Trước khi biết về sự nguy hiểm của Radium, con người đã từng dùng nó "vô tư" thế này đây

Bill Cipher, Theo Helino 00:35 17/01/2018

Radium và các chất phóng xạ nói chung đều là những nguyên tố đặc biệt nguy hiểm. Thế nhưng người thời xưa thì không nghĩ vậy. Họ tin rằng đó là thần dược, là thuốc trị bách bệnh, và họ dùng nó ở khắp mọi nơi.

Kể từ khi được phát hiện vào năm 1898 bởi hai nhà nghiên cứu nổi tiếng Marie và Pierre Curie, Radium tỏ ra vô cùng hữu ích trong lĩnh vực y học, thường được dùng trong liệu trình điều trị nhiều loại ung thư khác nhau.

Tuy nhiên, Radium là một nguyên tố hóa học có tính phóng xạ cao và do vậy cũng cực kì nguy hiểm, có thể gây tử vong cho các sinh vật sống.

Cũng như bất kì chất hóa học nào khác, Radium đòi hỏi nhân loại phải dành khá nhiều thời gian để làm quen và học cách sử dụng nó. Khi người ta mới biết cách chiết tách Radium, hiểu biết của chúng ta về nguyên tố này rất hạn hẹp. Và chính vì chưa hiểu được những tác hại Radium có thể mang lại, chúng ta đã ứng dụng nó lên rất nhiều vật dụng, gây ra những hậu quả không đáng có.

1. Đồng hồ

Khoảng giữa những năm 1917 – 1926, trong thời kì vàng son của mình, Radium được sử dụng rất nhiều trong sản xuất đồng hồ. Hàng nghìn công nhân (hầu hết là nữ) được thuê để vẽ các con số và kim chỉ giờ bằng mực phát sáng. Thứ mực ấy chính là hỗn hợp gồm hồ, nước và bột Radium.

Trước khi biết về sự nguy hiểm của Radium, con người đã từng dùng nó vô tư thế này đây - Ảnh 1.

Để cho nét vẽ được thanh và đẹp nhất, các công nhân được hướng dẫn làm nhọn đầu bút lông bằng cách mút đầu bút sau mỗi lần vẽ. Một số công nhân còn lén dùng loại mực này để sơn móng tay cho đẹp, vì hiếm khi họ có thể tìm đâu ra một loại sơn sáng trong bóng tối như vậy.

Hậu quả không một ai thời đó lường trước được chính là hàng trăm người mắc bệnh thiếu máu, gãy xương mà không rõ nguyên do, chảy máu nướu, hoại tử hàm… Nhiều công nhân sau đó trở nên ốm yếu rồi tử vong.

Trước khi biết về sự nguy hiểm của Radium, con người đã từng dùng nó vô tư thế này đây - Ảnh 2.

Một công nhân với khối u do Radium gây ra trên cằm

Thời đó người ta hiểu rất mập mờ về Radium và thêm vào đó, các công ty đồng hồ không muốn phải bồi thường cho công nhân thiệt mạng nên đã mua chuộc bác sĩ pháp y. Kết quả là các bệnh nhân chết do nhiễm xạ được công bố là chết vì bệnh giang mai.

2. Túi sưởi

Ngày nay, túi sưởi đồng xu là một vật dụng khá quen thuộc. Chúng hoạt động rất đơn giản, chỉ cần bạn bẻ mẩu kim loại (gọi là "đồng xu") phía bên trong, cả túi sưởi sẽ lập tức nóng lên cho bạn sử dụng.

Trước khi biết về sự nguy hiểm của Radium, con người đã từng dùng nó vô tư thế này đây - Ảnh 3.

Vào những năm đầu của thế kỉ XX, đồng xu này được làm bằng hợp chất chứa Radium - hiển nhiên túi sưởi sẽ nhiễm phóng xạ. Điều đáng nói là túi chườm loại này được ưa thích và sử dụng rộng rãi, không chỉ trong hộ gia đình mà còn trong bệnh viện.

Thấp khớp, bồn chồn, mệt mỏi… hay chứng bệnh khác đều được chữa khỏi một cách thần kì. Còn sau đó, việc bệnh nhân mắc thêm các bệnh lạ mà y học thời xưa không thể giải thích thì lại là một câu chuyện khác.

3. Kem đánh răng

Đúng vậy, Radium đã từng có thời ghi tên vào danh sách thành phần kem đánh răng ở châu Âu.

Được bán dưới tên của "bác sĩ" Alfred Curie, sản phẩm này được đánh giá khá cao bởi người tiêu dùng. Mặc dù không có họ hàng gì với nhà Currie, nhưng nhờ "thấy kẻ sang bắt quàng làm họ", kem đánh răng hãng này được người tiêu dùng chấp nhận không chút nghi ngờ.

Trước khi biết về sự nguy hiểm của Radium, con người đã từng dùng nó vô tư thế này đây - Ảnh 4.

Chỉ có điều ít ai biết rằng, loại kem họ đang dùng chứa cả Radium lẫn Thori (một nguyên tố phóng xạ yếu khác).

4. Mỹ phẩm

Vẫn là cái tên ấy - Alfred Curie đã trở lại và lợi hại gấp đôi. Cùng với một nữ dược sĩ tên Alexis Moussali, Alfred cho sản xuất hẳn một dòng mĩ phẩm mang tên Tho-radia. Bộ sản phẩm bao gồm son, kem dưỡng da, phấn… với sự hứa hẹn có thể trẻ hóa và làm sáng da.

Trước khi biết về sự nguy hiểm của Radium, con người đã từng dùng nó vô tư thế này đây - Ảnh 5.

Chính vì lời quảng cáo bắt tai này nên bất chấp giá thành đắt đỏ, Tho-radia vẫn trở thành một cú sốt ở nhiều nơi, đặc biệt là ở Paris và nó mang lại cho kẻ đứng đầu hãng một khoản lợi nhuận khổng lồ.

5. Thực phẩm và phụ gia, nước uống

Có vẻ nhân loại đã từng có thời gian phát cuồng vì nguyên tố mới ra đời này nên họ áp dụng chúng khắp mọi nơi. Chocolate, bánh quy khô, kem bơ… đều là những loại đồ ăn được ghi nhận là được sản xuất bằng nước có chứa Radium.

Thậm chí, công ty Đức Burk & Braun vào những năm 1931 - 1936 còn tuyên bố rằng loại socola của họ không chỉ ngon, mà còn có thể khiến người ăn trẻ ra - nhờ sự kì diệu của Radium.

Các bình lọc nước với khả năng phát ra tia phóng xạ còn được quảng cáo là tạo ra "nước Radium có lợi cho sức khỏe" cũng trở nên vô cùng phổ biến.

Trước khi biết về sự nguy hiểm của Radium, con người đã từng dùng nó vô tư thế này đây - Ảnh 7.

Bình nước phát phóng xạ

6. Mỹ phẩm tại spa

Những năm 20 - 30 của thế kỉ XX, dịch vụ spa được mở ra nhiều như nấm sau mưa và đi lên như diều gặp gió. Tại đây, các dịch vụ như tắm bùn Radium, bôi kem Radium toàn thân, làm sạch da bằng nước có Radium… không phải là điều gì xa lạ.

Trước khi biết về sự nguy hiểm của Radium, con người đã từng dùng nó vô tư thế này đây - Ảnh 8.

Đặc biệt ở bang Montana (Mỹ), các mỏ khai thác Radium còn trở thành những phòng "xông hơi" đặc biệt. Rất nhiều nơi tương tự như vậy mở ra cho khách tham quan - lợi dụng niềm tin của nhiều người rằng Radon (một khí phóng xạ do sự phân giải của Radium sinh ra) có lợi cho sức khỏe.

7. Thuốc

Thật trớ trêu làm sao khi một chất gây ra nguy hiểm cho chúng ta từng được sử dụng để điều chế ra thuốc chữa bệnh. Ngày nay nhìn lại, giới khoa học đã phải giật mình bởi độ phổ biến của Radium trong các dược liệu thời trước.

Từ rụng tóc, liệt dương, thấp khớp cho đến chứng xơ vữa động mạch, huyết áp cao, viêm thận, gout, đau thần kinh tọa, thiếu máu... tất cả đều có thể được chữa nhờ Radium (người ta tin là như vậy). Đó được cho là nguyên tố mới có khả năng chữa bách bệnh qua những mẩu tin quảng cáo.

Nguồn: Livescience, Mental Floss, Cosmetic & Skin, The Atlantic, The telegraph