V.League và chuyện bi hài từ những án phạt

Thiên Vũ, Theo Trí Thức Trẻ 17:25 21/01/2017

Chỉ mất 2 ngày, Ban kỷ luật VFF rất nhanh chóng đưa ra án phạt chưa có tiền lệ với hành vi không thực sự rõ ràng của Omar, trong khi pha bóng triệt hạ rất rõ của Samson khiến dư luận bức xúc thì lại được xử lý chậm chạp.

Ngày 14/1, trên sân Nha Trang, cầu thủ Omar của Thanh Hóa đã có một hành vi phản ứng khi bị nhận thẻ đỏ, anh lấy tay trái đập lên cánh tay phải hướng lên khán đài. Đó là tình huống không đẹp của Omar với khán giả sân Nha Trang, nhưng cũng khó có thể giải thích được hàm ý, ý nghĩa về hành động đưa cánh tay trái đập lên cánh tay phải là gì. 

Tình huống Omar phản ứng khán giả và bị cấm thi đấu 8 trận.

Phía CLB Khánh Hòa không có phản ứng nào, trận đấu trên cũng không được trực tiếp trên các kênh truyền hình, nên làn sóng phản ứng của dư luận cũng ở mức bình thường. Dẫu vậy, Ban kỷ luật của VFF đã vào cuộc rất nhanh. Chỉ 2 ngày sau, tức ngày 16/1, VFF đã đưa ra thông báo kỷ luật cực nặng với Omar khi cấm thi đấu tới 8 trận.

Theo quy định kỷ luật của VFF và thông báo của BTC giải thì Omar rơi vào khung phạt tối thiểu 2 trận về hành vi không đúng mực trên sân, nhưng khung phạt này lại không quy định rõ mức tối đa phải nhận. Thế nên, án phạt tới 8 trận, tức là gần hết nửa giai đoạn 1 đã khiến CLB FLC Thanh Hóa bức xúc, thậm chí nhà tài trợ của đội bóng còn dọa bỏ giải. 

Phía VPF lý giải năm nay họ sẽ làm mạnh tay với những hình ảnh xấu, và bạo lực trên sân cỏ. Tuy nhiên, trong cuộc đọ sức giữa CLB Hà Nội gặp HAGL, cầu thủ của Hà Nội là Samson đã có pha đạp bóng mang tính triệt hạ đối phương và cách xử lý của VFF dường như lại đang đi ngược với tuyên bố làm bóng đá sạch của VFF. 

Đó là trận đấu được truyền hình trực tiếp trên đài truyền hình quốc gia, thế nên đã gây ra bức xúc rất lớn từ dư luận. Những video đủ các góc quay thể hiện tính bạo lực của pha bóng này. Nhưng 3 ngày trôi qua, ban kỷ luật vẫn không lên tiếng. Số điện thoại của trưởng ban kỷ luật - Nguyễn Hải Hường trong tình trạng "máy bận", và VPF đưa ra thông báo "Vẫn đang tìm chứng cứ xác minh". 

Pha bóng triệt hạ của Samson rất rõ ràng, nhưng VFF thông báo vẫn đang đi tìm chứng cứ. 

Chỉ trong 1 tuần, 2 sự kiện, 2 vụ việc và 2 cách hành xử khác nhau của ban kỷ luật VFF đã khiến người ta không khỏi suy nghĩ về tính minh bạch và công bằng từ những quyết định mà họ đưa ra. 

Chiều chủ nhật này, Hoàng Vũ Samson, người từng có tiền án đá xấu bậc nhất V.League, cầu thủ từng sẵn sàng gây gổ, hành hung tấn công đồng nghiệp của mình bằng tay, chân... sẽ vẫn ra sân thi đấu một cách bình thường. 

Và có lẽ người ta cũng phải xem lại khẩu hiệu chống lại bóng đá bạo lực mà BTC giải luôn nêu cao từ đầu mùa giải đến nay phải chăng cũng chỉ là khẩu hiệu dành riêng cho một số đội bóng. 

V.League đang ngày càng đi xuống về lượng khán giả đến sân, những nhà tài trợ, doanh nghiệp rời xa bóng đá ngày càng tăng. Các CLB đang nỗ lực làm lại hình ảnh và thương hiệu của mình, nhưng những nỗ lực của họ có thể đổ xuống sông, xuống biển chỉ bởi những quyết định gây tranh cãi và còn thiếu minh bạch từ phía BTC giải. 

Câu chuyện Thanh Hóa dọa bỏ giải, không hẳn chỉ là lời dọa suông, mà nó cũng chỉ là một phần thể hiện môi trường bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam lúc này như thế nào. 

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày