"Từ bao giờ mà phụ nữ bị hiếp dâm lại trở thành những kẻ có tội thế?"

Lương Hồng Phúc, Theo Trí Thức Trẻ 14:38 29/05/2016

Câu chuyện tại Brazil không phải là lần đầu tiên dư luận thế giới được nghe về sự thờ ơ phán xét của người xung quanh dành cho nạn nhân. Trong nhiều vụ việc trước đó, đấy mới chính là cơn ác mộng khủng khiếp hơn mà những cô gái bị hiếp dâm phải chịu đựng.

Bản án tử của cô gái Iran

"Mẹ Sholeh thân yêu, đừng khóc vì những gì mà mẹ nghe thấy nhé

Thế giới này chẳng hề yêu mến chúng ta, nó chẳng cần đến số phận của con hiện hữu

Trong phiên toà dưới sự chứng giám của Thánh thần, con sẽ buộc tội lũ thanh tra, và tất cả những kẻ ngu muội, những kẻ đem sự dối trá của chúng đổ vấy tội ác lên con, chà đạp lên quyền lợi của con mà không màng tới việc điều tra xem đâu là sự thật".

Đó là những lời sau cuối của Reyhanen Jabbari, một phụ nữ 26 tuổi người Iran đã bị thi hành án treo cổ sau khi cô đâm chết một gã đàn ông đồi bại.

Cô cho biết, gã này đã cố tình sàm sỡ, quấy rối tình dục và định hiếp dâm cô nhiều lần, và cô khai rằng mình chỉ đâm gã 1 lần, kẻ thực sự giết gã là một người đàn ông khác.

Từ bao giờ mà phụ nữ bị hiếp dâm lại trở thành những kẻ có tội thế? - Ảnh 1.

Reyhanen Jabbari.

Reyhanen thẳng thắn thừa nhận nếu không đâm gã, thì người bỏ mạng đêm ấy sẽ chính là cô.

Reyhanen bị bắt giữ vào năm 2007. Bảy năm sau, mặc cho những cố gắng của các tổ chức nhân quyền, cô vẫn bị hành quyết do tội danh giết người. Mặc cho cô có quyền được kháng cáo, mặc cho việc hành vi của Reyhanen có thể được xếp vào tội ngộ sát vì tự vệ.

Truyền thông thế giới biết đến Reyhanen như một "người phụ nữ bị xử tử vì giết kẻ hiếp dâm mình" và họ thực sự phẫn nộ khi nhận tin cô đã bị treo cổ ở Tehran. Họ phẫn nộ bởi hành động mang tính chà đạp quyền phụ nữ, một hành vi đâm thẳng vào các giá trị nhân đạo mà loài người đang cố dựng xây ròng rã hàng thế kỷ qua.

"Từ bao giờ, phụ nữ bị hiếp dâm bị coi là tội lỗi vậy?"

Thực tế, Reyhanen Jabbari không phải là phụ nữ đầu tiên bị chính công lý quay lưng khi trở thành nạn nhân của các hành động tấn công tình dục.

Trên khắp hành tinh này, có nhiều nơi, chỉ cần bị hiếp dâm, phụ nữ có thể mất đi cả mạng sống, nhân phẩm mà không thông qua bất cứ phiên toà xét xử nào.

Bị hiếp dâm do... tự mình muốn thế?

"Cả cuộc đời tôi kể từ cái ngày 08/01/2012 là một mùa đông lạnh lẽo dai dẳng..."

Daisy Coleman từng trở thành tâm điểm truyền thông Mỹ năm 2013 sau khi cô dũng cảm lên tiếng về chuyện mình từng bị hiếp dâm bởi một nam sinh trung học khoá trên. Cô bé 14 tuổi được tìm thấy nằm mê man bất tỉnh ở sân trường, thân người đầy vết thương tích mang dấu hiệu của hành vi cưỡng ép tình dục.

Bằng chứng xung quanh vụ việc là khá rõ ràng, bao gồm cả một đoạn video quay bằng điện thoại cũng được phát hiện ra. Tuy nhiên, mọi cáo buộc đến nam sinh đã thực hiện hành vi xấu xa đã bị bác bỏ trắng trợn.

Gã thủ phạm thì cứ điềm nhiên sống tiếp, còn nạn nhân thì hứng chịu mọi sự gièm pha khinh bỉ của các bạn học trong trường.

Bị hiếp dâm là cơn ác mộng ám ảnh Daisy hết ngày này qua ngày khác, nhưng còn cơn ác mộng đáng sợ hơn mà cô phải đối mặt mỗi ngày: ánh mắt coi thường từ những bạn học xung quanh.

Daisy bị bắt nạt, bị gọi bằng những từ ngữ mang tính chất lăng mạ mà ngay cả người lớn còn không thể chịu đựng nổi. Bạn học gọi em là đồ lẳng lơ, là do chính em đã "phát tín hiệu" mời gọi tên cầu thủ kia. Thậm chí, Daisy còn bị đình chỉ hoạt động khỏi đội cổ vũ mà em vô cùng yêu quý do có liên quan đến vụ việc tai tiếng.

Từ bao giờ mà phụ nữ bị hiếp dâm lại trở thành những kẻ có tội thế? - Ảnh 2.

Daisy Coleman từ một cô gái xinh đẹp trở thành tâm điểm gièm pha của bạn cùng lớp.

Thay vì nhận được những lời động viên, cổ vũ từ bạn bè đồng trang lứa, thứ mà Daisy nhận được mỗi ngày chỉ là những thông điệp khuyên rằng cô nên chết đi. Và sự thật là cô đã từng cố gắng tự tử 2 lần.

"Tôi đánh mất mọi niềm tin vào Chúa trời và cả loài người. Tôi cảm thấy mình thật xấu xa, bẩn thỉu, từ trong ra ngoài.

Kể từ khi sự việc xảy ra, tôi phải vào bệnh viện vô số lần. Ở nhiều thời điểm tôi cảm thấy mình khó có thể yêu nổi nữa. Tôi cứ kết bạn, rồi lại mất bạn. Tôi chẳng còn nhảy múa, thi thố gì nữa. Cái đêm ấy tước đoạt tất cả những gì thuộc về tôi. Tôi thay đổi hoàn toàn, không còn có thể trở về con người trước đây.

Tôi chẳng là cái gì ngoài một kẻ trần mắt thịt. Nhưng tôi không chấp nhận trở thành nạn nhân của sự độc ác thêm giờ phút nào nữa."

Đó là lúc mà Daisy quyết định đứng lên, cùng với sự hỗ trợ của những người ủng hộ cô, kêu gọi điều tra lại vụ án mà họ bỏ ngỏ 1 năm trước. Và may mắn là cô đã thành công.

"Đây không phải là chiến thắng dành cho một mình tôi, mà còn cho tất cả những cô gái khác", Daisy Coleman, khi ấy 15 tuổi, phát biểu.

Bị hiếp dâm là lỗi của nạn nhân

Trở lại năm 2011, Hena Begum là một bé gái người Bangladesh 14 tuổi.

Hena bị chính anh họ mình khống chế, đánh đập rồi hiếp dâm khi em đi vệ sinh ở một toilet công cộng. Khi gã đàn ông đang thực hiện hành vi kinh tởm ấy, vợ của gã bước vào và chứng kiến mọi chuyện. Ngay lập tức, mụ xông vào đánh đập Hena và lôi cô bé đến phiên toà ở nhà thờ địa phương.

Từ bao giờ mà phụ nữ bị hiếp dâm lại trở thành những kẻ có tội thế? - Ảnh 3.

Hena bị kết tội ngoại tình, phải chịu phạt đánh 100 roi ở nơi công cộng mặc dù em là nạn nhân bị tấn công.

Hena gục ngã ở roi thứ 70, được đưa tới bệnh viện khẩn cấp. Một tuần sau em ra đi, cái chết của một thiếu nữ 14 tuổi khiến cả thế giới giận dữ và xót xa, nhưng ở Bangladesh, chỉ có cha mẹ em ngã gục trong đau đớn, và chỉ vậy.

Những lời cuối cùng của em trên thế gian chỉ là những câu nói chứng minh sự trong sạch của mình trong bất lực yếu ớt. Cha mẹ em cũng không thể can thiệp vào giáo điều luật lệ, chỉ có thể đau khổ trơ mắt nhìn da thịt con gái nứt toác theo từng tiếng vút gió lạnh lùng.

"Chẳng có người phụ nữ ngoan ngoãn nào ra đường vào 9 giờ tối"

Năm 2012, một vụ án hiếp dâm tập thể trên xe bus tại Ấn Độ đã gây chấn động cả thế giới. Nạn nhân là một nữ sinh viên ngành vật lý trị liệu tại thủ đô New Delhi, cùng bạn trai bắt xe bus đi về nhà sau buổi xem phim hẹn hò.

Không lâu sau khi cặp đôi bước lên xe, cô gái bị 4 gã thanh niên buông lời trêu chọc. Bạn trai cô lập tức can ngăn nhưng lại bị chúng đánh đập dã man bằng gậy rồi vứt xuống đường. Chúng dùng gậy sắt hiếp dâm cô gái, hành hạ cô rồi sau đó quẳng luôn xuống xe. Đúng lúc chúng chuẩn bị rồ ga cán lên người cô gái, bạn trai cô kịp thời kéo người yêu lại.

Sau 13 ngày điều trị ở bệnh viện tại Singapore vì chấn thương tinh thần lẫn thể xác nghiêm trọng, cô gái qua đời.

Khi bị bắt giữ, Mukesh Singh, một trong những kẻ tham gia tội ác ấy cho biết hắn hiếp dâm cô gái vì muốn "dạy cho cô ta và bạn trai" một bài học. Theo lý lẽ của hắn, không có người phụ nữ ngoan ngoãn nào lại đi ra đường vào 9 giờ tối cả. Đồng thời, cô gái "nên chấp hành và tiếp nhận hành vi hiếp dâm trong im lặng", bởi sau đó chúng sẽ chỉ vứt cô xuống đường và đánh gã bạn trai mà thôi.

Từ bao giờ mà phụ nữ bị hiếp dâm lại trở thành những kẻ có tội thế? - Ảnh 4.

Mukesh Singh, một trong 6 gã đàn ông liên quan đến vụ hiếp dâm tập thể nữ sinh viên 23 tuổi trên xe bus tại New Delhi.

Tư tưởng của Mukesh Singh trong xã hội vẫn còn tồn tại nhiều định kiến giới tính như Ấn Độ không phải là hiếm. Họ vẫn mang ý nghĩ rằng khi bị hiếp dâm, lỗi lầm thuộc về người phụ nữ vì không có ý thức tự bảo vệ bản thân.

Với sự phản ứng dữ dội từ các tổ chức nhân quyền và báo chí, Mukesh Singh cùng 4 tên ác quỷ đã phải chịu án tử hình. Nhưng nỗi đau để lại thì vẫn còn mãi, và không phải vụ án hiếp dâm nào ác quỷ cũng bị công lý trừng trị...

Bởi vì cô ta mặc váy ngắn, cô ta say xỉn, thế nên mới bị hiếp dâm

Hoặc mới đây nhất với vụ hiếp dâm tập thể tại Brazil, nạn nhân cũng trở thành tiêu điểm chỉ trích. Cô bị 30 con ác quỷ đội lốt người thực hiện hành vi đồi bại, bị chúng đăng video lên mạng. Tưởng rằng đây sẽ là một cú shock đến xã hội nước này, người dân sẽ đứng lên bảo vệ cho cô gái, trừng phạt bọn ác quỷ.

Nhưng không, cô gái bị người ta đổ lỗi đã say rượu nên không thể bảo vệ bản thân, là vì mặc váy ngắn đã gợi sự dâm ô khiến hung thủ có cơ hội làm chuyện tày đình. Tóm lại, nguyên nhân chủ yếu là do cô mà thôi.

Những tổ chức nhân quyền và cánh nhà báo Brazil đã phát động chiến dịch #EstuproNuncaMais (Không còn hiếp dâm) nhằm bênh vực cô gái, đòi lại công bằng lẽ phải cho cô. Hiện chiến dịch đang thu hút sự chú ý rất mạnh và đang có nhiều động thái tích cực.

Từ bao giờ mà phụ nữ bị hiếp dâm lại trở thành những kẻ có tội thế? - Ảnh 5.

Phụ nữ sinh ra để được yêu thương và bảo vệ, nhưng tại sao thế khi vào lúc cần được cảm thông và đứng về nhất, thì họ lại bị chính những người xung quanh quay lưng?