoa dịu vết thương, Andrew tức giận và luật sư Jonathan ôm nỗi day dứt về danh tính của hung thủ... Thế nhưng họ đều không thể đưa kẻ hạ độc ra ánh sáng, khiến bóng đen bí ẩn vẫn đeo bám dai dẳng trên đường Bowen - một vụ án khó hiểu chưa bao giờ được giải mã ở xứ Cảng Thơm.

(Theo SCMP)