Vì sao bơi lội không trở thành môn học bắt buộc?

Huyền Thanh, Theo Công An Nhân Dân 10:02 27/04/2019

Theo thống kê của Cục Quản lý môi trường, Bộ Y tế, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 370.000 trẻ em bị tai nạn, thương tích. Trong đó, trẻ em tử vong do đuối nước lên tới 3.500 trẻ.

Ngư dân kịp thời cứu sống 5 em nhỏ khỏi đuối nước Công an dũng cảm cứu người bị đuối nước trên biển Đi tắm ao, 2 anh em sinh đôi lớp 7 đuối nước tử vong

Thực trạng này khiến nhu cầu phổ cập bơi trong nhà trường càng trở nên cấp thiết. Nhiều người kỳ vọng môn bơi lội sẽ trở thành môn bắt buộc trong nhà trường. Tuy vậy, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, bơi lội vẫn tiếp tục là môn tự chọn.

Việt Nam là một đất nước có đường bờ biển dài, hệ thống sông ngòi, kênh rạch tương đối dày đặc. Do vậy, bơi lội không chỉ là một môn thể dục giúp nâng cao sức khỏe, thể trạng của học sinh, mà còn là môn học kỹ năng sinh tồn.

Vì sao bơi lội không trở thành môn học bắt buộc? - Ảnh 1.

Tai nạn đuối nước vẫn là nỗi ám ảnh đối với phụ huynh, nhất là vào dịp nghỉ hè. Ảnh minh họa

Tuy vậy, việc xã hội hóa trên thực tế chỉ được thực hiện chủ yếu ở các thành phố lớn, nơi điều kiện kinh tế phát triển, còn tại hầu hết vùng nông thôn, hoạt động này hầu như vắng bóng. Trước thực tế trên, đã có nhiều ý kiến đề xuất nghiên cứu đưa môn bơi lội trở thành môn học bắt buộc trong nhà trường. Song đề xuất này vẫn chưa thể thực hiện được do còn rất nhiều “vướng mắc”.Nhận thức được tầm quan trọng ý nghĩa của việc biết bơi đối với phòng chống đuối nước trong môi trường sông nước, những năm gần đây, nhiều địa phương như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng... đã có sự chỉ đạo, phối hợp đồng bộ với ngành GD&ĐT, Đoàn Thanh niên tổ chức phổ cập bơi cho học sinh trong dịp hè theo phương thức xã hội hóa. Đây là hoạt động được tổ chức thường niên. Chỉ sau 3 tháng hè, nhiều em học sinh đã biết bơi và biết cách phòng chống, khắc phục những sự cố khi xuống nước như chuột rút, đau bụng.

Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, hiện nay chỉ có từ 0,4 đến 0,6% các trường cấp phổ thông và khoảng 13% các trường đại học có xây dựng bể bơi trong trường. Con số quá khiêm tốn này cho thấy việc xây dựng bể bơi trong hệ thống trường học dường như vẫn là điều “xa xỉ”, kể cả ở các thành phố lớn.

Điều này cho thấy, việc đưa môn bơi trở thành môn học bắt buộc trong nhà trường đòi hỏi một nguồn ngân sách rất lớn. Cùng với đó, các trường phải có quỹ đất đủ rộng, đội ngũ giáo viên đủ trình độ đáp ứng nhu cầu.

Ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD&ĐT cho biết: Việc đưa môn bơi vào nhà trường là rất cần thiết. Học sinh học bơi, các em được giáo dục kỹ năng bơi, kỹ năng an toàn trong môi trường nước, các kỹ năng phòng, tránh, kỹ năng cứu đuối, giúp các em tự tin, chủ động trong việc phòng, tránh tai nạn đuối nước đối với bản thân. Việc tổ chức dạy ngoại khóa môn học này trong thời gian qua cũng có nhiều mặt tích cực.

Tuy nhiên, nếu có điều kiện về cơ sở vật chất, đủ đội ngũ giáo viên thì việc tổ chức dạy chính khóa sẽ rất hiệu quả. Bộ GD&ĐT rất kỳ vọng trong thời gian tới, qua các văn bản chỉ đạo từ Chính phủ, của Bộ GD&ĐT, UBND các tỉnh/thành phố quan tâm, dành nguồn ngân sách nhà nước, của địa phương hoặc tạo cơ chế thu hút đầu tư, xã hội hóa trang bị bể bơi trong các trường/cụm trường để dần từng bước đảm bảo cơ sở vật chất và tiến tới đưa bơi là môn học chính thức, bắt buộc trong các nhà trường. Khi đó việc phổ cập bơi sẽ thực hiện hiệu quả, giải quyết tốt công tác phòng, tránh tai nạn đuối nước đối với học sinh nói riêng và cộng đồng nói chung.

Còn hiện tại, cơ sở vật chất phần lớn ở các cơ sở giáo dục chưa đáp ứng được việc tổ chức dạy bơi, mà “ép” đưa bơi vào là môn học bắt buộc đối với các nhà trường, như vậy vô tình sẽ tạo áp lực, buộc các trường phải thực hiện trong điều kiện không thể sẽ dẫn đến hiện tượng làm theo hình thức đối phó, không có hiệu quả...

Chia sẻ thêm với phóng viên về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: Xác định bơi lội là một kỹ năng vô cùng cần thiết nên khi xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT rất mong muốn có thể đưa bơi lội trở thành môn học bắt buộc trong chương trình.

Tuy vậy, sau khi khảo sát các điều kiện cơ sở vật chất để đảm bảo thực hiện môn học này cho thấy, cơ sở vật chất, đặc biệt là tỷ lệ bể bơi trong nhà trường hiện nay không thể nào đáp ứng được. Điều này lại hoàn toàn nằm ngoài tầm tay của ngành giáo dục. Vì thế, bơi lội vẫn phải tiếp tục là môn học tự chọn trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

“Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Đoàn thanh niên, cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương để có thể xây dựng thêm nhiều bể bơi từ các nguồn kinh phí xã hội hóa, tăng cường dạy bơi cho trẻ vào mùa hè nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống đuối nước đối với học sinh”, bà Nghĩa chia sẻ.