Tỉ lệ tự tử ở đàn ông luôn cao hơn phụ nữ và thực tế phân biệt giới tính trầm trọng với nam giới

Oct, Theo Trí Thức Trẻ 17:27 19/06/2017

Chúng ta luôn kêu gọi bình đẳng giới, nhưng liệu đã khi nào thực sự công bằng hay chưa?

Đã từng có thời điểm, phụ nữ chẳng được phép tự mình quyết định bất kỳ chuyện gì. Họ không được đi học, chẳng được phép có ý kiến, chỉ được quanh quẩn ở xó bếp chăm con. 

Trong hàng thế kỷ, phụ nữ đã phải đấu tranh đòi lại sự công bằng, nhưng thậm chí đến tận ngày hôm nay, các định kiến liên quan đến phụ nữ - xét trên một số mặt - vẫn còn đang tồn tại.

Cũng bởi vậy mà khi nhắc đến cụm từ "phân biệt giới tính", hầu như ai cũng chỉ nghĩ đến phụ nữ mà thôi. Nhưng kỳ thực, nam giới cũng là nạn nhân không nhỏ của nạn phân biệt đối xử, chậm chí còn nguy hiểm hơn vì ít người nhận thức được điều đó.

Tỉ lệ tự tử của nam luôn cao hơn nữ ở TẤT CẢ các quốc gia...

Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, mỗi năm có khoảng 1 triệu người tự kết thúc mạng sống của chính mình, chưa tính đến các trường hợp tự sát không thành. Và có một sự thật kinh khủng mà không nhiều người biết đến, ấy là tỉ lệ nam giới tự tử luôn cao hơn nữ giới gấp nhiều lần. 

Tỉ lệ tự tử ở đàn ông luôn cao hơn phụ nữ và thực tế phân biệt giới tính trầm trọng với nam giới - Ảnh 1.

Tỉ lệ nam giới tự tử luôn cao hơn nữ ở mọi độ tuổi (số liệu tại Canada)

Điều này thể hiện qua số liệu thống kê từ rất nhiều nghiên cứu ở các nước trên thế giới. Ví dụ như ở Anh vào năm 2012, có khoảng 5.812 người tự tử, nhưng 3/4 trong số đó là nam giới (tương đương 4590 người). Hay như tại Mỹ, trong số 38.000 trường hợp tự tử thì 79% là đàn ông (số liệu từ năm 2010).

Đã từng có nhiều giả thuyết giải đáp cho vấn đề này. Trong đó, có ý kiến cho rằng nam giới có xu hướng hành xử bốc đồng hơn, xuất phát từ tần suất sử dụng rượu bia, thuốc lá và chất gây nghiện. Tuy vậy, đó chỉ là một phần của vô vàn vấn đề mà nam giới gặp phải, mà nổi bật nhất phải kể đến định kiến của xã hội.

Tỉ lệ tự tử ở đàn ông luôn cao hơn phụ nữ và thực tế phân biệt giới tính trầm trọng với nam giới - Ảnh 2.

Nam giới có xu hướng hành xử bốc đồng hơn, và đó là lý do?

... đến những định kiến vô hình áp đặt cho nam giới

Phụ nữ bắt đầu bị phân biệt đối xử từ một thời điểm nào đó trong quá khứ, thì cũng bằng ấy thời gian nam giới trở thành nạn nhân của các định kiến.

Đàn ông luôn được xem là biểu tượng của sự mạnh mẽ. Trong quá khứ, hình ảnh nam giới luôn gắn liền với các trận chiến đẫm máu, bất chấp một thực tế rằng có những người sinh ra không phải để đánh nhau.

Tỉ lệ tự tử ở đàn ông luôn cao hơn phụ nữ và thực tế phân biệt giới tính trầm trọng với nam giới - Ảnh 3.

Xã hội cổ đại đã mặc định đàn ông phải dành cho chiến trận

Xã hội phát triển, đàn ông lại đóng vai trò trụ cột của gia đình, gánh vác phần lớn những công việc nặng nhọc. Điều đó xét cho cùng cũng không có gì sai, vì tạo hóa đã ban tặng cho nam giới những lợi thế không nhỏ so với phái nữ. Chỉ có điều, tạo hóa cũng cho con trai những xúc cảm yếu mềm, mà rất tiếc họ chẳng được phép bộc lộ ra.

Là con trai thì không được khóc, không được nói nhiều, không được thế này, không được thế kia... Con trai phải có chí lớn, phải gánh vác được gia đình... Dù chẳng ai cấm, chẳng ai ép buộc, nhưng xã hội đã dần hình thành những định kiến vô hình như vậy trong đầu nam giới.

Hệ quả là gì? Là con trai buộc phải chối bỏ những cảm xúc hết sức tự nhiên, không dám kêu khóc tìm kiếm sự giúp đỡ mỗi khi gặp rắc rối (vì đàn ông là phải mạnh mẽ, tự mình giải quyết mọi chuyện). 

Đặc biệt, nam giới rất dễ có cảm xúc tự ti khi xét đến vấn đề thu nhập và địa vị, dù sự thật là không phải ai cũng có thể trở nên thành đạt trong cuộc sống.

Tỉ lệ tự tử ở đàn ông luôn cao hơn phụ nữ và thực tế phân biệt giới tính trầm trọng với nam giới - Ảnh 4.

Cảm xúc dồn nén mà không cách nào giải tỏa

Những cảm xúc ấy chất chồng và tích tụ, để rồi biến chuyển thành cơn bùng nổ giận dữ mà giới chuyên môn gọi là "hiệu ứng cảm xúc núi lửa". Và như đã nêu, họ có xu hướng tìm đến rượu bia, thuốc lá - những thứ làm tăng thêm lối hành xử bốc đồng, dẫn đến nguy cơ tự sát tăng cao.

Thậm chí, sự phân biệt giới tính này còn xảy ra ngay đối với các trường hợp là nạn nhân của tội ác. Lấy ví dụ như một vụ án hiếp dâm được chia sẻ trên mạng xã hội. Nếu nạn nhân là nữ, dư luận dù ít dù nhiều đều bày tỏ sự thương xót. Nhưng đặt trường hợp là nam thì sao? Sự thương xót bỗng chuyển thành bỡn cợt, thậm chí có người còn... ao ước được như vậy?!

Tỉ lệ tự tử ở đàn ông luôn cao hơn phụ nữ và thực tế phân biệt giới tính trầm trọng với nam giới - Ảnh 5.

Nạn nhân là nam giới thường bị bỡn cợt, thay vì đồng cảm

Chúng ta có thể đồng ý rằng các nạn nhân nữ chịu rất nhiều thiệt thòi, nhưng điều đó không có nghĩa nam giới thì khác biệt. Nạn nhân là nạn nhân, họ đều phải chịu những sang chấn tâm lý nặng nề mà người ngoài cuộc không thể nào hiểu được.

Hãy nhớ, nam giới cũng có nguy cơ mắc trầm cảm tâm lý nặng

Gần đây dư luận đang dậy sóng vì trường hợp của một bà mẹ trẻ mắc trầm cảm sau sinh dìm chết đứa con 33 ngày tuổi của mình.

Trách nhiệm của các bên liên quan, chúng ta sẽ chẳng bàn đến ở đây. Chỉ có điều, ít người biết rằng thực ra các ông chồng cũng là nạn nhân của chứng trầm cảm sau sinh. Quan trọng hơn, các ông bố thậm chí chẳng hề biết bản thân mắc phải hội chứng này, và kể cả biết thì cũng... giấu tiệt. 

Tỉ lệ tự tử ở đàn ông luôn cao hơn phụ nữ và thực tế phân biệt giới tính trầm trọng với nam giới - Ảnh 6.

Nam giới cũng dễ dàng mắc phải các chứng trầm cảm tâm lý nặng

Họ cho rằng lo lắng và căng thẳng là dấu hiệu của sự yếu đuối - những thứ mà nhìn rộng ra chính là hệ quả của nạn phân biệt đối xử về giới tính.

Nên là mối quan tâm của xã hội

Đấu tranh giành quyền bình đẳng giới không còn gói gọn trong phái nữ, mà nam giới cũng cần được quan tâm. Khi giới tính được bình đẳng, tất cả sẽ được giải phóng khỏi những định kiến xã hội đang đè nặng lên tâm lý.

Tỉ lệ tự tử ở đàn ông luôn cao hơn phụ nữ và thực tế phân biệt giới tính trầm trọng với nam giới - Ảnh 7.

Nam hay nữ, giới tính không còn quan trọng nữa. Một người đàn ông có thể lựa chọn ở nhà và chăm lo cho con cái nếu như kinh tế của họ cho phép. 

Vấn đề ở đây là chúng ta, những con người trong xã hội này, có chấp nhận điều đó không, hay lại nhìn anh ta bằng ánh mắt của định kiến?

Nguồn: Huffington Post, Forbes, The Guardian