Trái với Bích Phương, khoa học bảo “yêu hay không yêu” rất khó... “nói một lời”!

Đạt Lê, Theo Helino 11:28 15/05/2018

Vì tình yêu là những khoảnh khắc khó nắm bắt và khó hiểu, khiến khoa học cũng muốn... “nhiều lời”

Hiện giờ ca khúc "Bùa yêu" của Bích Phương đang làm mưa làm gió trên cộng đồng mạng, điều này do nhiều nguyên nhân mà 1 trong số đó là lời bài hát ý nghĩa, đánh trúng tâm lý của nhiều người.

Điều đó được thể hiện qua những... tấm ảnh "so deep" (hầu hết của các nữ nhân) đính kèm với chú thích ngắn gọn mà đanh thép "Yêu hay không yêu nói một lời!" trích ra từ chính lời bài hát.

Nhưng hỡi ôi, nhiều khi chính bản thân ta cũng chẳng biết đã yêu thật hay không thì làm sao mà nói?!

Trái với Bích Phương, khoa học bảo “yêu hay không yêu” rất khó... “nói một lời”! - Ảnh 1.

Thả cánh hoa thử xem có nên yêu – không yêu – không yêu – yêu...

Và quan trọng hơn, bạn có biết bấy lâu nay chúng ta đã hiểu sai khái niệm Tình yêu rồi không? Theo khoa học, tình yêu không phải là trạng thái lâu dài, bền chặt mà là những khoảnh khắc tích cực ngắn ngủi của cảm xúc!

Vậy những khoảnh khắc tích cực ấy từ đâu mà có? Chính nhờ 3 yếu tố sau. Hay nói cách khác, đây chính là 3 "tử huyệt" mà bùa yêu nên nhắm cho trúng vào!

"Tử huyệt bùa yêu" 1: Neuron trong não

Tác dụng: làm cho tâm trí tương thông

Khi yêu, bạn sẽ cảm thấy tâm hồn trở nên đồng điệu đến lạ. Khoa học cũng đồng ý với lời nhận định lãng mạn này khi đã... chụp cộng hưởng từ (fMRI) não bộ của những người tham gia vào thí nghiệm tình yêu!!

Thí nghiệm này đến từ ĐH Princeton, Mỹ. Nhóm người tham gia lắng nghe băng ghi âm 1 cô gái kể câu chuyện hơi dông dài về buổi tiệc trung học của mình. Trong nhóm gồm cả 1-2 anh chàng có cảm tình với cô. Các nhà khoa học quan sát tất cả sóng não của họ.

Kết quả: hầu hết sóng não của người nghe đều bắt chước sóng não của người nói, nhưng quá trình đó diễn ra từ từ. Chỉ với số ít người, sóng não của họ đồng bộ với nhau một cách hoàn hảo. Thậm chí vỏ não còn có hành động dự đoán trước câu chuyện.

Trên thực tế, sự thấu hiểu và chia sẻ cảm xúc chung đó sẽ tạo ra khoảnh khắc của tình yêu. Đó là 1 hành động độc lập, diễn ra đồng thời ở cả 2 bộ não.

Trái với Bích Phương, khoa học bảo “yêu hay không yêu” rất khó... “nói một lời”! - Ảnh 3.

Và trong MV mới đây, dễ thấy rằng nhân vật của Bích Phương vận dụng "chiêu" này rất tốt khi dẫn chàng trai đến bàn tiệc rồi múa tay kể chuyện, không quên nhắn nhủ thêm "Em nghe đây anh nói đi anh". Rõ ràng cô đang muốn gợi lên tâm trí tương thông, hai sóng não hòa chung hình đồ thị!

"Tử huyệt bùa yêu" 2: Nơi phát hormone yêu đương

Tác dụng: tạo nên bình tĩnh, gắn kết

Oxytocin là hormone tạo ra cảm xúc "yêu" và muốn được âu yếm. Nó được tiết ra ở vùng dưới đồi, dự trữ ở thùy sau của tuyến yên.

Hormone này sinh ra nhiều nhất khi làm "chuyện ấy" và ít hơn một chút khi hai bên có những cử chỉ thân mật, âu yếm dành cho nhau. Nó có tác dụng giúp chúng ta cảm thấy tin tưởng và muốn mở lòng hơn.

Trái với Bích Phương, khoa học bảo “yêu hay không yêu” rất khó... “nói một lời”! - Ảnh 4.

Sự kỳ diệu này của cơ thể không chỉ diễn ra ở tình yêu đôi lứa mà còn ở tình cảm gia đình. Các nhà nghiên cứu phát hiện khi bố mẹ thể hiện cử chỉ yêu thương với con trẻ, ví dụ như tiếp xúc bằng mắt, cười, ôm, chơi đùa... thì chất oxytocin của bố mẹ lẫn bé đều tăng lên với mức độ y như nhau.

"Tử huyệt bùa yêu" 3: Dây thần kinh mê tẩu

Tác dụng: thể hiện tình yêu lên khuôn mặt

Giữa con tim và lý trí thực ra có sự kết nối đấy các bạn ạ. Sợi dây ấy mang tên dây thần kinh mê tẩu (còn gọi là phế vị) nối tim với não một cách rất tinh tế và phức tạp!

Và đây là tác dụng của nó theo nhà tâm lí học Barbara Fredrickson: "Dây thần kinh mê tẩu kích thích các cơ mặt siêu nhỏ mà nhờ đó bạn sẽ tiếp xúc ánh mắt và bắt chước nét mặt của đối phương!

Nó còn điều chỉnh búi cơ siêu nhỏ nằm chính giữa lỗ tai, khiến bạn nghe được giọng nói của người ấy rõ ràng hơn giữa nhiều tạp âm huyên náo".

Trái với Bích Phương, khoa học bảo “yêu hay không yêu” rất khó... “nói một lời”! - Ảnh 5.

Ánh mắt, nét mặt quả thật có nhiều ý nghĩa sâu xa trong tình yêu

Thật bất ngờ đúng không? Tuy hầu hết chúng ta cả đời không thấy tận mắt sợi dây thần kinh mê tẩu ấy, nhưng nghe mô tả thì nó quả thật lợi hại!

Hóa ra chúng ta cứ ngại ngùng bắt gặp ánh mắt nhau là có lí do! Hóa ra giữa chốn đông đúc mà tai vẫn nghe được tiếng gọi của chàng/nàng là chuyện có thật chứ không phải tự huyễn hoặc gì đâu!

Mà tóm lại là...

Qua nhiều minh chứng ở trên, ta thấy tình yêu là những khoảnh khắc nhỏ, chắt chiu lại chứ không phải là thứ sẵn có, vĩnh hằng!

Theo khoa học, những khoảnh khắc ấy tạo ra nhờ neuron trong não - giúp 2 tâm hồn đồng điệu, nhờ chất oxytocin giúp bầu không khí lãng mạn, nhờ dây thần kinh mê tẩu để chúng ta biểu lộ những cảm xúc bên trong ra khuôn mặt.

Còn nói đơn giản hơn thì tình yêu không ở đâu xa mà là khi bắt gặp ánh mắt, nét mặt, các cử chỉ tình cảm (kể cả "chuyện ấy") hay đắm chìm vào câu chuyện của nhau. Đôi khi chỉ bấy nhiêu đó là yêu rồi!

Trái với Bích Phương, khoa học bảo “yêu hay không yêu” rất khó... “nói một lời”! - Ảnh 6.

Nhưng đồng thời, vì biểu hiện của tình yêu cả trong lẫn ngoài đều quá sức "tinh tế", nên nhiều khi ta chẳng thể biết là "yêu hay không yêu", khiến cho đối phương sốt ruột bắt phải "nói một lời"...

Trên thực tế, khi đứng trước sự cương quyết ấy, không ít kẻ lại... "ôm đầu" bảo yêu là tự do, không nên bắt ép.

Phải, ổn thôi, tình yêu đúng là những khoảnh khắc tự nhiên tạo ra nhờ phản ứng sinh lý trong cơ thể. Nhưng nếu không "tóm" nó lại, đóng dấu bằng mối quan hệ thì mấy khoảnh khắc ấy sẽ "chạy ngay đi" đó.

Hơn nữa, khi ở bên nhau, ta hoàn toàn có thể dùng cử chỉ, sự quan tâm để tạo ra nhiều hơn khoảnh khắc yêu. Đó có lẽ cũng là chân lý mà "Bùa yêu" gửi gắm ở cuối bài hát đây này: "Thời gian cứ thế trôi nào có chờ/ Chúng ta thì cần người ở bên/ Sẻ chia những phút giây trong đời".

Tham khảo: The Atlantic