Thời gian đang cạn dần: Cái kết cho loài người sẽ đến vào năm 2050?

J.D, Theo Helino 14:38 05/06/2019

Mọi chuyện đang trở nên rất xấu, khi các mô hình khí hậu ngày nay không tính đến nhiều yếu tố và đưa ra các dự đoán không thực sự chuẩn xác.

Chúng ta biết Trái đất đang dần nóng lên, và cũng biết rằng việc này sẽ gây ra biến đổi khí hậu theo chiều hướng cực đoan, để lại nhiều hệ lụy cho môi trường. Cũng bởi vậy mà con người cũng đang dần cố gắng cải thiện, giảm tải rác thải và giới hạn carbon thải ra.

Những nỗ lực ấy dù đáng quý, nhưng dường như là chưa đủ. Băng hai cực vẫn tiếp tục tăng ra, bão tuyết mùa đông nhiều và dữ dội hơn, trong khi mùa hè liên tục phá kỷ lục về độ nóng.

Và theo như một bản phân tích mới đây thì nếu tốc độ Trái đất nóng lên vẫn tiếp diễn như hiện nay, cái kết của nhân loại sẽ là không thể tránh khỏi. Đến năm 2050, biến đổi khí hậu sẽ trở thành "mối đe dọa đến sự tồn vong của nhân loại" mà không thể nào ngăn chặn được.

Thời gian đang cạn dần: Cái kết cho loài người sẽ đến vào năm 2050? - Ảnh 1.

Người đứng đầu nghiên cứu là một cựu chuyên gia trong ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch. Người này cho rằng các bản báo cáo về khả năng phục hồi của khí hậu Trái đất hiện nay đang đánh giá quá thấp những tình huống xấu có thể xảy ra.

Nghiên cứu nhận được sự đồng tình của huy Bộ quốc phòng Úc Chris Barrie. Thông điệp rất đơn giản: Nếu chúng ta không hành động thì trong vòng 30 năm nữa, nhiệt độ sẽ tăng khoảng 3oC và nền văn minh của nhân loại sẽ dần sụp đổ.

Viễn cảnh sụp đổ của cả một nền văn minh

Ở thời điểm đấy, Trái đất sẽ như một lò lửa. Ít nhất 35% diện tích đất liền đang chứa 55% dân số sẽ phải hứng chịu những ngày "nóng đến chết người, vượt ngưỡng chịu đựng của con người", lên đến 20 ngày/năm.

Nhiều hệ sinh thái cũng sẽ sụp đổ - các rạn san hô, rừng mưa nhiệt đới - như Amazon, và 2 vùng cực. Bắc Mỹ sẽ liên tục phải chịu đựng các đợt cháy rừng cực kỳ dữ dội, hạn hán kéo dài triền miên. Những con sông lớn nhất châu Á sẽ dần cạn nước, ảnh hưởng đến nguồn cung nước ngọt cho hơn 2 tỉ người trên thế giới.

Thời gian đang cạn dần: Cái kết cho loài người sẽ đến vào năm 2050? - Ảnh 2.

Cháy rừng quy mô lớn tại Bắc Mỹ sẽ liên tục xảy ra

Lượng mưa ở Mexico và Trung Mỹ giảm chỉ còn một nửa, trong khi sản lượng lương thực thì gần như kiệt quệ. Một số nơi sẽ có hơn 100 ngày trong năm phải hứng chịu các đợt sốc nhiệt đầy chết chóc. Nước biển dâng lên khiến đất đai cạn dần, hơn 1 tỉ người sẽ không còn chốn dung thân.

Thời gian đang cạn dần: Cái kết cho loài người sẽ đến vào năm 2050? - Ảnh 3.

Hệ sinh thái sụp đổ

"Viễn cảnh trên chỉ hé lộ chút ít về một tương lai đầy hỗn loạn cho nhân loại," - Katherine Richardson, chuyên gia từ ĐH Copenhagen (Đan Mạch). "Khi ấy, an ninh toàn cầu sẽ trở nên quá tải, còn khủng hoảng chính trị sẽ trở thành một khái niệm quen thuộc."

Giải pháp duy nhất trong tình huống này là một cuộc cách mạng ở quy mô toàn cầu, tạo ra một nguồn năng lượng không thải carbon để phục vụ cho kinh tế và công nghiệp.

"Để viễn cảnh ấy không xảy ra, cần huy động toàn bộ nguồn lực trên thế giới nhằm xây dựng một nền công nghiệp không khí thải, đồng thời đào tạo, phổ biến mục tiêu này cho cộng đồng."

Bên cạnh đó, bản phân tích mới cũng chỉ ra rằng các mô hình nghiên cứu khí hậu ngày nay dù hữu ích nhưng hay mắc phải sai lầm, đó là tập trung vào những kết quả trước mắt mà không đi đến tận cùng. Việc bỏ qua những kết quả cuối cùng có thể khiến chúng ta không chuẩn bị tốt trước những thảm họa khí hậu sắp tới.

Thời gian đang cạn dần: Cái kết cho loài người sẽ đến vào năm 2050? - Ảnh 4.

Cần có giải pháp để tạo ra một nền công nghiệp không khí thải

Và những sai lầm ấy hóa ra có tỷ lệ xảy ra cao hơn bạn tưởng. Bản phân tích cho rằng hầu hết các mô hình khí hậu ngày nay đang khá bảo thủ, thường bỏ qua các yếu tố liên quan đến "vòng lặp khí hậu", như lượng khí nhà kính thải ra từ các lớp băng vĩnh cửu ở hai cực. Đó là các yếu tố đẩy nhanh quá trình khí hậu thay đổi, vượt xa khả năng dự đoán của các mô hình đang sử dụng.

Chẳng hạn theo các mô hình tính toán, nhiệt độ tăng vào năm 2050 chỉ là 2,4oC. Nhưng nếu đưa các yếu tố "vòng lặp" vào, sẽ có ít nhất 0,6oC tăng lên, đủ để gây hậu quả nghiêm trọng.

"Viễn cảnh này vẫn chưa phải là tồi tệ nhất. Có một tỷ lệ nhỏ (khoảng 5%) là nhiệt độ sẽ tăng 3.5–4°C vào năm 2050."

Tham khảo: Science Alert, Daily Mail