Từ chuyện gặp trục trặc khi mua vé AFF CUP: Đời sinh viên ăn dầm nằm dề đăng ký tín chỉ còn khổ hơn nhiều

Mây, Theo Helino 17:13 28/11/2018

Có thể thấy đăng ký tín chỉ là bài học rõ ràng nhất giúp các bạn sinh viên luyện "thần kinh thép", sự bình tĩnh, kiên trì không từ bỏ. Đây là điều cũng dễ hiểu bởi nếu từ bỏ thì chẳng khác nào chấp nhận học thêm một năm, trễ thời hạn ra trường - điều chẳng một sinh viên nào dám đánh đổi.

Ngày 28/11, các cổng điện tử của VFF đã được mở ra để người hâm mộ tiến hành đăng ký mua vé xem trận bán kết lượt về AFF Cup 2018. Tuy nhiên, ngay sau khi cổng mở, hàng loạt sự cố liên tục xuất hiện, khiến CĐV vô cùng khó chịu và chán nản. Đầu tiên, ở thời điểm chỉ vài chục giây sau khi bắt đầu, trang bán vé thông báo đã hết sạch vé mệnh giá 300.000 đồng. Nhìn cảnh này nhiều người nghĩ đến việc đăng ký tín chỉ của sinh viên.

Đào tạo theo tín chỉ là hình thức giáo dục đã được áp dụng thành công tại nhiều nước trên thế giới. Với hình thức này sinh viên có thể chủ động sắp xếp được thời gian học theo ý mình, cân bằng được các môn học, thậm chí còn có thể ra trường sớm hơn nếu hoàn thành đủ tín chỉ trước thời hạn.

Tuy nhiên tại Việt Nam, cụm từ "đăng ký tín chỉ" lại trở thành nỗi ác mộng mà mỗi khi nhắc đến hầu hết sinh viên đều rùng mình ớn lạnh. Ngót nghét 20 năm áp dụng phương pháp tín chỉ ở Việt Nam nhưng đến nay sinh viên nhiều trường đại học vẫn rơi vào cảnh chờ đợi mỏi mòn; có người thức thâu đêm, ăn ngủ tại chỗ, ôm máy tính vạ vật cả ngày chỉ với một mục đích duy nhất: đăng ký được môn học.

NHM mua vé AFF CUP không khác gì sinh viên đăng ký tín chỉ - Ảnh 1.

Khung cảnh la liệt thường thấy mỗi dịp mở cổng đăng ký tín chỉ

Nhiều sinh viên hài hước cho rằng đăng ký tín chỉ giống như mua tàu hay máy bay giá rẻ qua mạng, hở một chút là người khác nhảy vào, mất chỗ. Còn ai may mắn đăng ký được thì như mua được tấm vé thông hành để tiếp tục di chuyển trên con đường học tập còn lắm gian nan phía trước. Cũng chính bởi vậy mà dù phải trải qua cơ số những bi kịch trong quá trình đăng ký nhưng các bạn sinh viên chẳng còn cách nào khác ngoài việc trang bị gươm đao mũ giáp để lao vào trận chiến "tranh giành tín chỉ".  

Bi kịch 1: Web trường quá tải

Còn gì ức chế và khó chịu hơn khi ngồi canh me cả ngày nhưng trang web của nhà trường lại bị quá tải ngay trước giờ mở đăng ký tín chỉ?

Rất nhiều sinh viên từng phát điên, phát rồ khi gặp phải trường hợp này. 12 giờ trưa trường mở website nhưng mới 10 giờ sáng, website đã bị quá tải. Lúc vào được để đăng ký thì máy báo “có lỗi khi thực hiện, mời bạn đăng ký lại”. Đặc biệt, nhà trường cho 2 ngày để đăng ký nhưng thực tế, “số phận” của bạn chỉ được định đoạt trong vòng 1 tiếng đầu tiên vì nếu đăng ký chậm thì sau đó lớp đã đầy, bạn không được học nữa. 

Từ chuyện gặp trục trặc khi mua vé NHM mua vé AFF CUP không khác gì sinh viên đăng ký tín chỉ - Ảnh 2.

Ô thông báo quá tải nhảy ra như một mũi dao đâm thẳng vào con tim yếu ớt của sinh viên

Bi kịch 2: Sập trang đăng ký

Thoát được cửa ải trang web quá tải, các bạn sinh viên hí hửng và vội vã lao vào đăng ký môn học mình cần với hy vọng nhanh chóng kết thúc nỗi ác mộng này. Tuy nhiên khi đã hoàn thành xong tất cả các bước, gạo đã nấu gần thành cơm thì đùng một cái... trang đăng ký sập, hệt như người ta rút phắt phích cắm của nồi cơm điện ra vào phút chót. Khỏi phải nói, sinh viên lúc này chỉ hận không thể bỏ học ngay lập tức để tạm biệt vĩnh viễn sự bất công này của cuộc đời. 

Thế nhưng ước mơ chỉ là mơ ước, nào có ai dám chỉ vì thế mà bỏ học. Qua cơn tức trào máu, sinh viên lại đành ngậm ngùi làm bạn với nút F5 cho đến khi web hồi phục để lao vào trận chiến mới.

NHM mua vé AFF CUP không khác gì sinh viên đăng ký tín chỉ - Ảnh 3.

Nỗi ác mộng mang tên: Sập trang đăng ký

Bi kịch 3: Đăng ký thành công nhưng hệ thống bị lỗi không ghi nhận

Đăng ký xong các môn cần học, được thông báo là đã thành công, tưởng là đã xuất sắc hoàn thành cuộc chiến khốc liệt này thì một điều kinh khủng nữa lại ập tới cuộc đời sinh viên: nhấn vào danh sách lớp không thấy tên mình đâu. Vô số người đăng ký 1 lúc nên chuyện xảy ra lỗi trong hệ thống là điều không ít lần xảy ra. 

NHM mua vé AFF CUP không khác gì sinh viên đăng ký tín chỉ - Ảnh 4.

Vạ vật để đăng ký được môn học nhưng nhiều bạn lại nhận cái kết quá đắng khi hệ thống bị lỗi

Sinh viên "khóc ròng một dòng sông" chạy lên phòng đào tạo thì họ lại không thể giải quyết vì không có chứng cứ gì chứng minh điều mình vừa nói. Vậy nên lời khuyên dành cho các sinh viên đó là đăng ký xong thì nên chụp ngay màn hình lại nếu có xảy ra lỗi hệ thống thì còn có bằng chứng cầm đi kêu oan nhé!

Bi kịch 4: Chậm tốt nghiệp vì không đăng ký đủ tín chỉ

Có nhiều trường hợp có những sinh viên không tốt nghiệp chỉ vì ''không đăng ký đầy đủ tín chỉ''. Theo quy định đăng tải trên website của Trường ĐH Xây dựng, Bách khoa và Giao thông Vận tải thì đối với hệ 5 năm, sinh viên phải hoàn thành 152-156 tín chỉ mới được công nhận tốt nghiệp. Còn điều gì đau đầu hơn khi đến năm cuối người khác đi thực tập mình lại mò mẫm để đăng ký học học phần chưa học, thậm chí nhà trường giới hạn số tín chỉ vào năm cuối trong khi số tín chỉ mình thiếu lại vượt giới hạn đó. Một vài sinh viên chia sẻ: "Việc đăng ký tín chỉ quá khó khăn nên rất sợ không được trường cấp bằng tốt nghiệp hay ra trường trễ hơn các bạn cùng trang lứa".

NHM mua vé AFF CUP không khác gì sinh viên đăng ký tín chỉ- Ảnh 5.

Còn điều gì đau đầu hơn khi đến năm cuối người khác đi thực tập mình lại mò mẫm để đăng kí học học phần chưa học.