Từ hiệu ứng clip Spiderman Elsa: Khi chúng ta yêu thương nhau nhưng chưa đủ sự kiên nhẫn

Lương Hồng Phúc, Theo Trí Thức Trẻ 06:54 20/01/2017

Cuộc sống tất bật vội vàng khiến con người ta bớt chuyên tâm hơn vào những hoạt động thường nhật trong đời. Khi bạn tưởng như cho con mình iPhone, iPad để chúng được vui và không quấy nhiễu, tức là bạn đang thoái thác một phần trách nhiệm gần gũi con trẻ.

Chiều hôm qua, em gái tôi, mới 7 tuổi, được mẹ đưa về nhà sau một buổi học dài. Vừa đặt chân xuống nhà, cởi được đôi giày ra, thứ mà nó vồ lấy đầu tiên chính là cái iPad trên ghế sofa, tay thoăn thoắt nhập mật khẩu và mở ứng dụng Youtube ra xem.

Mẹ nó thì vẫn lúi húi trong bếp, thi thoảng lại nói vọng ra: "Coi nhiều sau cận lòi con mắt ra nghe hông?", rồi lại tất bật với đám thịt thà rau cá mới tranh thủ mua về, chẳng buồn quan tâm con bé đang xem gì.

Còn con bé, vẫn cặm cụi với cái máy tính bảng cùng những đoạn phim hoạt hình, thòm thèm nhìn đám đồ chơi mà nó vòi mãi mẹ chẳng mua cho trên clip, rồi mặc cho Youtube tự động bật Playlist sắp sẵn, đôi lúc bật cười khanh khách vì hoạt cảnh hài hước nào đó tôi cũng chẳng hay.

Và rồi đến tối, khi mà báo đài đồng loạt đưa tin về một Channel Youtube dành cho trẻ em, chuyên làm clip cosplay các nhân vật Disney, hoạt hình nổi tiếng nhưng lại có những hành động phản cảm, gợi dục không đúng với lứa tuổi, mẹ nó mới giật mình. Chị giằng lấy cái iPad từ tay con bé, bật cái playlist mà nó hay xem ra, xem từ đầu đến cuối. Chị sợ con mình cũng xem phải thứ văn hóa cạm bẫy lệch lạc đó, nhưng may quá, nó chỉ xem clip chơi đồ chơi mà thôi.

Sau đó chị tuyên bố cấm con bé sử dụng iPad khi không có sự giám sát của bố mẹ.

Từ hiệu ứng clip Spiderman Elsa: Khi chúng ta yêu thương nhau nhưng chưa đủ sự kiên nhẫn - Ảnh 1.

Không chỉ ở nhà tôi, mà còn ở nhà hàng xóm, hoặc cứ đi tới bất cứ nhà nào, các bạn cũng sẽ dễ dàng nhìn thấy cảnh tượng lũ trẻ con bám dính vào màn hình điện thoại, máy tính bảng, hay laptop của bố mẹ để giải trí vui chơi. Bố mẹ thì mừng vì có thời gian để dọn nhà dọn cửa, để nấu cơm rửa bát hay tranh thủ hoàn thành nốt đống công việc dang dở mà chẳng sợ con mình làm phiền.

Điện thoại, máy tính bảng bỗng chốc trở thành vị cứu tinh của các bậc cha mẹ. Chỉ cần thảy cho đám con nít món đồ công nghệ này, cha mẹ, anh chị, ông bà sẽ nhàn hạ hơn bội phần. Không phải lo chúng chạy nhảy ở tận đẩu tận đâu không biết đường về, cũng chẳng lo chúng trầy da xước vẩy vì nghịch ngợm linh tinh, cái duy nhất phải lo là chúng có làm rơi bể máy hay không mà thôi.

Từ hiệu ứng clip Spiderman Elsa: Khi chúng ta yêu thương nhau nhưng chưa đủ sự kiên nhẫn - Ảnh 2.

Vậy nhưng ít ai sợ là con mình truy cập phải các trang không lành mạnh, hay xem phải những thứ không phù hợp với lứa tuổi. Những người có ý thức về vấn đề này thường là người tiếp xúc nhiều với công nghệ và am hiểu Internet, còn không chỉ đơn giản hồn nhiên rằng: "Youtube thì làm gì có gì bậy bạ".

Cuộc sống tất bật vội vàng khiến con người ta bớt chuyên tâm hơn vào những hoạt động thường nhật trong đời. Cuộc sống thực dụng xoay quanh đồng tiền cũng khiến người ta nhầm lẫn trong bản chất quy đổi sự yêu thương.

Ở trường hợp này, bố mẹ nghĩ đơn giản rằng chỉ cần cho con thứ mà nó yêu thích (cái điện thoại, cái máy tính) và để nó tự do giải trí theo cách nó muốn, thế là đủ cho chúng rồi. Nhìn về bề nổi, bố mẹ thương con, chiều con nên sử dụng đồ điện tử như một cách thu hút sự chú ý, bảo vệ con khỏi thế giới nguy hiểm bên ngoài đầy rẫy tai nạn, lừa lọc.

Từ hiệu ứng clip Spiderman Elsa: Khi chúng ta yêu thương nhau nhưng chưa đủ sự kiên nhẫn - Ảnh 3.

Tuy nhiên, nếu nhìn sâu xa vào bản chất vấn đề, đây là một hình thức thoái thác trách nhiệm gần gũi với con, để con bận rộn với một sự việc nào đó và tạo không gian riêng cho mình. Bố mẹ có thương yêu con trẻ, tất nhiên, bố mẹ nào mà chẳng thương con, nhưng sự quan tâm yêu thương này chưa tròn. Nó thiếu đi sự tìm hiểu, sự kiên nhẫn với con cái, thiếu mất cái gắn kết giữa đấng sinh thành và thế hệ sau.

Tôi có quen một gia đình. Nhà này chỉ có mẹ và một cậu con trai. Người mẹ rất hiền, rất lương thiện, đảm đang, hay làm từ thiện. Người ta nhìn vào thì thấy cô một mình nuôi được anh con trai khỏe mạnh, ngoan ngoãn lễ phép, đúng người mẹ tuyệt vời.

Đến một thời gian sau người ta ngớ người khi thấy cậu con trai ngoan ngoãn giỏi giang ngày nào thân tàn ma dại vì chứng trầm cảm, kèm theo những câu chuyện cực kỳ phức tạp về cuộc sống cá nhân. Trong khi người mẹ thì chẳng hề hay biết bất cứ điều gì.

Lúc ấy cô mới vỡ lẽ, hóa ra cứ chăm chỉ, lo cho con ngày đủ ba bữa ấm no, ngủ kỹ, có xe có máy đi học đi làm thế là được rồi. Còn tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, tìm hiểu con người thật của con trai, tìm hiểu những câu chuyện đang diễn ra mỗi ngày trong cuộc đời của con mình, cô bỏ quên mất.

Giá như mỗi ngày cô chịu khó hỏi cậu một chút, chịu khó nghe cậu kể những câu chuyện của mình dù nó vô lý và ngang trái đến đâu. Cô hãy nhiệt tình với cậu thêm, kể cả khi việc mở lòng cậu nó là bài toán đường dài không ra đáp án chỉ qua một hai phép tính. Nếu cô để ý hơn, chắc cậu chẳng đến nỗi như bây giờ. Tuy không đảm bảo cậu sẽ không gặp phải chuyện buồn đến mức suy sụp, nhưng chắc chắn cậu sẽ không trầm cảm.

Cũng như câu chuyện về Channel Youtube dung tục kia. Khi mà các bậc làm cha mẹ vẫn cứ ỉ lại vào "cô bảo mẫu" công nghệ và chẳng quan tâm con cái thực sự đang muốn cái gì, một ngày nào đó, liệu họ có bất ngờ với những thứ mà con mình đang xem miệt mài ở phòng bên kia hay không?

Còn chị tôi, giải pháp của chị như một biện pháp cuối cùng, và cấp bách nhất, để con chị không xem phải thứ văn hóa bẩn được ngụy trang thành ca kịch trẻ em nọ. Chị biết cấm cản chẳng mang lại hiệu quả lâu dài, nhưng trước mắt chị phải cấm đã, rồi chị sẽ dần dần tháo bớt nút khi đã tìm ra giải pháp cho con.

Nói thế để nói rằng đôi khi chúng ta yêu thương nhau bằng cách vồn vã đáp ứng các nhu cầu, vồn vã làm hài lòng nhau một cách tạm thời, rồi nghĩ đó đã là đủ đầy. Nhưng đầu tư tình cảm giữa con người với nhau đâu giống như chơi thú ảo, chỉ cần cho ăn, cho chơi đủ là sẽ yêu thương đến chết. Không chỉ tình yêu, mà cả tình cảm gia đình, cũng cần sự đầu tư đúng mức.

Từ hiệu ứng clip Spiderman Elsa: Khi chúng ta yêu thương nhau nhưng chưa đủ sự kiên nhẫn - Ảnh 4.

Người ta thường nói "nhà là nơi để về", tức là người ta đang nói về viễn cảnh một cộng đồng nhỏ có liên quan mật thiết với nhau thông qua dòng máu đỏ, hiểu được trọn vẹn tâm tư suy nghĩ của nhau, hay biết cách dang tay đón nhận nhau về sau bao lần vấp ngã, mỏi mệt. Mà muốn có một chốn đi về như thế, sự kết nối phải là nền móng đầu tiên.

Không ai muốn trở về căn nhà nơi mỗi người một buồng, chào nhau lúc đi, mời nhau lúc ăn, còn mệnh ai nấy sống. Lúc ấy kể cả nhà lầu, dát vàng sơn son cũng là chốn lạc lõng không điểm tựa lưng.

Nhà lạnh hay ấm, phụ thuộc vào việc những con người sống trong đó kết nối với nhau gần gũi tới đâu, chứ không hẳn là vì trong nhà có đủ điều hòa hai chiều, có lò sưởi hay bếp luôn sáng lửa hồng. Nhà ấm ở đây đôi khi chỉ cần là một bữa tối có đủ cả gia đình, thoải mái nói với nhau những câu chuyện thường ngày, rồi lại quây quần bên cái TV xem một chương trình ngày Tết.

Từ hiệu ứng clip Spiderman Elsa: Khi chúng ta yêu thương nhau nhưng chưa đủ sự kiên nhẫn - Ảnh 5.

Nếu những thành viên trong gia đình thực sự kết nối với nhau, xích lại gần nhau, thì không chỉ có cái thân nhiệt cộng hưởng sinh ra sự ấm áp, mà chính cả cảm giác có thể tin tưởng nhau, có thể tìm về bên nhau trong thời khắc khó khăn nhất mới khiến căn nhà trở thành nơi trú ẩn tối thượng.

Tình yêu cũng thế, thăng hoa hơn khi mỗi người thực sự hiểu và đồng cảm với những gì người kia cảm nhận. Đôi khi yêu chẳng cần nói ra, chỉ cần vòng tay ôm nhau, chỉ một câu thương nhau, đúng thời điểm, đúng lúc, sẽ hơn vạn lần câu yêu đương sến rỗng, cũng hơn vạn lần quà cáp đắt tiền. Yêu nhau mà hai người ngồi cạnh nhau, chẳng biết đối phương đang buồn hay đang vui, chính là kiểu yêu đương bi kịch nhất.

Chúng ta cứ bận chiều lòng nhau bằng quà cáp, bằng hoa, bằng sự tôn vinh tâng bốc nhau, đổi lại để tìm sự hài lòng ích kỷ cho bản thân mình, nhưng chúng ta lại quên đi mất việc xây dựng sự thấu hiểu trong quá trình yêu đương. Kết quả, khi chúng ta choáng ngợp bởi sự hào nhoáng giả tạo bên ngoài thì lại rơi rụng bỏ qua mất sự thấu hiểu lẫn nhau.

Và khi hai cá thể không có sợi dây kết nối, một lúc nào đó sẽ phải rời xa nhau.

Cuộc sống thì đúng vội, nhưng yêu thương nhau xin đừng vội vã, nhất là khi chúng ta ràng buộc với nhau bằng tình cảm gia đình. Quan tâm nhau một chút, chịu khó thôi, thì mọi chuyện sẽ đẹp hơn.

Từ hiệu ứng clip Spiderman Elsa: Khi chúng ta yêu thương nhau nhưng chưa đủ sự kiên nhẫn - Ảnh 6.