Tuyệt tác Hàn Quốc "Burning": Tuổi trẻ hoang hoải và phi lý giữa xã hội hiện đại

Minh Quân, Theo Trí Thức Trẻ 18:59 26/06/2018

Cách Lee Chang Dong đối xử với nguyên liệu gốc của Haruki Murakami cho thấy sự uyên bác và chắc tay của đạo diễn người Hàn. Ở "Burning", chúng ta thấy một hiện thực nửa mơ hồ nửa phi lý, vừa giống một giấc mơ hoang nhưng cũng vừa giống một ngày hè ác mộng.

Haruki Murakami là nhà văn nổi tiếng của Nhật Bản. Truyện ngắn Đốt Nhà Kho (Barn Burning) của ông được dùng làm mô hình cho sinh viên trường Cleveland State University nghiên cứu về văn học hậu hiện đại Nhật Bản và là một trong những tác phẩm mà Murakami đã gợi ý cho đạo diễn Atta Chui dựng thành phim ngắn Memory Chase ở Hồng Kông.

Trong khi đó ở Hàn Quốc, đạo diễn Lee Chang Dong được biết đến như ngọn cờ tiên phong của thế hệ làm phim mới, từng là một tiểu thuyết gia thành công và thường có thiên hướng bộc lộ sự cô đơn và trăn trở của con người trong xã hội hiện đại. Ở điểm này thì Lee giống Murakami vô cùng. Vậy nếu hai con người này gặp nhau ở một dự án chuyển thể thì sẽ ra sao? Năm 2018, bộ phim Burning của Lee Chang Dong ra đời, lấy cảm hứng từ chính truyện ngắn Barn Burning mà Murakami từng viết 36 năm trước.

Tuyệt tác Hàn Quốc Burning: Tuổi trẻ hoang hoải và phi lý giữa xã hội hiện đại - Ảnh 1.

Bộ phim có bối cảnh đặt tại Paju, một thành phố nằm ở phía bắc Seoul và ngay sát Bàng Môn Điếm. Nhân vật chính là Jong Soo (Yoo Ah In), một anh chàng giao hàng phải vất vả mưu sinh hàng ngày. Mẹ của Jong Soo bỏ đi từ khi anh còn nhỏ, để lại anh sống một mình với bố. Tuy vậy, Jong Soo vẫn mơ ước một ngày được trở thành tiểu thuyết gia. Hằng ngày, tiếng loa phóng thanh tuyên truyền địch vận ở phía kia biên giới vẫn liên tục vọng về như một lời thì thầm sâu lắng.

Đang quay quắt trong sự túng thiếu thì Jong Soo tình cờ gặp lại Hae Mi (Jeon Jong Seo), cô bạn ngày xưa mà chính anh cũng không nhớ. Hae Mi nhờ anh chăm giúp con mèo để đi du lịch Châu Phi. Khi trở về, Hae Mi đi cùng với bạn trai mới của mình là Ben (Steven Yeun). Ben là kiểu người luôn ăn mặc đơn giản nhất trong cả đám nhưng phong thái thượng lưu và đẳng cấp thì không thể giấu vào đâu được. Một ngày nọ, Ben tiết lộ cho Jong Soo biết về niềm đam mê kỳ lạ với việc lén lút đốt những căn nhà kính bỏ hoang. Bí mật này khiến cho trong lòng Jong Soo nổi lên một nỗi ám ảnh khôn nguôi, nhất là khi sau ngày hôm đó, Hae Mi đột nhiên mất tích.

Tuyệt tác Hàn Quốc Burning: Tuổi trẻ hoang hoải và phi lý giữa xã hội hiện đại - Ảnh 2.

Vốn có biệt danh là Lee "uyên bác", Lee Chang Dong là kiểu đạo diễn có thể làm cho bộ phim 120 phút dài như cả đêm nhưng cũng có thể khiến cho một bộ phim hai tiếng rưỡi ngắn như một tập phim truyền hình. Với thể loại psychological thriller (tâm lý li kỳ) của Burning, Lee níu kéo sự chú ý của khán giả bằng hàng loạt những tình tiết liên tục đổi hướng và khó đoán định dù có lúc tưởng chừng như mọi sự đã an bài. Bộ phim vừa hoà vào hiện thực nhưng cũng đồng thời vô hiệu hoá hiện thực, lấp lửng đâu đó giữa ẩn dụ và tường minh, hiện thực và suy đoán, quan sát và ảo tưởng, nghi ngờ và đố kị. Không khí hững hờ và uể oải ấy theo người xem vào cả một thế giời hoang đường, và không rời bỏ ngay cả khi câu chuyện diễn tiến đến những tình tiết trừu tượng nhất của mối tình tay ba kỳ lạ hay đoản khúc gợi cảm u sầu của cô gái trẻ nhảy múa trong ánh hoàng hôn hoang dại.

Tuyệt tác Hàn Quốc Burning: Tuổi trẻ hoang hoải và phi lý giữa xã hội hiện đại - Ảnh 3.

Có xuất phát điểm là một giảng viên đại học khoa văn, Lee Chang Dong tỏ ra rất biết cách dung hoà giữa các chất liệu văn học và ngôn ngữ kể chuyện của điện ảnh. 90 phút đầu của Burning bám khá sát vào cốt truyện gốc trong khi thời lượng còn lại của bộ phim tiếp tục phát triển thành một tác phẩm riêng. Nửa sau của Burning thống nhất và logic với nửa trước, không đem lại cảm giác giống như hai kịch bản hoàn toàn khác nhau bị chắp vá lại một cách cưỡng ép.

Thay vì viết lại hoàn toàn kịch bản để tích hợp với hình thức điện ảnh như Rừng Nauy của Trần Anh Hùng, Lee Chang Dong gần như giữ lại tất cả những gì là cốt yếu trong nguyên tác mà vẫn giữ nguyên phong cách làm phim của mình. Những lời thoại đầy hàm ý, chi tiết Hae Mi cùng trái quýt tưởng tượng, đàn chim đen, cuộc gặp gỡ trong quán cafe,... tất cả đều được giữ lại. Những yếu tố mới như con mèo hoang bí ẩn, mối quan hệ tay ba phức tạp, cái giếng cạn cũng là những chi tiết quen thuộc trong văn phong của Murakami. Điều đó giúp cho bộ phim mang hình hài của một sinh mệnh thống nhất, có hơi thở và sức sống riêng, thăng hoa một cách thuần thuý trong tiếng nhạc Jazz của Mile Davis.

Tuyệt tác Hàn Quốc Burning: Tuổi trẻ hoang hoải và phi lý giữa xã hội hiện đại - Ảnh 4.

Những lớp nội dung mới được thêm vào bao gồm các chủ đề thảo luận như sự phân phối của cải bất hợp lý trong xã hội, cuộc sống bải hoải vô định của giới trẻ, cơn giận dữ tiềm tàng, sự đói khát của chủ nghĩa tiêu dùng, đủ để câu chuyện tự phát triển theo thiên hướng của chính mình. Nam diễn viên Steven Yeun tiết lộ rằng Lee Chang Dong luôn nói là "bộ phim này tự nó làm lấy, chúng ta chỉ cần đi với nó". Bản thân Lee cũng đã ấp ủ về phương thức kể chuyện này từ lâu, ông đã cho huỷ ba kịch bản hoàn chỉnh trước khi dừng lại với dự án này. "Thật kỳ lạ, tôi không có một lý do rõ ràng nào cho việc từ bỏ những kịch bản đó cả. Chỉ có thể nói rằng tôi đang tìm kiếm một thứ gì đó khác mà thôi. Tôi không nói Burning là một loại phim hoàn toàn mới mẻ và độc đáo, nhưng đó là tác phẩm gần nhất với phong cách mới mà tôi đang tìm kiếm".

Tuyệt tác Hàn Quốc Burning: Tuổi trẻ hoang hoải và phi lý giữa xã hội hiện đại - Ảnh 5.

Các diễn viên chính là Yoo Ah In, Jeon Jong Seo và Steven Yeun đều tỏ ra rất vừa vặn với vai diễn mà mình được giao. Yoo Ah In, một cá tính riêng biệt trong giới diễn viên trẻ Hàn Quốc, anh tạo ra cho mình một lối biểu cảm mệt mỏi, bơ phờ rất ăn nhập với hoàn cảnh của nhân vật Jong Soo. Jeon Jong Seo, một gương mặt điện ảnh lạ lẫm và cực kỳ bắt hình bỗng trở nên hết sức phù hợp với dạng vai cô gái nhỏ nhoi và lạc lõng. Cuối cùng, Steven Yeun, một người xa lạ với chính gốc gác của mình, nổi tiếng với sự thành công ở nước ngoài nhưng chưa bao giờ cảm thấy hoà nhập ở quê hương. Anh là sự lựa chọn hoàn hảo cho vai Ben, gã nhà giàu hào hoa nhưng lúc nào cũng cô độc và xa cách.

Tuyệt tác Hàn Quốc Burning: Tuổi trẻ hoang hoải và phi lý giữa xã hội hiện đại - Ảnh 6.

Cách nói chuyện của cả ba nhân vật chính đều rất kỳ quặc, đôi khi không tuân thủ theo logic nào, khiến cho khán giả phải đặt nhiều dấu hỏi. Nhà kính là cách hoán dụ của Ben để chỉ những cô gái trẻ không định hướng sống ở bên lề xã hội hay chỉ đơn thuần là những địa điểm bỏ hoang? "Người đói nhỏ" và "người đói lớn" liệu có phải là ẩn dụ cho con đường số phận của những người trẻ trong hệ thống phân cấp của xã hội tư bản đầy bất công? Tại sao người bố giàu lòng tự trọng của Jong Soo lại từ chối cuộc sống giàu sang khi ông có cơ hội? Cơn tức giận đóng vai trò gì trong phim? Và sau cùng, bộ sưu tập nữ trang của Ben có phải là bằng chứng cho sở thích giết hại phụ nữ của anh ta?

Tuyệt tác Hàn Quốc Burning: Tuổi trẻ hoang hoải và phi lý giữa xã hội hiện đại - Ảnh 7.

Burning không hẳn là không đưa ra những gợi ý cho khán giả hiểu được sự thật đằng sau câu chuyện. Chỉ là bộ phim không quan tâm đến đáp án đằng sau nó. Thứ đạo diễn và bộ phim muốn đặt ra là những chủ đề được đặt trên một nền tảng thực tế trong cuộc sống hiện đại, qua đó tạo nên một hiện thực khác với đầy những nghi ngờ và hoang mang của lý trí. Giống như một giấc mơ hoang buổi ban trưa, bạn có thể đã có câu trả lời cho tất cả, nhưng sự ám ảnh và nỗi hoài nghi âm ỉ sau khi thức giấc mới là thứ còn ở lại lâu dài.