Tình yêu vô hạn của người Nhật với những chiếc khăn tay: Đàn ông cũng phải mang ít nhất 3 chiếc, một lau tay, một lau miệng, một để lau nước mắt

Vũ Huế, Theo Helino 00:11 19/11/2019

Người Nhật, họ mê khăn tay đến mức không bao giờ dùng nó để... xì mũi. Những chiếc khăn đều có vai trò riêng: "Một chiếc để lau tay, một chiếc để lau miệng, còn một chiếc để lau nước mắt cho ai đó đang khóc".

Bất chấp khăn giấy đã tràn ngập cả thế giới, người Nhật Bản vẫn trung thành với những mảnh khăn tay tao nhã bằng vải.

Khăn tay: Vật dụng hàng ngày không thể thiếu

Phần lớn cư dân Nhật Bản đều có khăn tay sạch trong người. Họ không chỉ mang một chiếc, mà nhiều chiếc.

Khăn tay là vật dụng thiết yếu của người Nhật Bản

"Mỗi đàn ông đều nên có ít nhất ba chiếc khăn tay," - cố chủ tịch của Blooming Nakanishi (công ty sản xuất khăn tay lâu đời nhất ở Nhật Bản, thành lập từ năm 1879) từng nói. "Một chiếc để lau tay, một chiếc để lau miệng, còn một chiếc để lau nước mắt cho ai đó đang khóc."

Các bà mẹ xứ Phù Tang không bao giờ quên nhắc nhở con cái nhớ mang theo khăn tay khi ra khỏi nhà. Ngay cả các giáo viên cũng để ý, đôi khi còn kiểm tra xem liệu học sinh có mang theo khăn tay trong cặp sách hay không.

Chiếc khăn tay có rất nhiều công dụng. Ví dụ như lau khô tay trong trường hợp nhà vệ sinh công cộng không có sẵn khăn giấy hoặc máy sấy tay. Rồi thì thấm mồ hôi, đặt lên bàn trước khi dùng bữa, tạm che đầu nếu lỡ mắc mưa, thậm chí là lau yên xe đạp.

Tuyệt đối không dùng khăn tay xì mũi

Chí ít, người Nhật nào cũng phải có một chiếc khăn tay sạch trong người. Nếu xem phim hoặc đọc truyện tranh Nhật Bản, bạn sẽ thấy các nhân vật luôn sẵn khăn tay để lấy ra khi cần thiết. Điều này tuyệt đối không hề vô lý. Nó là hết sức bình thường ở xứ sở Mặt trời mọc.

Tình yêu vô hạn của người Nhật với những chiếc khăn tay: Đàn ông cũng phải mang ít nhất 3 chiếc, một lau tay, một lau miệng, một để lau nước mắt - Ảnh 2.

Khăn tay được sử dụng với nhiều mục đích...

Có điều, người Nhật tuyệt đối không lấy khăn tay ra để xì mũi. Văn hóa ứng xử, biểu hiện giữa nơi đông người của Nhật Bản cực kỳ tế nhị. Họ không bao giờ "vô ý vô tứ" xì mũi thành tiếng. Cứ việc tùy tiện lên một chuyến tàu chở khách nào đó của Nhật Bản và quan sát, bạn sẽ thấy chẳng có ai lôi khăn tay ra xì mũi thật to.

Tất nhiên là vẫn có các trường hợp bị nghẹt mũi nặng, bắt buộc phải xì mũi. Song người Nhật bị bệnh thường rất ý tứ, cố gắng tránh nơi công cộng, và có xì thì cũng hết sức nhẹ nhàng thôi.

Tình yêu vô hạn của người Nhật với những chiếc khăn tay: Đàn ông cũng phải mang ít nhất 3 chiếc, một lau tay, một lau miệng, một để lau nước mắt - Ảnh 3.

Nhưng không phải để xì mũi

Ngược lại, đa phần các văn hóa khác có dùng đến khăn tay lại chỉ toàn lấy nó ra… xì mũi là chính.

Phiên bản nâng cấp từ văn hóa phương Tây

Không có dân tộc nào trên thế giới lại dùng khăn tay phổ biến hơn người Nhật. Nhưng, kỳ thực thì người Nhật lại không phải cha đẻ của những chiếc khăn tay.

Nếu tìm hiểu lịch sử khăn tay, bạn sẽ thấy chúng là sản phẩm của văn hóa phương Tây. Đàn ông quý tộc châu Âu luôn có chiếc khăn tay được gấp đẹp đẽ, cài trên miệng túi áo ngoài, làm phụ kiện trang trí.

Ngày nay, chiếc khăn tay vẫn được người phương Tây sử dụng, song chỉ là trong trường hợp tham dự buổi lễ trang trọng, ví dụ như tiệc cưới mà thôi.

Trẻ em Nhật Bản luôn được nhắc nhở mang theo khăn tay

Khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, chiếc khăn tay mới từ thế giới phương Tây gia nhập Nhật Bản. Thời đại Minh trị (1868-1912), văn hóa Nhật háo hức đón nhận, học hỏi các phong cách khác lạ. Cái độc đáo của văn hóa Nhật Bản là dễ tiếp thu thứ mới, nhưng tuyệt đối không bị đồng hóa. Thay vào đó, họ điều chỉnh cho phù hợp với phong tục địa phương, sau đó "nâng cấp" lên thành "phiên bản mới" còn tuyệt vời hơn "bản gốc".

Trong khi với người phương Tây khăn tay chỉ là một phụ kiện trang trí, thì với người Nhật, nó trở thành vật dụng thiết yếu. Đặc biệt còn mang cả ý nghĩa và mục đích nhân văn, ví dụ như "lau nước mắt cho ai đó đang khóc".

Cũng lại có cái gốc truyền thống từ thời sơ khởi

Theo Hajime Nakanishi, chủ tịch đương nhiệm của Blooming Nakanishi, có nguyên nhân khiến người Nhật mê mệt khăn tay phương Tây.

Từ xưa, muộn nhất là vào thế kỷ 8, người dân xứ Phù Tang đã có thói quen sử dụng khăn tenugui. Đó là một mảnh vải mỏng, được cắt may theo kiểu hình chữ nhật, có kích thước khoảng 35×90 cm. Trang phục truyền thống của phụ nữ Nhật Bản là kimono - khăn tenugui chính là phụ kiện không thể thiếu. Đàn ông Nhật Bản cũng dùng khăn tenugu - họ rất thích lấy nó làm khăn quấn đầu.

Họ cũng vẫn tiếp tục dùng khăn tenugui truyền thống

Trong ngôn ngữ Nhật, chữ tenugui (手拭い) được ghép từ 2 chữ: te (手), nghĩa là "thủ" (tay), và nugui (ぬぐい), nghĩa là "lau". Nó được hiểu là khăn lau tay, nhưng công dụng thì nhiều hơn thế. Ngoại trừ quấn đầu, giữ tóc, họ còn dùng tenugui gói bình nước hay làm vải bọc quà tặng.

Hiện tại, Nhật Bản là nguồn cung cấp khăn tay các loại lớn nhất thế giới

Khi văn hóa phương Tây tràn vào Nhật Bản, người Phù Tang lập tức nhận ra chiếc khăn tay nhỏ, mỏng, hình vuông thật thích hợp để thay thế tenugui trong đời sống hàng ngày. Mặc dù không phải nền văn hóa sáng tạo ra chiếc khăn tay, Nhật Bản hiện đang là nhà sản xuất khăn tay hàng đầu thế giới. Trái lại, ở nơi "sinh thành" ra khăn tay – Châu Âu, các xưởng sản xuất cũng như cửa hàng buôn bán loại sản phẩm này cứ lần lượt đóng cửa.

Không còn nơi cung cấp, người yêu khăn tay từ phương Tây lại lặn lội đến Nhật Bản tìm mua. Có khoảng 10% khách tiêu thụ khăn tay của Blooming Nakanishi là người ngoại quốc.

Tham khảo Japan Times