Từ lời giải thích gây tranh cãi của Khoa Pug: Đã làm nghề review thì nên am hiểu văn hóa nơi mình đến, đó là yêu cầu tối thiểu của công việc!

Chuyện Cũ Bỏ Qua - V, Design: Trường Dương, Theo Nhịp Sống Việt 07:30 08/11/2019

Gần 1 tuần trôi qua kể từ vlog “quỳ khóc” mở đầu cho loạt lùm xùm của Khoa Pug, dù cho anh đã “ngầm lên tiếng” hay âm thầm thay title, đổi thumbnail thì chỉ càng gây tranh cãi hơn.

Còn nhớ vụ Khoa Pug tố 1 resort ở Bình Thuận lừa đảo, hành hung khách đầu năm 2019, khi ấy channel của chàng vlogger sinh năm 1992 mới chỉ có hơn 900k lượt theo dõi. Cho đến thời điểm hiện tại, con số subscribers đã đạt 2,26 triệu. 7 tháng và 1,2 triệu người theo dõi mới - channel của Khoa Pug có tốc độ tăng trưởng mà bất cứ ai làm Youtube cũng mong muốn, thậm chí là chỉ dám mơ.

Nhưng 7 tháng cũng là khoảng thời gian để khán giả từ ủng hộ, tung hô Khoa Pug, cho đến chính họ trở thành những người chỉ trích, phê phán anh. Nếu có những người bất chấp mọi thủ đoạn, mọi scandal để được nổi tiếng, được nhắc đến nhiều hơn thì Khoa Pug lại từ sự nổi tiếng của mình mà (vô tình)… tạo ra nhiều lùm xùm, tranh cãi hơn.

Từ lời giải thích gây tranh cãi của Khoa Pug: Đã làm nghề review thì nên am hiểu văn hóa nơi mình đến, đó là yêu cầu tối thiểu của công việc! - Ảnh 1.

Chân dung Khoa Pug - 1 trong những vlog review du lịch, ẩm thực chịu chi nhất Youtube Việt.

Vài ngày trở lại đây, được bàn tán rôm rả nhất trên MXH là loạt “biến” từ chuỗi vlog du lịch Nhật Bản của Khoa Pug. Từ đầu bếpnhà văn cho đến cư dân mạng, ai cũng có những ý kiến vừa thanh minh, vừa phản biện cho hành vi của Khoa Pug. Ngay cả khi anh chàng đã “lên tiếng ngầm” thông qua phần Pinned Comment của Youtube thì vẫn không thể xoa dịu dư luận. Tại sao lại như vậy?

Sáng tạo nội dung du lịch nhưng lại (cố tình) bỏ lơ những nguyên tắc ứng xử cơ bản khi đến một vùng đất mới  

Tháng 07/2019, một nữ du học sinh Việt đã bị bắt giữ khi mang 10 kg nem chua, 360 quả trứng vịt lộn sang Nhật. Ngay từ khi nhập cảnh, nước Nhật đã có những quy định nghiêm ngặt mà du khách buộc phải tuân theo, chứ chưa nói đến khi du lịch, du học hay định cư ở Nhật. Sự việc của Khoa Pug mấy ngày gần đây, tuy không vi phạm đến pháp luật như nữ du học sinh mang đồ trái phép nhưng đã vô tình tạo nên luồng tranh cãi từ dư luận. Không cần phải nói thì ai cũng có thể thấy những hành động của Khoa Pug đã vi phạm (các) quy định văn hóa ở đất nước này.

Đầu tiên là vlog với title có yếu tố xúc phạm phụ nữ Nhật Bản, câu view bằng từ “quỳ khóc” và thumbnail phản cảm. Tiếp sau đó là vlog Khoa Pug tố bị nhân viên người Việt làm việc tại quán mì Nhật “chửi”. Cả hai vlog đều dấy lên làn sóng phản đối vì cách hành xử của chàng vlogger và ekip bởi đều xâm phạm đến điều tối kỵ của người Nhật (và những người làm việc ở Nhật) là văn hóa riêng tư bất khả xâm phạm. 

Từ lời giải thích gây tranh cãi của Khoa Pug: Đã làm nghề review thì nên am hiểu văn hóa nơi mình đến, đó là yêu cầu tối thiểu của công việc! - Ảnh 2.

Vlog xúc phạm phụ nữ Nhật Bản để giật title, câu view.

Từ lời giải thích gây tranh cãi của Khoa Pug: Đã làm nghề review thì nên am hiểu văn hóa nơi mình đến, đó là yêu cầu tối thiểu của công việc! - Ảnh 3.

Vlog Khoa Pug tố bị nhân viên người Việt "chửi".

Nhật Bản là một quốc gia đề cao quyền riêng tư và không gian cá nhân, đặc biệt họ không thoải mái với việc bị người lạ quay phim, chụp hình. Không ít du khách đến Nhật, dù chỉ vô tình chụp trúng một đám trẻ em, hay một người đi trên đường cũng có thể bị xử phạt nếu bị tố cáo, nhẹ nhàng hơn thì là được yêu cầu xoá ảnh ngay lập tức. Đó là quy tắc ứng xử, là văn hoá mà bất kì ai có am hiểu cơ bản về đất nước này cũng phải biết.

Chính vì thế, cho dù Khoa Pug thanh minh là đã xin phép quản lý nhà hàng để quay phim đi chăng nữa thì đó cũng chỉ là quay bàn ghế, quay không gian, quay món ăn “làm pr quảng cáo”, chứ nhà hàng không thể đại diện cho sự đồng ý của cô nhân viên. Thậm chí, cô nhân viên nhà hàng đã nhiều lần nói “làm ơn dừng lại” hay “Tôi không phải là một thứ đồ vật để ngắm nhìn, quay phim” nhưng Khoa Pug và cameraman vẫn tiếp tục, cho đến khi nữ phục vụ phải bỏ ra ngoài. Rõ ràng là Khoa Pug đã sai, nhưng tuyệt nhiên không hề có một lời xin lỗi nào với cô gái. Đến cả khi giải thích trong clip và ở phần bình luận, anh cũng chỉ cho rằng mình “dễ xảy ra sai sót”, “mình không phải là thánh nhân”.

Từ lời giải thích gây tranh cãi của Khoa Pug: Đã làm nghề review thì nên am hiểu văn hóa nơi mình đến, đó là yêu cầu tối thiểu của công việc! - Ảnh 4.

Quyền riêng tư hình ảnh cá nhân là quyền bất khả xâm phạm của người Nhật.

Trước mỗi chuyến đi, ngoài việc chuẩn bị chỗ ở, lên list đi đây đi đó thì việc tìm hiểu về văn hóa và cách ứng xử phù hợp của nơi mình sắp ghé thăm cũng vô cùng quan trọng. Ai từng đi Thái cũng đều biết đến những quy tắc như không dẫm lên bóng nhà sư, không thể hiện thái độ thiếu tôn trọng với hình của Nhà vua, không mua những món đồ lưu niệm có hình Phật. Nếu đến Singapore thì bạn phải biết đảo quốc này vô đối về khoản sạch sẽ và những hành vi như xả rác, vứt kẹo cao su đều sẽ bị phạt tiền. Ở Triều Tiên, danh sách này còn dài hơn với một loạt những luật lệ và nguyên tắc như không được tự ý tách đoàn, không quay phim chụp ảnh người dân, không mang các văn hóa phẩm của Hàn Quốc, phải ăn mặc kín đáo... 

Đây đều là những kiến thức rất phổ thông mà bất kì ai cũng nên tìm hiểu trước khi lên đường. Những thứ này không chỉ làm chuyến đi của bạn trở nên dễ dàng hơn mà còn giúp bạn không vướng vào những tình huống nguy hiểm hoặc vô tình “gây họa" vì thiếu hiểu biết. Là một nhà sáng tạo nội dung về du lịch & ẩm thực với hàng triệu người theo dõi, hơn ai hết Khoa Pug phải là người hiểu rõ điều này. 

Từ lời giải thích gây tranh cãi của Khoa Pug: Đã làm nghề review thì nên am hiểu văn hóa nơi mình đến, đó là yêu cầu tối thiểu của công việc! - Ảnh 5.

Review chân thực không nhất thiết phải đi kèm với sự kém văn minh hoặc đẩy người khác vào tình huống khó xử, nghiêm trọng hơn là khiến họ cảm bị làm phiền, bị xem thường. Làm nội dung có khen có chê cũng không phải cái cớ để một Youtuber được phép dễ dãi trong nội dung và đẩy trách nhiệm cho hoàn cảnh khi sản phẩm của mình gây ra những phản ứng tiêu cực.     

Quy chụp tất cả phụ nữ Nhật “quỳ khóc”

Đỉnh điểm của vụ việc khiến người xem bức xúc chính là việc Khoa Pug giật title câu view. Từ một sự vụ trong nhà hàng Nhật, Khoa Pug “vơ đũa cả nắm” tất cả “phụ nữ Nhật”, như vậy chẳng khác nào đang ám chỉ phái nữ của 1 cường quốc đang “quỳ gối” dưới chân anh. Đầu bếp Võ Quốc thậm chí còn bức xúc lên tiếng, và cảm thấy xấu hổ thay cho Khoa Pug: “Cầu mong cho cô gái người Nhật không coi được clip này”. Chính hành động mang tính xúc phạm phụ nữ của cả một quốc gia mới là điều khiến làn sóng chỉ trích Khoa Pug dữ dội như vậy.

Từ lời giải thích gây tranh cãi của Khoa Pug: Đã làm nghề review thì nên am hiểu văn hóa nơi mình đến, đó là yêu cầu tối thiểu của công việc! - Ảnh 6.

Đầu bếp Võ Quốc đã có những chỉ trích gay gắt về Khoa Pug.

Trong một bình luận ở vlog mới nhất, Khoa Pug còn chia sẻ:“Mình cũng là người thường, không phải thánh nhân, bất đồng ngôn ngữ, bất đồng văn hóa…”. Thế nhưng, nhiều người cho rằng không thể đổ lỗi cho việc bất đồng ngôn ngữ rồi được phép cư xử thiếu hiểu biết như vậy. Nữ phục vụ đã năm lần bảy lượt nói ngừng quay, nhưng ekip của Khoa Pug vẫn tiếp tục ghi hình. Cô ấy quỳ là vì phục vụ theo kiểu truyền thống, chứ không phải xin cho cameraman ngồi ăn. Ekip Khoa Pug không thể vin vào cái cớ “không biết” để thản nhiên quay phim, thản nhiên xúc phạm cô gái. Bởi lẽ, đã đi du lịch nước ngoài, việc tối thiểu là phải hiểu, phải tôn trọng văn hoá bản địa và con người. 

Chính thái độ không thẳng thắn thừa nhận cái sai mà đội cho nó lớp áo “tôi không hoàn hảo" đã khiến Khoa Pug bị phản ứng càng dữ dội hơn. Người hâm mộ có thể chấp nhận một vlogger xuề xòa, đơn giản và đôi khi còn những sai sót, nhưng chắc chắn sẽ khó ai có thể tiếp tục ủng hộ một người đã và đang có những hành động xúc phạm đến người khác nhưng vẫn khăng khăng cho rằng mình không làm gì sai.  

Từ lời giải thích gây tranh cãi của Khoa Pug: Đã làm nghề review thì nên am hiểu văn hóa nơi mình đến, đó là yêu cầu tối thiểu của công việc! - Ảnh 7.

Đánh đổi văn hoá là sự trả giá đắt

Nếu là 1 người thường xuyên “cày bừa” trending Youtube Việt hiện nay thì chắc chắn bạn sẽ biết đến vlogger Quỳnh Trần JP - một trong những Youtuber ẩm thực hot nhất ở thời điểm hiện tại. Trong một vlog gần đây, chị Quỳnh đã giới thiệu món sò tai tượng được xem như là đặc sản bổ dưỡng ở Nhật Bản. Thế nhưng, quay trở lại thời điểm 07/2019, chính loại sò này đã khiến nữ diễn viên Hàn Quốc Lee Yeol-eum phải đối diện với án tù 3 năm sau khi săn bắt, chế biến và ăn 3 con sò tai tượng tại công viên quốc gia Hat Chao Mai của Thái Lan. Tham gia chương trình thực tế "The Law of the Jungle" cuối tháng 06/2019, hành vi đánh bắt sò tai tượng của Lee Yeol-eum bị coi là vi phạm pháp luật Thái Lan do sự thiếu cẩn trọng của ekip chương trình.

Từ lời giải thích gây tranh cãi của Khoa Pug: Đã làm nghề review thì nên am hiểu văn hóa nơi mình đến, đó là yêu cầu tối thiểu của công việc! - Ảnh 8.

Nữ diễn viên Lee Yeol-eum tham gia cả 3 quy trình lặn biển, chế biến và ăn sò tai tượng.

Từ lời giải thích gây tranh cãi của Khoa Pug: Đã làm nghề review thì nên am hiểu văn hóa nơi mình đến, đó là yêu cầu tối thiểu của công việc! - Ảnh 9.

Ở Nhật Bản, sò tai tượng lại được là đặc sản...

Từ lời giải thích gây tranh cãi của Khoa Pug: Đã làm nghề review thì nên am hiểu văn hóa nơi mình đến, đó là yêu cầu tối thiểu của công việc! - Ảnh 10.

... Nhưng tại Thái Lan, chúng là loại động vật quý cần bảo tồn, và nữ diễn viên Lee Yeol-eum đã phải đối diện với pháp luật nước sở tại do sự thiếu cẩn trọng của ekip.

Sự sai sót đó không chỉ dừng lại ở mặt gây tranh cãi như trường hợp của Khoa Pug, mà còn phải đối diện với pháp luật tại nước sở tại. Chương trình "The Law of the Jungle" đã lên tiếng xin lỗi nhưng vụ việc vẫn được xử lý theo đúng pháp luật Thái Lan.

Câu chuyện trên là minh chứng cho việc cho dù là du khách nước ngoài thì không có nghĩa là bạn được miễn tội, hay có ngoại lệ cho bất kỳ hành vi vi phạm nào. Từ đó có thể thấy trường hợp của Khoa Pug còn… quá nhẹ nhàng. Cô gái phục vụ người Nhật, hay nữ nhân viên quán mì người Việt hoàn toàn có thể kiện Khoa Pug, như lời của đầu bếp Võ Quốc chia sẻ.

Từ vlog lùm xùm ở resort Bình Thuận cho đến nay, Khoa Pug luôn khẳng định bản thân là “chuột bạch” đi trước, là phép thử cho những ai ưa thích du lịch (bụi) nhìn vào để “không nên làm giống nó - Đó là thứ mình muốn truyền tải qua các video thực tế. Nếu mọi thứ hoàn hảo thì nó đã là 1 kênh truyền hình”. Và vì là phép thử, vì là người tiên phong, Khoa Pug cũng nghiễm nhiên khẳng định trong lần lên tiếng vừa xong: “Điểm đặc biệt của kênh mình là nhiều cảnh quay one-shot, nghĩa là quay 1 lần, từ đầu đến cuối, không biết kịch bản, không biết cái gì sẽ chờ đón mình, nên dễ phát sinh nhiều tình huống mà không thể diễn đi diễn lại như các vlog khác…, dễ xảy ra sai sót”.

Lời chia sẻ được cho là giải thích trước những vụ việc lùm xùm của Khoa Pug.

Có thể Khoa Pug đã quên rằng trong “vũ trụ Youtube” mà mình mở ra, anh hoàn toàn có quyền kiểm soát, anh hoàn toàn làm chủ. Sản phẩm của Khoa Pug là vlog, không phải livestream. Trước khi đăng tải đều có khâu biên tập, chỉnh sửa, không phải thứ "ván đã đóng thuyền" không thể thay đổi. Chưa kể, những ai biết tiếng Nhật còn phát hiện ekip Khoa Pug đã dịch sai và vietsub sai lời nói của nữ phục vụ - cho dù có vô tình đi chăng nữa thì cũng là sự cẩu thả không chấp nhận được.

Cũng là sai sót, một người Việt bị trục xuất hẳn ra khỏi nước Nhật. Cũng là sai sót, Khoa Pug có vlog 2,5 triệu views và vô vàn “gạch đá”. Một lời xin lỗi công khai và xóa video có khi sẽ hợp lý và “an toàn” hơn phải không Khoa? Thay vì chỉ âm thầm đổi title, thay thumbnail sang một nội dung khác, và tiếp tục im lặng.

Kết

Vẫn theo phong cách mọi khi, Khoa Pug luôn im lặng trước mọi ý kiến từ dư luận, cho dù có lên tiếng cũng chỉ nêu ra, rồi tuyệt nhiên không đả động cụ thể. Nhiều người yêu quý và đón nhận Khoa Pug vì làm review du lịch chân thật, gần gũi, nhưng những lùm xùm liên tiếp nổ ra khiến dư luận phải hoài nghi: liệu là chân chất, giản dị, hay là thiếu hiểu biết, thiếu… văn hóa?

“Nhật làm du lịch, là bậc thầy PR quảng cáo, nên việc quay video rất dễ, khách du lịch mang tiền đến là được tôn trọng”, Khoa Pug nhận định. Nhưng anh đã quên đi một điều quan trọng hơn thế: sự tôn trọng đổi lấy sự tôn trọng. Có lẽ đó cũng là lý do cho diễn biến ở cuối vlog “quỳ gối” - không có nhân viên nào tiếp tục phục vụ Khoa Pug nữa, vì sự tôn trọng dành cho anh đã không còn. 

Sức ảnh hưởng và những gì Khoa Pug đã làm được trong quá khứ là điều không ai có thể phủ nhận. Nhưng trong cùng một chuyến đi, trong vòng chưa đầy một tuần mà đã có 2 lần gây tranh cãi về cách cư xử ở một quốc gia khác - đây rõ ràng là một tín hiệu đáng để anh chàng chậm lại một bước và suy ngẫm. Nếu muốn đi xa hơn và được nhìn nhận đúng với vị trí của một người có sức ảnh hưởng trên MXH, đã đến lúc để Khoa Pug mài giũa lại sự “vô tư", “chân chất" của mình trước khi những câu chuyện nghiêm trọng khác có thể xảy ra.

Từ lời giải thích gây tranh cãi của Khoa Pug: Đã làm nghề review thì nên am hiểu văn hóa nơi mình đến, đó là yêu cầu tối thiểu của công việc! - Ảnh 12.