Từ chuyện cô gái chen ngang trong siêu thị, các sinh viên nghĩ gì về văn hóa xếp hàng ngay tại trường ĐH?

Minh Nhân, Theo Thời Đại 00:05 04/05/2017

Từ chuyện cô gái bỗng dưng nổi tiếng "bất đắc dĩ" vì chen ngang ở siêu thị, xin đừng vội quy chụp rằng giới trẻ ai cũng hành xử thiếu văn minh ở nơi công cộng. Nếu không tin, bạn có thể ghé thăm một vài trường ĐH sau đây để thấy xếp hàng vốn là một nét đẹp văn hóa của sinh viên.

Văn hóa xếp hàng - câu chuyện không hề mới nhưng chưa bao giờ hết gây tranh cãi, một lần nữa lại "nổi cộm" trong những ngày gần đây bởi cách ứng xử thiếu văn minh của một cô gái trẻ ở Hà Nội.

Chuyện là trong lúc đứng chờ thanh toán tiền hàng ở siêu thị, thay vì xếp hàng ngay ngắn như bao người khác, cô gái khoảng 20 tuổi "sẵn sàng" chen ngang và thậm chí còn nặng lời với người đàn ông khoảng 60 tuổi đứng chờ từ trước.

Hành vi đó khiến cộng đồng một lần nữa phải đặt dấu chấm hỏi về văn hóa xếp hàng của giới trẻ. Nhưng khoan, đừng để "một con sâu làm rầu nồi canh", hãy nhìn cách sinh viên một vài trường Đại học ở Hà Nội xây dựng thói quen xếp hàng ở chính ngôi trường của họ để học hỏi.

Từ chuyện cô gái chen ngang trong siêu thị, các sinh viên nghĩ gì về văn hóa xếp hàng ngay tại trường ĐH? - Ảnh 1.

Sinh viên Ngoại Thương xếp hàng chờ thang máy trước giờ vào học.

Xếp hàng khắp mọi nơi vì đó là "nét văn hóa đẹp"

Ở nhiều trường đại học, ngoài việc đứng chờ thang máy, sinh viên còn xếp hàng khi tham dự các hội thảo, khi vào nhà gửi xe hay ở căn tin, thậm chí là "rồng rắn" trước cửa... phòng quản lý đào tạo để xin giải quyết việc học tập.

Từ năm này qua năm khác, khóa này tới khóa sau, từng nhóm sinh viên lại "rỉ tai" nhau về chuyện xếp hàng, chả mấy mà nó đã trở thành văn hóa, là điều hiển nhiên mình cần tuân thủ mỗi khi đến trường.

Từ chuyện cô gái chen ngang trong siêu thị, các sinh viên nghĩ gì về văn hóa xếp hàng ngay tại trường ĐH? - Ảnh 2.

Sinh viên xếp hàng vào bãi gửi xe khu vực nhà B - ĐH Ngoại Thương.

Một trong những ngôi trường gắn liền với văn hóa xếp hàng là ĐH Ngoại Thương Hà Nội. Ngôi trường nằm trên phố Chùa Láng này có nhiều nhà học nhưng chỉ có duy nhất dãy nhà A 12 tầng là có thang máy.

Sảnh tòa nhà này có 4 thang máy chở trung bình mỗi lượt 10 sinh viên/thang. Có vẻ như con số 40 sinh viên cho một lần "chuyên chở" là quá ít so với tổng số lượng sinh viên vào khoảng 10.000. Tuy nhiên các bạn vẫn kiên nhẫn đứng xếp hàng ngay ngắn, sẵn sàng chờ đến lượt mình!

Từ chuyện cô gái chen ngang trong siêu thị, các sinh viên nghĩ gì về văn hóa xếp hàng ngay tại trường ĐH? - Ảnh 3.

Cứ vào mùa đăng ký tín chỉ, đường đến phòng quản lý đào tạo nghe xa vời quá. Ảnh: Facebook.

"Ở Ngoại Thương, xếp hàng là điều đương nhiên vì nó là văn hóa từ các khóa anh chị đi trước rồi. Bạn nào đến trước thì đứng trước, ai đến sau thì phải chấp nhận chờ lượt sau chứ không được phép chen ngang hay nhảy hàng. Thường thì những bạn học tầng 3, 4 sẽ đi bộ nhường cho những bạn học ở tầng 5,6 để mọi người đều kịp giờ lên lớp", Phương Ngân (SV năm 3) chia sẻ.

Từ chuyện cô gái chen ngang trong siêu thị, các sinh viên nghĩ gì về văn hóa xếp hàng ngay tại trường ĐH? - Ảnh 4.

Bác bảo vệ Tạ Trần Dân - người đã gắn bó với Ngoại Thương 17 năm qua.

Bác bảo vệ Tạ Trần Dân - người đã gắn bó với Ngoại Thương 17 năm tâm sự, các bạn sinh viên rất có ý thức xếp hàng, dù đôi khi nhiều bạn chưa được "hẳn hoi" cho lắm. "Chen lấn là không hề có, vì các bác luôn bố trí 1 người đứng trước thang máy để chỉ dẫn cho các bạn sinh viên, bạn nào muốn tranh trước đều không được. Mình đến sớm hay đến muộn thì phải xếp hàng ngay ngắn chứ nếu lộn xộn là hỏng hết".

Ghé qua Học viện Ngoại giao - ngôi trường nằm kế bên ĐH Ngoại Thương, hình ảnh hàng dài sinh viên đứng xếp hàng từ "cánh cửa thần kỳ" ra tới cửa cũng đã quá quen thuộc. Mỗi người một việc, dù có đang vội vã hấp tấp đến mấy cũng đều đứng thành hàng chờ đến lượt mình.

Từ chuyện cô gái chen ngang trong siêu thị, các sinh viên nghĩ gì về văn hóa xếp hàng ngay tại trường ĐH? - Ảnh 5.

Hàng dài từ cửa thang máy ra đến tận cửa ở Học viện Ngoại giao.

"Khi thấy mọi người xếp hàng mà mình hoặc là chen ngang hoặc là đòi đi trước là không được, lúc đó chắc xấu hổ lắm. Đây là một nét đẹp văn hóa mà sinh viên chúng mình sẽ cố gắng gìn giữ", Khánh Linh (SV năm 2) chia sẻ.

Nếu đến thăm ĐH Công nghiệp Hà Nội hay ĐH Thăng Long vào những giờ cao điểm, bạn cũng có thể bắt gặp những hình ảnh tương tự. Hàng trăm người, từ sinh viên đến giảng viên, tất cả đều tự giác xếp hàng đợi thang máy. Ngay cả trước bãi đổ xe cũng có cả 1 hàng dài đang chờ lấy vé gửi xe.

Từ chuyện cô gái chen ngang trong siêu thị, các sinh viên nghĩ gì về văn hóa xếp hàng ngay tại trường ĐH? - Ảnh 6.

SV ĐH Thăng Long xếp hàng thẳng tắp chờ gửi xe. Ảnh: Facebook.

Xếp hàng để thấy mình văn minh hơn!

"Ấn tượng của em ngày đầu tiên đi học chính là dãy xếp hàng đứng chờ thang máy, không ai xô đẩy hay chen ngang hàng gì hết. Sau đó em mới biết đó là văn hóa xếp hàng, rất văn mình và lịch sự", Diệu Thúy (SV năm nhất Đại học Ngoại Ngữ) cho biết.

Đó là câu trả lời của một bạn sinh viên năm nhất khi được hỏi về điều ấn tượng nhất khi bước vào giảng đường Đại học. Rõ ràng xếp hàng là câu chuyện xuất phát từ ý thức của mỗi cá nhân, từ chính những điều "tai nghe mắt thấy" hàng ngày từ môi trường xung quanh.

Từ chuyện cô gái chen ngang trong siêu thị, các sinh viên nghĩ gì về văn hóa xếp hàng ngay tại trường ĐH? - Ảnh 7.

Bạn Phương Ngân - sinh viên năm 3 chia sẻ về văn hóa xếp hàng ở trường.

Lên đại học hay sau này vào bất cứ cơ quan tổ chức nào, mình cũng đều phải "nhập gia tùy tục", học hỏi liền và ngay những nét đẹp văn hóa để cố gắng phát huy nhiều nhất có thể, nhất là để thấy mình là con người hiện đại và văn minh.

"Các bạn sinh viên năm nhất từ những ngày mới nhập học đều được nhà trường, các anh chị phổ biến về nội quy và tuyên truyền điều hay lẽ phải, một trong số đó là văn hóa xếp hàng. Tự động đứng vào hàng ngay ngắn, tự nhiên thấy mình văn minh hơn!".

Từ chuyện cô gái chen ngang trong siêu thị, các sinh viên nghĩ gì về văn hóa xếp hàng ngay tại trường ĐH? - Ảnh 8.

"Xếp hàng đi thang máy là nét đẹp của sinh viên Đại học Ngoại Thương".

Các trường ĐH không chỉ dạy cho sinh viên những kiến thức chuyên môn mà còn đưa đến nhiều bài học về cách sống tiến bộ, hiện đại. Xếp hàng giúp chúng ta rèn được tính kiên nhẫn và tôn trọng người khác. Khi mỗi cá nhân đều có ý thức văn minh thì sẽ tạo ra nhiều thói quen tốt, hình thành nên một tập thể có văn hóa và tích cực.

Chung quy lại, để là những người trẻ văn minh với lối sống hiện đại tiến bộ, thay vì tìm kiếm những thứ xa vời đâu xa, hãy xây dựng những nếp văn hóa tốt đẹp từ chính những việc nhỏ nhất xung quanh chúng ta!

Từ trước đến nay, xếp hàng là một văn hóa, một nét đẹp thể hiện lối sống văn minh hiện đại của giới trẻ. Từ trường học đến những nơi công cộng, mọi người đều sẵn sàng kiên nhẫn đứng xếp hàng đợi đến lượt mình.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày