Tư trang về nhà trĩu nặng những đắn đo của người trẻ Tết này

Quang Vũ, Theo Trí Thức Trẻ 13:30 22/12/2021

Trở về nhà ngày Tết - điều vốn luôn được những người con xa quê mong ngóng nay lại trở thành nỗi đắn đo sau cơn đại dịch. Những tâm tư ấy đã được Biti's Hunter cùng đạo diễn Trần Thanh Huy, và Phan Mạnh Quỳnh gói trọn trong mùa thứ 6 của Đi Để Trở Về với phim ngắn "Về".

Mỗi năm sau cái Tết sum vầy, từ ngôi nhà thân thương, người trẻ tỏa đi khắp mọi miền, mang trong mình lời hứa cho bản thân và cả gia đình. Đó là lời hứa sẽ thành công, hứa kiếm thật nhiều tiền để mang một cái Tết sung túc, no ấm về cho ba mẹ. Thế nhưng, 4 tháng đại dịch đã khiến lời hứa ấy năm nay khó có thể đạt được. Hành trình Đi Để Trở Về mỗi dịp cuối năm vẫn luôn được ngóng trông, nhưng đường về Tết này lại thêm tư trang trĩu nặng.

Tuy nhiên, chỉ sau hơn 6 phút, phim ngắn Về của Đi Để Trở Về mùa 6 đã mang đến một góc nhìn rất khác. Từ những thước phim mộc của đạo diễn Trần Thanh Huy, Biti's Hunter đã khéo léo phối hợp với chất nhạc tự sự của Phan Mạnh Quỳnh để gửi đến câu trả lời cho những đắn đo của người trẻ: Đâu cần mang tiền về, trắng tay cũng được, vì bạn chính là sự trở về lớn nhất rồi.

Khi hành trình vốn được mong ngóng nhất lại trở nên chần chừ

Thước phim mở ra với những bước chân chần chừ của người trẻ chẳng biết nên về quê hay ở. Hành lý trên tay cũng giản đơn hơn mọi năm chứ không tay xách nách mang những món quà cho người thân. Chỉ trong một phút đầu tiên, chúng ta đều tự hiểu đây là một cái Tết chẳng dễ dàng.

Và dù đã bước lên xe, sự đắn đo vẫn không hề thuyên giảm. Một chàng trai đang nỗ lực làm việc trên chuyến xe về nhà lại nhận tin dự án bị hủy bỏ trong thất vọng. Một cô gái ước mơ làm đầu bếp nhưng mọi thứ vẫn còn dang dở. Hành trình tương lai của cậu chàng mê rap vẫn đang đi trong hầm tối chứ chưa tìm thấy điểm sáng.

Đường hầm ấy như kéo dài bất tận với câu hỏi bâng khuâng được Phan Mạnh Quỳnh cất lên: "Ta không biết có nên về…". Với giọng ca như giãi bày tâm sự, lời hát ấy như cất lời thay tiếng lòng khó nói của những người trẻ ở nơi xa.

Tư trang về nhà trĩu nặng những đắn đo của người trẻ Tết này - Ảnh 2.

Nhưng cùng lúc đó, đan xen giữa những mảng tối của tâm tư trĩu nặng lại là những mảnh ký ức tươi sáng về gia đình - là khởi nguồn của những ước mơ, đam mê, là động lực và hy vọng gói trong hành trang của người trẻ khi lên thành phố. Ở đó có lời dặn của bà về những bí quyết nấu ăn để theo đuổi đam mê làm đầu bếp; có ký ức ba dạy vẽ tranh và ước mơ làm họa sĩ được nuôi dưỡng trên bãi cát quê nhà; có sự tin tưởng của ba mẹ trao qua những mầm cây nhỏ khi con quyết định trở thành rapper. Chính những kỷ niệm ấm áp ấy đã kéo trái tim người trẻ về với gia đình, đưa đôi chân đang mệt mỏi bước tiếp trên hành trình đi để trở về.

Ngôn ngữ điện ảnh giàu cảm xúc của đạo diễn phim Ròm - Trần Thanh Huy chính là chất xúc tác để đưa người xem đi qua những cung bậc trầm bổng trong tiếng lòng của người trẻ. Đường hầm u tối le lói ánh đèn đối lập hoàn toàn với khung cảnh thiên nhiên rộng mở tươi sáng trên đường về nhà. Màu phim mộc mạc với những cảnh quay không cầu kỳ lại chính là hình ảnh truyền tải chân thực nhất cho trái tim của người trẻ - chẳng có gì khác ngoài nụ cười hạnh phúc trên hành trình trở về.

Về - Để thấy bản thân chính là cái Tết lớn nhất

Hành trình của những chuyến xe vẫn tiếp tục lăn bánh. Càng ngắm nhìn cảnh đẹp quê hương, hít thở bầu không khí Tết, người trẻ lại càng nhận ra những điều vật chất, sung túc thật ra chỉ là một phần rất nhỏ trong bức tranh ngày Tết. Điều quan trọng nhất chính là những điều quen thuộc, những bóng hình tuổi thơ, những khung cảnh thân thương từ thuở bé vẫn luôn ở đây sau một năm đầy vất vả.

Tư trang về nhà trĩu nặng những đắn đo của người trẻ Tết này - Ảnh 3.

Càng về gần đến nhà, bước chân lại hối hả hơn, chỉ muốn được nhanh nhanh ngã vào lòng những người thân thương. Để rồi cái ôm siết của bà, giọt nước mắt của bố mẹ khiến người con xa xứ hiểu rằng Tết vẫn ở đây, ấm áp vẫn đong đầy khi ta có nơi đi để trở về.

Tiếng nhạc nôn nao, bước chân vội vã của người trẻ được đẩy lên cao trào theo lời hát cuối của Phan Mạnh Quỳnh:

"Đời người dù nơi cách xa mang nhiều hoài gánh trĩu nặng thì quê hương yêu thương luôn dang cánh tay.

Đời thật đẹp nhưng cũng có lúc tồi tệ, mạnh mẽ đi qua ta sẽ học được những ý nghĩa sâu xa, tin vào chính mình và nghỉ đôi chút ở nơi đi để trở về".

Đạo diễn Trần Thanh Huy quả thật vẫn rất tài tình trong việc chạm đến tim của người xem. Nụ cười móm mém mà ấm áp, vòng tay ôm ghì ngóng trông của người thân; hòa cùng giọt nước mắt hạnh phúc của người trẻ đã thể hiện cái kết trọn vẹn nhất của mọi hành trình đi để trở về: Đâu cần mang tiền về, trắng tay cũng được, vì bạn chính là sự trở về lớn nhất rồi.

2021 có thể là một năm cơ cực. Tết 2022 có thể là một cái Tết trắng tay, không nặng hành lý mà lại trĩu nặng tâm tư. Nhưng Tết mà, dù khó khăn thế nào, bạn vẫn luôn còn nơi để trở về, về để biết chính bản thân mình là sự trở về lớn nhất. Để mỗi khi giai điệu Đi Để Trở Về được cất lên thì người trẻ, dù ở bất cứ nơi đâu, cũng chỉ mong được về nhà.