Thư gửi học trò: "Chính giáo viên nghiêm khắc với bạn nhất lại là người yêu quý bạn nhất!"

Thiên An, Theo Trí thức trẻ 07:50 20/11/2022
Chia sẻ

Thầy cô nghiêm khắc không đáng sợ, bởi vì thầy cô vẫn sẵn lòng quản chế bạn, nghiêm khắc với bạn nghĩa là trong lòng thầy cô, bạn vẫn có một vị trí của riêng mình.

Đứa trẻ nào cũng mong gặp được một giáo viên như thế này: chẳng bao giờ giao bài tập về nhà, cho học trò thoải mái đùa nghịch, dù mắc lỗi cũng không bị phê bình, không bị phạt.

Không bao giờ nổi nóng, lúc nào cũng dịu dàng và hiền từ.

Nhưng các bạn à, chính những giáo viên luôn nghiêm khắc, luôn ép bạn vào kỉ luật, vào khuôn khổ mới là những người thực sự đối xử tốt với các bạn đấy!

Thư gửi học trò: Chính giáo viên nghiêm khắc với bạn nhất lại là người yêu quý bạn nhất! - Ảnh 1.

Giáo viên không thể quá tốt với bạn, làm thế là hại bạn

Luôn có những đứa trẻ thắc mắc: "Thầy/ cô ơi, sao lúc nào thầy/ cô cũng nghiêm khắc thế? Sao thầy/ cô không đối xử với bọn em tốt hơn?".

Các bạn ơi, thế nào mới là đối xử tốt? Là nhẫn nhịn học trò bất chấp giới hạn ư?

Tốt kiểu này chỉ làm hại bạn thôi.

Nếu một đứa trẻ muốn lớn lên tự do, không muốn đến trường, không muốn học tập, chỉ muốn được nuông chiều thì đứa trẻ có thể học được rất ít trong quá trình lớn lên đó. Như vậy, sao chúng có thể tồn tại trong thế giới của người trưởng thành? Sao chúng thể tự cứu rỗi mình?

Trẻ làm sai, cần đánh vẫn phải đánh, cần mắng vẫn phải mắng, nếu cha mẹ không dạy, thầy cô cũng không dạy thì sau này, thứ mà đứa trẻ đó làm sai không đơn thuần là một lỗi lầm nữa mà có thể ở mức độ cao hơn, nghiêm trọng hơn.

Thư gửi học trò: Chính giáo viên nghiêm khắc với bạn nhất lại là người yêu quý bạn nhất! - Ảnh 2.

Giáo dục là không thể mù quáng nhượng bộ trẻ, bởi vì trẻ không bao giờ biết thế nào là đủ và chúng sẽ chỉ đạp qua giới hạn của bạn để tiếp tục lấn tới. Tự do không có quy tắc chính là hủy diệt, chỉ khi để đứa trẻ tự do trong khuôn phép, sau này chúng mới có thể tiếp cận tự do lớn hơn.

Ngày hôm nay, giáo viên phạt một học trò vì tội không làm bài tập, điều này nhằm mục đích hướng đứa trẻ chú tâm hơn vào việc học của mình thay vì phung phí thời gian làm những điều vô nghĩa. Sau này, đứa trẻ đó sẽ biết trân trọng thời gian và phân bố thời gian khoa học hơn.

Ngày hôm nay, giáo viên phạt một học trò vì mắc lỗi, điều này nhằm mục đích để trẻ biết phân biệt phải trái đúng sai. Sau này, đứa trẻ đó sẽ không mắc phải những sai lầm không thể sửa chữa.

Sự khích lệ và bao dung một cách mù quáng chỉ có thể trồng ra những bông hoa trong nhà kính. Giáo dục tốt phải dung hòa được giữa sự bao dung và nghiêm khắc, có thưởng phạt rõ ràng. Và một giáo viên tốt phải là người vừa có kỷ luật, vừa nghiêm khắc nhưng vẫn ôn hòa, thấu hiểu.

Thư gửi học trò: Chính giáo viên nghiêm khắc với bạn nhất lại là người yêu quý bạn nhất! - Ảnh 3.

Không ai muốn đóng vai xấu nhưng trong giáo dục, buộc phải có "vai xấu"

Trong ký ức chúng ta hẳn ai cũng có một giáo viên như thế này, người đó xấu tính, khó gần, chỉ cần bạn mắc một lỗi dù rất nhỏ thôi cũng sẽ bị phê bình trước cả lớp, thậm chí phạt bạn rất nặng.

Thời còn đi học bạn ghét giáo viên này nhất, nhưng lớn lên rồi, bạn lại tôn trọng người đó nhất.

Còn nhớ trong bộ phim Song of Youth cũng có một nhân vật như vậy. Nam chính của phim là một thầy giáo mà học sinh vừa yêu vừa ghét. Để chấn chỉnh lại hoàn toàn nề nếp lớp học, thầy giáo này đã cấm học sinh học theo hàng loạt trend đang hot thời bấy giờ như uốn tóc, tô son, dùng đài cassettes, đọc tiểu thuyết võ hiệp, nhảy break dance… Tất cả đều bị cấm đoán, bị phản đối gay gắt, không thương tiếc. Vì lý do này nên các học sinh đều rất ghét thầy và không ngại ngần đặt cho thầy hàng loạt biệt danh khó nghe.

Thế nhưng đến phần cuối của bộ phim, chúng ta có thể thấy những học sinh vốn là thành phần cá biệt của lớp đã biến thành những thanh niên tích cực; những nam sinh từng hút thuốc, uống rượu và đánh nhau đã biến thành những học sinh ngoan hiền, dũng cảm và đầy năng lượng tích cực; những học sinh vốn suốt ngày cắm đầu vào cuốn tiểu thuyết võ hiệp đã đặt truyện xuống và cầm sách trên tay... Người thầy từng khiến học sinh ghét bỏ và sợ hãi đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ và cuộc đời của đám trẻ đó.

Thư gửi học trò: Chính giáo viên nghiêm khắc với bạn nhất lại là người yêu quý bạn nhất! - Ảnh 4.

Không giáo viên nào muốn bị ghét. Không giáo viên nào muốn đóng "vai xấu". Giáo viên nào mà chẳng muốn học sinh nhìn thấy mình sẽ mỉm cười và chào mình một câu từ tận đáy lòng: "Chúng con chào thầy/ cô ạ!" thay vì nhìn thấy mình đã trốn vội ra chỗ khác, thậm chí còn nói xấu mình cho bõ tức.

Thế nhưng, trong giáo dục, buộc phải có những người đóng "vai xấu" như vậy, để khi đứa trẻ lầm đường lạc lối sẽ vừa đánh vừa mắng vừa dẫn chúng về con đường đúng, để khi đứa trẻ trượt chân rơi xuống vực thẳm sẽ nắm lấy tay chúng, cứu lấy chúng.

Bởi vì suy cho cùng, "giờ em ghét tôi cũng không sao, sau này em sẽ cảm ơn tôi, còn nếu hiện tại tôi không quản em, sau này em sẽ thực sự hận tôi cả đời".

Thư gửi học trò: Chính giáo viên nghiêm khắc với bạn nhất lại là người yêu quý bạn nhất! - Ảnh 5.

Giáo viên nghiêm khắc không đáng sợ, giáo viên bỏ bê mới đáng sợ

Trong bộ phim Growing Pain có cảnh một cô giáo đang giảng bài thì bị tiếng chuông điện thoại dưới lớp cắt ngang. Không chịu nổi, cô giáo đặt viên phấn trong tay xuống và yêu cầu nam sinh nộp điện thoại cho mình.

Nam sinh hùng hồn đáp lại rằng nhà trường quy định không được tịch thu điện thoại của học sinh.

Sau một hồi im lặng, cô giáo mới nói: "Tôi cũng muốn tự thuyết phục mình rằng sao lại phải thế, sao cứ tự biến mình thành một người khó tính như thế. Các anh chị chơi thì cứ chơi, có sao đâu, cùng lắm thì vài tháng nữa tốt nghiệp, chúng ta cũng chẳng còn liên quan gì đến nhau nữa.

Anh nghịch điện thoại của anh, tôi giảng bài của tôi, tôi cứ làm như không thấy là xong, dù sao tôi vẫn nhận lương đều, tôi có nhất thiết phải vì đồng lương của mình mà lý luận với các anh chị hay không? Tương lai anh chị giàu có, anh chị cũng không chia tiền cho tôi. Tương lai anh chị sa cơ lỡ bước, anh chị cũng chẳng ảnh hưởng gì đến tôi.

Nhưng tôi không sao ép mình nghĩ như thế được. Tôi đứng đây, các anh chị ngồi đó, tôi giảng bài, các anh chị nghe giảng. Các anh chị đã gọi tôi một tiếng thầy cô thì tôi phải xứng đáng với danh xưng này, với cái nghề này".

Cần nói thêm một chút ở đây là trong phim, trước phân đoạn này không lâu, cũng chính cô giáo này từng mâu thuẫn với một học sinh vì chiếc điện thoại. Học sinh ấy sau đó trong phút bốc đồng đã nhảy lầu, may mắn là không bị thương nặng song sự việc vẫn gây ồn ào.

Kết quả, nữ giáo viên không chỉ bị phụ huynh mắng chửi mà còn bị hiệu trưởng phê bình, giáng chức, giảm lương. Điều này khiến cô cảm thấy chán nản suốt thời gian dài. Nhưng dẫu vậy, cô vẫn không đành lòng nhắm mắt làm ngơ, bỏ qua lỗi sai của học trò và đương nhiên, cô cũng không thể bỏ bê trách nhiệm của một người làm nghề giáo.

Thầy cô nghiêm khắc không đáng sợ, bởi vì thầy cô vẫn sẵn lòng quản chế bạn, nghiêm khắc với bạn nghĩa là trong lòng thầy cô, bạn vẫn có một vị trí của riêng mình. Và cũng có nghĩa là thầy cô không hề từ bỏ bạn, thầy cô vẫn ở đó với mong muốn giúp bạn trở nên tốt hơn.

Thư gửi học trò: Chính giáo viên nghiêm khắc với bạn nhất lại là người yêu quý bạn nhất! - Ảnh 6.

Điều đáng sợ nhất là bị giáo viên từ bỏ, bạn không học giáo viên cũng kệ, bạn làm sai giáo viên cũng chẳng trách mắng, ngày qua ngày lại, bạn muốn làm gì thì làm, tự do tự tại thật đấy nhưng tương lai lại trở nên mịt mờ.

Như một câu trong cuốn Hoàng Tử Bé : "Hãy trân trọng những người đối xử tốt với bạn, họ đáng nhẽ chẳng cần làm thế".

Thư gửi học trò: Chính giáo viên nghiêm khắc với bạn nhất lại là người yêu quý bạn nhất! - Ảnh 7.

Phụ huynh thắng được giáo viên nhưng rất có thể sẽ để thua con mình

Tôi từng hỏi một thầy giáo lớn tuổi, liệu thầy có vì phụ huynh mà thay đổi thái độ với học trò không.

Thầy cười: "Em muốn hỏi rằng nếu phụ huynh quen thân với tôi, tôi sẽ quan tâm đến con của người đó hơn còn nếu phụ huynh đó làm khó tôi thì tôi sẽ không thích con của người đó à?".

"Dạ vâng, đại khái là như vậy ạ!"

Thầy im lặng một lúc rồi đáp: "Về một phía khía cạnh nào đó thì đúng là như vậy".

Giáo viên cũng là con người, cũng có tình cảm, thay vì niềm nở với những phụ huynh và học trò thiếu tôn trọng mình, nói xấu mình, xúc phạm mình, giáo viên sẽ coi trọng những phụ huynh và học trò tin tưởng mình, hợp tác với mình và chấp nhận mình hơn.

Thái độ của giáo viên với học trò không chỉ phụ thuộc vào học trò mà đôi khi còn chịu ảnh hưởng lớn từ phụ huynh. Tôi đã từng chứng kiến nhiều bậc phụ huynh, bất kể giáo viên của con họ làm gì, có kế hoạch gì, họ lúc nào cũng chất vấn và gây khó dễ, như thể họ và giáo viên đó trời sinh đã mang thù vậy. Dưới sự đối đầu như vậy, việc giáo dục trẻ dễ thất bại.

Cha mẹ chỉ có thể đạt được sự giáo dục tốt nhất cho con cái nếu họ giao tiếp tốt và hợp tác tốt với giáo viên, một lòng một dạ tin tưởng giáo viên.

Các bậc cha mẹ thân mến, xin đừng bắt giáo viên phải từ bỏ con mình.

Thư gửi học trò: Chính giáo viên nghiêm khắc với bạn nhất lại là người yêu quý bạn nhất! - Ảnh 8.

Giáo viên có tầm nhìn luôn có chút tuyệt tình

Giáo sư Tiền Văn Trung của Đại học Phúc Đán (Trung Quốc) từng nói: "Nền giáo dục ngày nay cứ nhượng bộ con trẻ, cho chúng nhiều hạnh phúc hơn, nhiều thời gian vui chơi hơn. Nhưng làm sao có thể có một nền giáo dục như vậy trên thế giới? Trẻ em không khôn ngoan như người lớn, chúng cần được dạy bảo và khen phạt hợp lý.

Hãy chắc chắn rằng con bạn biết rằng luôn có một cái giá phải trả cho những sai lầm. Nếu cả xã hội nhượng bộ, những đứa trẻ sẽ không tiến bộ được. Tương lai của chúng sẽ tệ đi và tương lai của xã hội cũng sẽ tệ đi".

Thư gửi học trò: Chính giáo viên nghiêm khắc với bạn nhất lại là người yêu quý bạn nhất! - Ảnh 9.

Nếu giáo viên không quan tâm, học trò sẽ không thể học tốt. Nếu giáo viên quá hiền, học trò cũng không thể học tốt. 6-12 tuổi là giai đoạn quan trọng để hình thành nhân cách, tính cách của trẻ, giáo viên phải quản lý thật chặt chẽ để trẻ học tốt và thành tài.

Hãy nghiêm khắc hơn với trẻ từ bây giờ, để chúng chịu một chút đau khổ ngay lúc này nhưng sẽ được hưởng hạnh phúc cả đời. Còn nếu giờ nuông chiều trẻ, trẻ sẽ có được hạnh phúc nhất thời mà phải chịu vất vả cả đời.

Bất kỳ giáo viên có tầm nhìn xa nào cũng sẽ ép đứa trẻ vào khuôn khổ một cách "tuyệt tình" vì lợi ích của trẻ.

Thư gửi học trò: Chính giáo viên nghiêm khắc với bạn nhất lại là người yêu quý bạn nhất! - Ảnh 10.

Không có giáo viên hoàn hảo, cũng không có cha mẹ hoàn hảo

Có một câu nói như thế này: cha mẹ hạng tốt nhất làm gương, cha mẹ hạng hai làm huấn luyện viên và cha mẹ hạng ba làm bảo mẫu. Bất kể câu nói này đúng hay sai, nhưng có một điều chúng ta phải thừa nhận rằng cha mẹ chính là tấm gương lớn nhất đối với con cái. Gia đình là lớp học đầu tiên của trẻ, cha mẹ là người thầy đầu tiên của trẻ, cha mẹ làm gì thì trẻ sẽ làm theo. Vì lợi ích của con cái, cha mẹ phải trở thành những bậc cha mẹ tốt hơn, và con cái theo đó có thể trở thành những đứa con tốt hơn.

Trên thực tế, không chỉ phụ huynh, mà cả giáo viên cũng không ngừng phát triển. Thầy cô cần hiểu và chấp nhận phụ huynh, phụ huynh cũng cần hiểu rằng thầy cô đang trưởng thành. Mối quan hệ của cha mẹ với nhà trường, với giáo viên, với lớp học... tất cả đều là sự giáo dục trực quan nhất dành cho những đứa trẻ.

Khi cha mẹ hỗ trợ giáo viên, họ thực tế đang trực tiếp tham gia vào quá trình hỗ trợ sự trưởng thành của con cái họ. Đây là mối quan hệ giáo dục tốt nhất.

Ủng hộ giáo viên của con bạn chính là ủng hộ sự phát triển của con bạn và tôn trọng, tin tưởng giáo viên của con bạn cũng chính là một cách thể hiện tình yêu đối với con bạn.

Tổng hợp

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày