"Truyện Ngắn" của Hà Anh Tuấn: Ôm đồm quá hoá tham lam, sẽ phù hợp hơn nếu chỉ chiếu trong concert

Nhật Nguyên, Theo Helino 11:11 28/09/2019

Truyện Ngắn là bộ phim nằm trong chiến dịch quảng bá dự án dài hơi cho concert của Hà Anh Tuấn, lẽ ra nó sẽ "nghệ thuật" hơn nếu chỉ chiếu trong buổi hoà nhạc của nam ca sĩ.

Từ lâu, Hà Anh Tuấn đã thành công trong việc gầy dựng hình ảnh một "chàng thơ" trong mắt của khán giả: một quý ông lịch lãm, chuyên cover những bản tình ca ngọt ngào, một chàng trai thanh lịch với chất giọng ngọt ngào, thầm thì những lời mật ngọt vào tai khán giả. Tất cả đã trở thành một "thương hiệu" đầy sang trọng, khiến cho bất kì đêm nhạc nào của Hà Anh Tuấn tổ chức đều "cháy vé" trong vài nốt nhạc.

Truyện Ngắn của Hà Anh Tuấn: Ôm đồm quá hoá tham lam, sẽ phù hợp hơn nếu chỉ chiếu trong concert - Ảnh 1.

Việc Hà Anh Tuấn bắt tay với nhạc sĩ Phan Mạnh Quỳnh để hát lại những ca khúc của anh khiến nhiều người hâm mộ thích thú, đánh giá là một sự hợp tác đáng trông đợi khi hai tâm hồn nghệ sĩ cùng hòa quyện. Truyện Ngắn chính là bộ phim ngắn để quảng bá cho dự án "Hà Anh Tuấn hát nhạc Phan Mạnh Quỳnh" cũng như concert sắp tới tổ chức tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Hậu trường phim Truyện Ngắn

Tuy nhiên, "Truyện Ngắn", tạm gọi là một bộ phim ngắn, đã thất bại trong việc chạm đến cảm xúc của khán giả. Hay nói cho đúng hơn, bộ phim đã cố gắng đến mức mệt nhoài để cố nhét vừa vào chiếc áo sang trọng, nhưng càng xem, khán giả lại phát hiện nhiều vấn đề khiến họ chỉ có thể lắc đầu, ngán ngẩm.

Truyện Ngắn của Hà Anh Tuấn: Ôm đồm quá hoá tham lam, sẽ phù hợp hơn nếu chỉ chiếu trong concert - Ảnh 3.
Truyện Ngắn của Hà Anh Tuấn: Ôm đồm quá hoá tham lam, sẽ phù hợp hơn nếu chỉ chiếu trong concert - Ảnh 4.

Truyện ngắn kể về mối tình giữa An (Phương Anh Đào) và Phát (Liên Bỉnh Phát). Họ từng là bạn thời niên thiếu, bên nhau không rời. Phát lúc nhỏ (Võ Điền Gia Huy) luôn ấp ủ tình cảm dành cho cô bạn An (Lâm Thanh Mỹ), nhưng rồi cuộc đời cả hai bị chia tách do gia đình An chuyển đi xa. Khi lớn lên, An và Phát gặp lại trong một hoàn cảnh hoàn toàn khác. Cả hai đều đã trưởng thành và mang trong mình nhiều tâm sự riêng. An giờ đây đã là mẹ, và là vợ, nhưng chính gia đình nhà chồng đã ép buộc cô trở thành một nữ ca sĩ phòng trà, đêm đêm "buôn phấn bán hương", hàng lớp bàn tay đàn ông chung đụng vào cơ thể đến mức chồng của An không muốn động vào người cô. Phát lớn lên, tứ cố vô thân, nên tá túc trong một ngôi chùa cổ.

Truyện Ngắn của Hà Anh Tuấn: Ôm đồm quá hoá tham lam, sẽ phù hợp hơn nếu chỉ chiếu trong concert - Ảnh 5.

Sau những phút giây lãng mạn, lắng đọng, họ dần nhận ra thời niên thiếu đã trôi xa, không có thể trở lại. Giờ đây, họ phải đối mặt với những thử thách của tuổi trưởng thành. Như một sợi chỉ đỏ, 5 bài hát của Phan Mạnh Quỳnh được coi là khung của bộ phim, là cơ sở để biên kịch xây dựng nội dung phim. Trong đó, "Có Chàng Trai Viết Lên Cây" và "Xuân Thì" là hai ca khúc chính, được kì vọng mang nhiều cảm xúc và liên tưởng đến cho khán giả.

Hậu trường phim Truyện Ngắn

Rõ ràng, ngay từ đầu nhà sản xuất đã muốn hướng khán giả đến một bộ phim vừa đẹp, vừa có tính triết lý, một tác phẩm vừa có những khung hình nghệ thuật, lại có phần nhạc phim "không thể chê" được hát bởi chính Hà Anh Tuấn. Nhưng có vẻ, do phải gói ghém quá nhiều thứ vào một bộ phim chỉ nhỉnh hơn 1 tiếng đồng hồ, mọi thứ đều chỉ dừng ở mức lưng chừng.

Truyện Ngắn của Hà Anh Tuấn: Ôm đồm quá hoá tham lam, sẽ phù hợp hơn nếu chỉ chiếu trong concert - Ảnh 7.

Đầu tiên, không thể không dành cho e-kíp một sự động viên vì đã mang đến cho khán giả những thước phim đầy nên thơ của Hội An của quá khứ và hiện tại. Khán giả thực sự mê mẩn với những góc nhỏ nơi Phố Cổ, nơi An và Phát bình yên bên nhau những ngày thơ ấu, không khỏi bâng khuâng trước cảnh ngôi chùa cổ nơi Phát và An gặp lại sau bao năm xa cách. Có cảm tưởng toàn bộ "Truyện Ngắn" cứ chậm rãi, nhấn nhá để khán giả có thể cảm nhận được vẻ đẹp trong từng khung hình, của từng sự vật được sắp đặt một cách đầy ẩn ý.

Truyện Ngắn của Hà Anh Tuấn: Ôm đồm quá hoá tham lam, sẽ phù hợp hơn nếu chỉ chiếu trong concert - Ảnh 8.

Tuy nhiên, chính việc cố gắng tạo nên những khung hình đẹp và đầy mơ mộng lại chính là một "con dao hai lưỡi" khi nhà sản xuất đã quá sa đà vào việc tạo nên một bộ phim "đẹp", nhưng nội dung thực sự không hề tương xứng. Bên cạnh đó, chính vì việc lí tưởng hóa trong từng khung hình lại khiến cho nhiều cảnh quay trở nên vô lí: cảnh tượng nhân vật Phát đốt chiếc đàn piano ở bãi biển, cảnh tượng hàng trăm chiếc đèn lồng màu xanh phủ đầy một cây cổ thụ,... tất cả như được cố gắng đưa vào trong phim để bộ phim thêm "đẹp" và mang tính "nghệ thuật", nhưng kết cục lại biến thành một studio chụp hình concept không hơn không kém: đẹp thì quả thực rất đẹp, nhưng lại quá xa lạ so với khán giả.

Có thể nói, dàn diễn viên tham gia vào bộ phim rất ít, chỉ gói gọn trong vài con người, nhưng chưa ai thực sự có thể thuyết phục khán giả với vai diễn của mình. Võ Điền Gia Huy dường như vẫn giữ nguyên cách diễn trong "Về Nhà Đi Con", tuy nhiên, việc áp dụng vào "Truyện Ngắn" xem ra lại là một sai lầm vì Phát trong bộ phim không phải là một cậu Việt kiều mới về nước nữa. Cách xây dựng tình cảm và cảm xúc giữa Phát và An thuở nhỏ thực sự khá hời hợt, chưa đủ độ sâu để khán giả có thể cảm được. Nhưng tạm thời có thể tha thứ vì ít ra, đó là hai nhân vật trong độ tuổi niên thiếu, nên những ngây ngô, dại khờ có thể lí giải được.

Truyện Ngắn của Hà Anh Tuấn: Ôm đồm quá hoá tham lam, sẽ phù hợp hơn nếu chỉ chiếu trong concert - Ảnh 10.

Tuy nhiên, khi cả hai nhân vật gặp lại nhau sau 20 năm, Liên Bỉnh Phát và Phương Anh Đào tiếp tục khiến khán giả thất vọng khi cả hai khiến cho câu chuyện lẽ ra đẫm nước mắt và đầy lãng mạn trở nên gượng ép đến mức không thể tin được. Ngay từ đầu khi hai con người gặp nhau trên bãi biển, khán giả đã cảm thấy "sai sai", một phần bởi vì phần thoại quá kịch đến mức phi thực tế.

Truyện Ngắn của Hà Anh Tuấn: Ôm đồm quá hoá tham lam, sẽ phù hợp hơn nếu chỉ chiếu trong concert - Ảnh 11.

Có vẻ như ngoài gương mặt đậm chất điện ảnh, Liên Bỉnh Phát vẫn chưa thực sự sẵn sàng để tham gia đóng phim. Từ "Song Lang", sang "Ngôi Nhà Bươm Bướm" và giờ là "Truyện Ngắn", vẫn là nét mặt trăm cảnh như một: vô cảm xúc, ương ngạnh tỏ vẻ bất cần đời. Phương Anh Đào vẫn cố gắng để trở thành một "nàng thơ", vẫn có những phân cảnh diễn tả nội tâm khá chuyên nghiệp, nhưng vẫn chưa thấy được sự tự nhiên, vẫn còn ở mức kĩ thuật và "trường lớp".

Truyện Ngắn của Hà Anh Tuấn: Ôm đồm quá hoá tham lam, sẽ phù hợp hơn nếu chỉ chiếu trong concert - Ảnh 12.

Và cuối cùng, phần xuất hiện của NSUT Chiều Xuân cũng khó có thể cứu vãn toàn bộ phần diễn xuất khi phân đoạn của cô chỉ đơn thuần là cầm bức thư chép bản nhạc ngày trước, ngồi hoài niệm và khóc nức nở. Chính sự xây dựng các nhân vật trong quá khứ quá hời hợt lại khiến cho sự xuất hiện của NSUT Chiều Xuân trở nên quá mạnh - như một nồi nước dùng nhạt nhẽo ở toàn bộ phần trên, đến tận phần cuối cùng lại trở nên quá đậm đà, tổng hòa lại vẫn là một sự khập khiễng và thiếu hài hòa.

Truyện Ngắn của Hà Anh Tuấn: Ôm đồm quá hoá tham lam, sẽ phù hợp hơn nếu chỉ chiếu trong concert - Ảnh 13.

Phần âm nhạc có thể xem là một điểm sáng của phim. Toàn bộ các ca khúc của Phan Mạnh Quỳnh đã được hòa âm phối khí lại với dàn nhạc, được Hà Anh Tuấn xử lý khá tinh tế. Tuy nhiên, chính vì việc phải đưa tận 5 ca khúc vào trong 70 phút phim lại khiến cho khán giả khó có thể nhớ rõ từng giai điệu. Đồng thời, việc cố gắng chắp nối nội dung của phim để phù hợp với 5 ca khúc cũng là một điều khiến mạch phim gò bó, trở nên kém tự nhiên.

Trailer phim Truyện Ngắn

Có thể nói, toàn bộ "Truyện Ngắn" thực chất chỉ là một MV dài, được cố gắng nới ra đến tận 70 phút, với những khung hình đầy tính ước lệ, biểu tượng: đẹp đẽ thì quả thực đẹp đẽ, nhưng đó không phải là thứ mà khán giả đại chúng cần ở một bộ phim: nội dung. Chỉ là những khung hình lướt qua theo kiểu "quảng bá du lịch", những nhân vật được đặt vào một bối cảnh thật đẹp nhưng với một câu chuyện đằng sau chưa đủ thuyết phục - "Truyện Ngắn" chính là một sự cố gắng đến mức mệt nhoài trong việc nhồi nhét thật nhiều những điều đẹp đẽ, nhưng cuối cùng lại không điều nào được đẩy cho đến tận cùng, để rồi tất cả chỉ là sự dở dang và đầy nuối tiếc.