Về An Giang ghé rừng tràm lớn nhất miền Tây - nơi được coi là "nguồn cảm hứng" mới của giới làm phim Việt

Bửu Ngọc, Theo Phụ Nữ Số 16:46 06/11/2023

Rừng tràm Trà Sư đang dần trở thành một phim trường lớn của giới làm phim Việt, không chỉ phim Đất rừng Phương Nam mà nhiều phim, gameshow khác cũng chọn đây là điểm quay hình.

Nơi quay đại cảnh ấn tượng nhất trong phim Đất rừng phương Nam

Đại cảnh chợ nổi là một trong những phân đoạn hoành tráng của phim Đất rừng phương Nam có sự góp mặt của gần 400 diễn viên quần chúng với hơn 500 bộ phục trang. Được biết, để có đại cảnh này, hơn 20 nhân công địa phương phải làm việc suốt hơn 60 ngày để chuẩn bị trước.

Đại cảnh chợ nổi trong Đất rừng phương Nam được quay ở rừng tràm Trà Sư.

Ông Trần Minh Trí - Giám đốc Công ty CP Du lịch An Giang (đơn vị quản lý và khai thác du lịch tại rừng Trà Sư) cho biết: "Sau khi đoàn phim quay xong, chúng tôi cố gắng giữ lại những hình ảnh trong phim. Góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Trà Sư đến với du khách và bạn bè quốc tế".

Theo ông Trí, những nghệ nhân đoàn phim đã làm việc cực kỳ sáng tạo để dựng lên hình ảnh cây cầu Kiều đầy nét hoài cổ.

Đại cảnh được công chiếu trong phim Đất rừng Phương Nam là hình ảnh đặc trưng của chợ nổi ở miền Tây trong thời kỳ bị thực dân Pháp đô hộ. Không gian trên bến dưới thuyền người bán người mua tấp nập cùng dòng kênh chở nặng phù sa len lỏi vào những khu chợ, những căn nhà sàn, tạo nên vẻ đẹp hoài cổ chỉ riêng đồng bằng sông Cửu Long mới có.

Ban quản lý Khu du lịch Rừng tràm Trà Sư giữ lại toàn bộ tiểu cảnh mà đoàn làm phim Đất rừng phương Nam dựng trước đó.

Chị Phạm Kim Ngân - một nhân viên của Công ty CP Du lịch An Giang cho biết: "Đa số khách đến đây đều hỏi nơi nào quay phim Đất rừng Phương Nam, kể từ sau khi đoàn phim công bố đại cảnh chợ nổi Rừng Tràm Trà Sư, khách du lịch tăng nhanh chóng".

Theo ông Nguyễn Trí Viễn - Nhà sản xuất phim Đất rừng phương Nam, đại cảnh chợ nổi tại rừng Trà Sư chính là cảnh quay gây "sợ" nhất.

"Thiết kế phải xuống đó khảo sát và đóng thuyền trước khi quay mấy tháng. Vì thời điểm hiện tại, ở miền Tây phần lớn sử dụng thuyền composite, thành ra đoàn phim phải đi đặt để đóng lại 50 thuyền gỗ ở Cao Lãnh - Đồng Tháp, xong thuê tàu chở đến rừng, tuy nhiên đến cổng đoàn phim phải thuê thêm xe cẩu chở từ ngoài vào trong rừng tràm Trà Sư vì nó không thông thuỷ", nhà sản xuất Nguyễn Trí Viễn kể lại.

Rừng tràm Trà Sư được UNESCO công nhận là Rừng tràm lớn nhất Việt Nam.

"Nguồn cảm hứng" của giới làm phim Việt

Không chỉ riêng phim Đất rừng Hương Nam, Trà Sư đang dần trở thành một phim trường lớn khi trước đó phim Thất Sơn tâm linh của 3 đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, Trần Hàm và Lê Bình Giang cũng được bấm máy tại đây. Ngoài ra, một số chương trình truyền hình thực tế Đại chiến ẩm thực, 2 ngày 1 đêm,...cũng từng được ghi hình tại đây.

Rừng tràm Trà Sư không chỉ xuất hiện trên phim ảnh mà còn trong gameshow.

Năm 2020, rừng Trà Sư được công nhận là "Rừng tràm đẹp nhất Việt Nam", được trồng theo mô hình hệ sinh thái của vùng ngập nước phía tây sông Hậu, cánh rừng đặc dụng vùng biên thuỳ này không chỉ là nguồn cảm hứng bất tận trong nền văn học nghệ thuật Việt Nam từ thời khẩn hoang lập ấp, mà còn là điểm đến cho các nhà nghiên cứu thiên nhiên hoang dã quốc tế.

Nơi đây cũng được đánh giá là cánh rừng có tầm quan trọng quốc tế trong công tác bảo tồn đất ngập nước tại vùng đồng bằng châu thổ. Với hệ sinh thái cùng thảm thực vật đa dạng, Rừng Trà sư như sở hữu riêng một nền nhiệt mát mẻ, ôn hoà.

Tại rừng tràm Trà Sư, du khách có thể di chuyển xuyên các cánh rừng bằng tàu máy hoặc xuồng chèo tay; với giá vé 50.000/khách mỗi loại. Ngoài ra, còn có dịch vụ đạp xe đạp xuyên bìa rừng, dã ngoại, cùng nhiều hoạt động lý tưởng.