Thị trường phim ảnh ngày càng phát triển đồng nghĩa với việc có hàng loạt phim truyềnh hình mới ra mắt khán giả mỗi năm, thế nhưng số phim thật sự thành công lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nguyên do có rất nhiều, kịch bản không mới, diễn xuất thiếu chuyên nghiệp, chiến dịch PR không đủ mạnh để phim đến được với nhiều khán giả hay chỉ đơn giản là khung giờ phát sóng không đẹp. Một trong số những nguyên do quan trọng không kém phần, đó chính là chất đời trong mỗi câu chuyện mà các nhà biên kịch mang đến có đủ chân thực để níu chân những khán giả khó tính nhất.
Với truyền hình Việt 2018, nói về chất đời trong phim ảnh, phải nhắc đến 2 trường hợp cá biệt, Quỳnh Búp Bê và Hậu Duệ Mặt Trời bản Việt. Trong khi Quỳnh Búp Bê từng bị cấm sóng vì thực tế đến mức trần trụi thì Hậu Duệ Mặt Trời bản Việt lại liên tục khiến khán giả phát cáu vì những chi tiết phi thực tế.
2018 là một năm khá bình yên của truyền hình Việt khi không có quá nhiều tác phẩm đủ sức để tạo ra những cơn chấn động, kể cả Gạo Nếp Gạo Tẻ - bộ phim tâm lý gia đình kinh điển của năm cũng có dấu hiệu nhạt dần khi biên kịch cố gắng kéo dài những mâu thuẫn. Quỳnh Búp Bê là tác phẩm hiếm hoi đủ sức để tạo nên một hiện tượng của màn ảnh, nguyên do cũng bởi phim phản ánh quá chân thực và trần trụi một đề tài hiếm khi được xuất hiện trên truyền hình, góc khuất của nạn buôn bán phụ nữ và số phận của gái làng chơi.
Những gì xảy ra trong Quỳnh Búp Bê chân thực đến mức trần trụi (Ảnh: VTV)
Phim khiến khán giả vô cùng bất ngờ khi phơi bày một cách trực diện những vấn đề mà trước đó những bộ phim khác chỉ dám gián tiếp nhắc đến qua những lời thoại hay một vài biểu tượng nào đó. Đặc biệt hơn nữa khi kịch bản phim được lấy cảm hứng từ một nhân vật có thật, ngay cả cái tên Quỳnh cũng là tên của nguyên mẫu ngoài đời. Biên kịch Kim Ngân đã rất tích cực trong việc tìm hiểu các nguồn tư liệu, trực tiếp gặp gỡ với những cựu gái làng chơi để nghe họ kể về cuộc đời của mình. Kết quả cho ra đời một kịch bản chân thực đến ám ảnh và trần trụi, tới mức cơ quan kiểm duyệt vào vào cuộc.
Những tình thiết xảy ra trong phim đều được lấy cảm hứng từ cuộc đời có thật của một cô gái tên Quỳnh
Trong khi Quỳnh Búp Bê được khán giả hết lời khen ngợi bởi sự chân thực đến mức ám ảnh thì Hậu Duệ Mặt Trời bản Việt lại chịu không ít những chỉ trích bởi mang đến những hình ảnh gây hiểu lầm nghiêm trọng về hình ảnh cao quý của quân nhân Việt Nam. Hơn 10 tập phim đầu tiên, khán giả phải mỏi mắt vì nhặt sạn. Từ lễ tiết tác phong, trang phục đến cách xưng hô, tất cả đều có vấn đề khiến tổng thể bộ phim trở nên kệch cỡm và gây khó chịu.
Hình ảnh quân nhân trong phim khác xa với thực tế
Những sai phạm trong phim lớn đến mức, bộ Quốc phòng phải quyết định vào cuộc, yêu cầu ekip làm phim có phương án sửa chữa để hình ảnh người lính Việt được chân thực, khách quan nhất. Ai ngờ, thay vì sửa chữa nội dung, ekip làm phim lại dùng phương pháp chữa cháy, cho chạy một dòng chữ trước mỗi tập phim với nội dung tất cả những gì xảy ra trong phim đều là hư cấu, mọi thứ tương đồng với ngoài đời đều là ngẫu nhiên.
Rõ ràng ban đầu bộ phim được quảng bá rầm rộ rằng sẽ nói về tinh thần yêu nước, yêu dân tộc của người quân nhân Việt nhưng ở thời điểm hiện tại, mọi thứ trong phim lại hóa giả tưởng, đây chẳng phải một gáo nước lạnh mà ekip sản xuất tự dội lên đầu mình hay sao? Chưa kể, giải pháp tình thế này khiến khán giả không thực sự hài lòng.
Cách giải quyết của ekip không khiến khán giả hài lòng
Với Quỳnh Búp Bê, dù bộ phim thực tế đến mức trần trụi, không phù hợp với mọi lứa tuổi và bị cơ quan kiểm duyệt "sờ gáy" nhưng nó vẫn có một lượng khán giả đông đảo ủng hộ, ngày đêm trông ngóng tập phim mới. Phim có khá nhiều hạt sạn đáng tiếc, thế nhưng với tổng thể tốt, người xem vẫn trở nên dễ tính, cho qua hoặc bàn về những hạt sạn đó với một thái độ vui vẻ.
Khán giả không mấy quan tâm tới một vài hạt sạn nhỏ bởi tổng thể Quỳnh Búp Bê quá ấn tượng (Ảnh: VTV)
Hậu Duệ Mặt Trời bản Việt lại khác, phim mang đến cái nhìn thiếu thiện cảm với không ít khán giả bởi những chi tiết quá xa rời thực tế. Đồng ý là phim ảnh có quyền mang đến những điều phi lí, không có thật nhưng đó là với dòng phim viễn tưởng. Trong khi Hậu Duệ Mặt Trời bản Hàn thôi thúc trong khán giả nước họ sự tự hào trước hình ảnh người quân nhân thì bản Việt lại biến những người chàng trai miệng hát Quốc ca, ánh mắt hướng về lá cờ đỏ sao vàng, khoác trên mình quân phục lính Việt trở thành những kẻ hư cấu, giả tưởng. Tất cả những điều này đã khiến bộ phim chịu không ít những chỉ trích nặng nề từ những khán giả khó tính. Giá như từ đầu, phim đã xác định sẽ làm theo hướng giả tưởng, không mượn niềm tự hào dân tộc ra để quảng bá hình ảnh thì có lẽ đã không nhận được những bình luận tiêu cực không đáng.
Hình ảnh thiêng liêng này hóa ra chỉ là giả tưởng
Thị trường phim ảnh ngày càng phát triển, đồng nghĩa với việc khán giả có rất nhiều sự lựa chọn khác nhau và họ cũng sẽ trở nên kĩ tính hơn. Khán giả hoàn toàn có thể bỏ tiền ra rạp xem những bộ phim chất lượng, chỉn chu thay vì ngồi nhà, bật tivi xem những bộ phim phát miễn phí (hoặc trả phí thấp hơn rất nhiều lần so với phim rạp) với chất lượng đáng quan ngại. Trên thực tế, khán giả đủ thông minh, khó tính để không biến mình thành trò đùa của các nhà làm phim và họ cũng hoàn toàn có quyền để lựa chọn bộ phim thực sự thích hợp với mình.
Phim ảnh sẽ trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết nếu khiến khán giả nhìn thấy một phần bản thân họ trong mỗi thước phim (dĩ nhiên là vẫn trừ một số chi tiết trong những phim khoa học, viễn tưởng). Như trường hợp của Gạo Nếp Gạo Tẻ mới đây, dù cũng được làm lại từ một kịch bản Hàn Quốc nhưng biên kịch lại đủ sức biến kim chi thành cà pháo bằng những chi tiết rất Việt Nam, kết quả, phim được khán giả hưởng ứng nhiệt tình. Quỳnh Búp Bê cũng vậy, những sự thật ngày ngày khiến con người ta nhức nhối ngoài kia được tái hiện đầy chân thực qua lăng kính điện ảnh khiến khán giả thực sự "sướng", thậm chí là vỗ đùi đen đét sau mỗi câu thoại bởi nó chân thực quá.
Quỳnh Búp Bê khiến khán giả hả hê với những câu thoại quá đời
Dĩ nhiên, phim ảnh không nhất thiết là phải bám sát thực tế, tùy thể loại mà biên kịch có thể lựa chọn những chất liệu phù hợp cho tác phẩm của mình. Thế nhưng, đã lựa chọn mạo hiểm làm phim từ những đề tài sát với thực tế, khai thác những câu chuyện lấy cảm hứng từ những nguyên mẫu ngoài đời thực thì hãy đời nhất có thể để khán giả có cảm giác được tôn trọng.