Từ vụ "Thiên Linh Cái" bị hoãn chiếu, đây là 5 điều "cấm kị" khi làm phim Việt

ĐÔNG SƯƠNG, Theo Helino 19:30 20/04/2019

"Thiên Linh Cái" dường như đã phạm vào những tình tiết nhạy cảm và cấm kị trong khâu kiểm duyệt trước khi lên sóng.

Việc Thiên Linh Cái hoãn chiếu không khiến khán giả quá sốc khi trailer đã chứa quá nhiều tình tiết cấm kị trong khâu kiểm duyệt. Có thể nói, các nhà làm phim Việt không hề thua kém nước ngoài trong việc làm ra những tác phẩm "nặng đô" cả trong mảng hành động lẫn kinh dị. Nhưng làm là một chuyện, còn bộ phim có "nguyên vẹn" ra rạp hay không là một chuyện khác.

1. Cảnh giang hồ đâm chém lẫn nhau

Từ vụ Thiên Linh Cái bị hoãn chiếu rút ra 5 bài học cấm kị cho các nhà làm phim Việt - Ảnh 1.

"Bụi Đời Chợ Lớn" bị cấm chiếu vì làm về giang hồ chém giết.

Bài học nhãn tiền từ Bụi Đời Chợ Lớn (2013) hẳn nhiều người còn nhớ. Từ đầu tới cuối, bộ phim toàn những cảnh giang hồ đâm chém lẫn nhau chỉ nhằm mục đích tranh giành địa bàn, trả thù. Cuối cùng thì tác phẩm của Charlie Nguyễn còn không có cơ hội để ra rạp. Sau đó thì thể loại giang hồ cũng "chia tay" luôn màn ảnh rộng Việt cho đến tận thời gian gần đây khi phim chiếu mạng bùng nổ trở lại.

Từ vụ Thiên Linh Cái bị hoãn chiếu rút ra 5 bài học cấm kị cho các nhà làm phim Việt - Ảnh 2.

Nên "Chị Mười Ba" đành chuyển sang thể loại hài.

Sau thành công vang dội của Thập Tam Muội, Thu Trang quyết định thực hiện phiên bản điện ảnh. Nhiều fan của loạt phim trên Youtube từng chỉ trích Chị Mười Ba mất "chất" khi toàn tấu hài và chẳng có cảnh đánh đấm gì ra hồn dù mang tiếng là phim giang hồ. Nhưng biết sao được khi nếu đi vào vết xe đổ của Bụi Đời Chợ Lớn thì cũng sẽ bị cắt hoặc thậm chí là không được chiếu.

2. Ma quỷ có thật

Từ vụ Thiên Linh Cái bị hoãn chiếu rút ra 5 bài học cấm kị cho các nhà làm phim Việt - Ảnh 3.

Cái kết của "Người Bất Tử" là "giấc mơ" điển hình trong phim Việt.

Chuyện bạn có tin vào ma quỷ ngoài đời thật hay không không quan trọng, quan trọng là chúng không được phép tồn tại trên màn ảnh rộng. Do đó mà khán giả hẳn đã thuộc nằm lòng luôn cái mô tuýp giả ma giả quỷ hay "giấc mơ" của nhiều phim Việt. Ví dụ điển hình như Cô Hầu Gái (2017) với thủ phạm cuối cùng hóa ra chính là Linh (Nhung Kate) hay cái kết bị ném đá không thương tiếc của Người Bất Tử (2018) mới đây khi tất cả chỉ là... một giấc mơ.

Từ vụ Thiên Linh Cái bị hoãn chiếu rút ra 5 bài học cấm kị cho các nhà làm phim Việt - Ảnh 4.

"The Nun" cũng bị cắt cái kết quan trọng vì ma quỷ còn tồn tại.

Nhiều bộ phim được ưu ái hơn một tí khi các thế lực siêu nhiên "được phép" xuất hiện nhưng phải bị tiêu diệt ở cái kết. Các tác phẩm kinh dị Âu Mỹ thường bị rơi vào trường hợp này hơn. The Nun (2018) đã bị cắt bớt một đoạn cuối phim khi Valak thực ra vẫn còn sống và nhập vào chàng thanh niên Maurice rồi kết nối tới 2 phần The Conjuring. Slender Man (2018) cũng không được ra rạp khi con quái vật là kẻ chiến thắng cuối cùng.

3. Trẻ em giết người

Từ vụ Thiên Linh Cái bị hoãn chiếu rút ra 5 bài học cấm kị cho các nhà làm phim Việt - Ảnh 5.

"Pet Sematary" bị cấm vì có cảnh trẻ em giết người.

Các bộ phim về sát nhân thì thủ phạm chắc chắn không được phép là trẻ em. Những nhân vật như Ái (Lâm Thanh Mỹ) trong Đoạt Hồn (2014) hay Chiêu Dương (Yu Dương) trong Lời Nguyền Huyết Ngải (2012) chỉ đóng vai trò hù dọa mà thôi. Gần đây, một bộ phim kinh dị không được ra rạp chính là Pet Sematary khi có cảnh cô bé Ellie (Jeté Laurence) được hồi sinh và bắt đầu tàn sát chính gia đình mình. Ngoài ra, Brightburn có lẽ cũng sẽ chịu chung số phận khi cậu bé Brandon (Jackson A. Dunn) mang sức mạnh hệt như Superman nhưng chẳng ngại giết người.

4. Cảnh nóng quá trần trụi

Từ vụ Thiên Linh Cái bị hoãn chiếu rút ra 5 bài học cấm kị cho các nhà làm phim Việt - Ảnh 6.

Cảnh nóng của Song Luân trong "Mẹ Chồng" bị cắt gần hết.

Với việc phân loại độ tuổi khán giả, công tác kiểm duyệt cũng đã thoáng hơn với cảnh nóng trên màn ảnh rộng. Tuy nhiên, với những phân đoạn quá trần trụi hoặc không có mục đích cụ thể thì vẫn bị xén thẳng tay khỏi phim. Cách đây 2 năm, Mẹ ChồngLời Nguyền Gia Tộc là 2 bộ phim dùng cảnh nóng để hút sự chú ý của khán giả. Nhưng cuối cùng thì "vòng ba" của Song Luân hay màn khỏa thân nóng bỏng của Phi Huyền Trang đều "không cánh mà bay".

Từ vụ Thiên Linh Cái bị hoãn chiếu rút ra 5 bài học cấm kị cho các nhà làm phim Việt - Ảnh 7.

"Thiên Linh Cái" có khá nhiều cảnh nhạy cảm chỉ tính riêng trong trailer.

Một trường hợp điển hình khác mà khán giả hẳn sẽ ấn tượng mạnh mẽ chính là loạt phim 50 Sắc Thái. Với nhãn C18 (Cấm trẻ em dưới 18 tuổi) nhưng hai nhân vật chỉ cần hôn nhau là trời sẽ sáng dù đang là nửa đêm đi chăng nữa. Vốn là một bộ phim chỉ toàn cảnh nóng, 50 Sắc Thái ở rạp Việt đã dở nay còn chán hơn.

5. Những cảnh giết người hoặc hù dọa quá rùng rợn

Từ vụ Thiên Linh Cái bị hoãn chiếu rút ra 5 bài học cấm kị cho các nhà làm phim Việt - Ảnh 8.

Cảnh phim bị cắt trong "It" vì quá bạo lực.

Chuyện giết chóc trên màn ảnh rộng không mấy xa lạ với khán giả nhưng nếu nó quá rùng rợn thì vẫn dễ dạng bị "tuýt còi". Ví dụ điển hình cho trường hợp này chính là chính là It (2017) khi nhiều cảnh hù dọa quá máu me của tên hề Pennywise (Bill Skarsgard) hay nhân vật Henry Bowers giết người (Nicholas Hamilton) đều bị cắt khỏi phim.

Từ vụ Thiên Linh Cái bị hoãn chiếu rút ra 5 bài học cấm kị cho các nhà làm phim Việt - Ảnh 9.

Gần đây, Us của Jordan Peele cũng bị cắt đi 3 phân cảnh, trong đó đoạn cuối khi Adelaide giết chết Red (Lupita Nyong'o) khá quan trọng nhưng cũng đành ngậm ngùi chia tay bộ phim. Do đó mà không ít người xem cảm thấy cái kết phim có phần khó hiểu khi cậu nhóc Jason tỏ ra sợ hãi mẹ ruột.

Tạm kết

Dù chưa biết nội dung phim cụ thể thì người xem vẫn đoán được ít nhiều tình tiết từ Thiên Linh Cái. Tác phẩm dường như phạm tới cả 2 điều cấm kị là cảnh giết người quá sức bạo lực khi thầy bùa (Quang Tuấn) siết cổ nạn nhân hay cảnh cạo lông "vùng kín" khá nhạy cảm. Nếu không khéo léo cắt đi có lẽ bộ phim sẽ lỗi hẹn với khán giả.