"The Greatest Showman" và "La La Land": Tuyệt tác nào hay hơn?

Phúc Du, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 04/01/2018

Lượn một vòng trên mạng xã hội ở Việt Nam, chúng ta sẽ thấy nhiều người so sánh "The Greatest Showman" với "La La Land", cũng là một phim nhạc kịch và tạo nên cơn sốt vào năm trước. Thế, giữa hai bộ phim này, phim nào hay hơn?

The Greatest Showman là bộ phim được mong chờ bậc nhất trong năm 2017. Trình chiếu vào cuối năm, mùa lễ hội tưng bừng, thế nên bộ phim chính là một bữa tiệc thịnh soạn đầy màu sắc và không khí sum họp, đoàn viên. Cộng với những bài hát truyền cảm hứng và những màn trình diễn công phu, đẹp mắt, không khó hiểu khi The Greatest Showman được khán giả khắp nơi quan tâm bàn tán, khen ngợi.

Thế nhưng, ở đâu đó vẫn còn sự chưa hài lòng về tác phẩm của Michael Gracey, vì nhiều lý do. Nhưng nếu lượn một vòng trên mạng xã hội ở Việt Nam, chúng ta sẽ thấy rất nhiều người so sánh phim với La La Land, cũng là một phim nhạc kịch và tạo nên cơn sốt vào năm trước. Thế, La La LandThe Greatest Showman, phim nào hay hơn?

Vòng 1: Thể loại nhạc kịch

Cả The Greatest Showman lẫn La La Land đều có dính đến thể loại nhạc kịch và không hoàn toàn là phim nhạc kịch. So với Les Misérables (Những người khốn khổ), cả 2 phim đều chỉ là phim "lai với nhạc kịch" chứ không thuần chủng. Cụ thể, La La Land thuộc thể loại comedy, drama và musical. Còn The Greatest Showman thì là biography, drama và musical.

So cả hai phim với nhau thực chất cũng không đúng lắm nhưng với thói quen, sở thích xem các tác phẩm nhạc kịch chưa được thịnh hành ở Việt Nam thì việc khán giả xem phim này nghĩ đến phim kia cũng dễ hiểu, chưa kể sau La La Land thì phim nhạc kịch tiếp theo được chiếu ở Việt Nam và gây được tiếng vang chính là The Greatest Showman.

The Greatest Showman và La La Land: Tuyệt tác nào hay hơn? - Ảnh 1.

Trích đoạn The Greatest Showman

Nếu xét về phương diện nhạc kịch, không khó để thấy sự hoành tráng về dàn dựng, kĩ thuật biểu diễn của The Greatest Showman nhỉnh hơn. Hầu hết tiết mục nào cũng công phu, đòi hỏi ở diễn viên sự kết hợp nhuần nhuyễn của vũ đạo và ca hát, tạo không khí hoành tráng và cảm giác thỏa mãn, thậm chí một số tiết mục còn nổi cả da gà (như "Never Enough" hay "This is Me").

La La Land, thời lượng cho các tiết mục dàn dựng hoành tráng, tạo cảm giác choáng ngợp ít hơn. Nếu mở đầu bằng "Another day of Sun" rất công phu, khiến khán giả ngạc nhiên lên rồi tiếp theo là "Someone in the Crowd" cũng rất sôi động tưng bừng, đầy kĩ thuật thì về sau độ choáng ngợp giảm dần. Ca khúc gây ấn tượng nhất trong phim là "City of Stars" cũng chỉ là cảnh 2 diễn viên hát với nhau trong nhà.

The Greatest Showman và La La Land: Tuyệt tác nào hay hơn? - Ảnh 3.

Nhưng, không thể vì thế mà nói phần nhạc kịch của La La Land sơ sài. Không đông diễn viên, không nhiều vũ đạo, không có sân khấu để trình diễn những chiêu trò như đu dây, diễn xiếc nhưng La La Land lại có sự chuyên nghiệp trong cách quay, dựng. Nếu từng xem qua những đoạn clip hậu trường, bạn sẽ thấy đạo diễn Damien Chazelle "kinh khủng" thế nào khi chỉ đạo được diễn viên, máy quay phối hợp với nhau cực kì nhịp nhàng, chuẩn xác trong những đoạn phim one-take.

Ví dụ như trong ca khúc "Someone in the Crowd", đoạn Mia (Emma Stone) và các bạn bước từ trong nhà ra và chạy đến chỗ xe hơi, máy quay và các diễn viên phải canh đúng thời điểm để bước đi, nhảy rồi chạy sao cho thật khớp với nhạc, để cú máy long-take chuẩn đến từng nốt, từng frame hình. Hay như bài "Another day of Sun" cũng vậy, xem mới thấy Damien Chazelle vẫn khiến người ta nổi gai ốc vì sự sáng tạo của mình bằng những kĩ thuật rất khó chứ không bởi sự choáng ngợp của sân khấu.

La La Land | Behind the scenes "Someone in the crowd"

La La Land | Behind the scenes "Another day of Sun"

La La Land | Trích đoạn "A Lovely Night"

Ở bài "A Lovely Night", hai diễn viên chính Emma Stone và Ryan Gosling cũng thể hiện khả năng trình diễn điêu luyện, nhuần nhuyễn các động tác từ lúc nói đến lúc hát, lúc nhảy trong một shot quay dài. Thế nên, dù kém hơn The Greatest Showman về số lượng nghệ sĩ biểu diễn và hiệu ứng khói lửa, đạo cụ nhưng nhạc kịch của La La Land vẫn có nét quyến rũ rất đặc trưng và đáng nhớ. Cả hai phim có thể nói là bất phân thắng bại ở khoản này, ai thích phim nào hơn chắc là... tùy gout.

Vòng 2: Âm nhạc

Sẵn phần nhạc kịch thì sẽ nói luôn đến nhạc phim. Về lượng ca khúc, The Greatest Showman vẫn "hoành tráng" hơn La La Land ở số lượng. Nếu The Greatest Showman có đến 11 ca khúc có lời xuyên suốt bộ phim thì La La Land chỉ có 6 ca khúc và còn lại là nhạc nền (score). Mỗi ca khúc ở The Greatest Showman có nội dung gắn với tình tiết, chuyện phim, được nhiều nghệ sĩ khác nhau thể hiện và đa dạng về thể loại.

Khi nói đến âm nhạc của The Greatest Showman chính là nói đến thứ nhạc truyền cảm hứng mạnh mẽ, lột tả được tâm trạng nhân vật qua từng câu hát, kết hợp với những màn biểu diễn để tăng hiệu ứng thưởng thức. Còn âm nhạc của La La Land gói gọn hơn trong jazz, với sợi dây cảm xúc chủ đạo là tự sự, thế nên không cần phải xem hình, bạn vẫn có thể bay bổng trong "City of Stars".

The Greatest Showman và La La Land: Tuyệt tác nào hay hơn? - Ảnh 7.

Ngoài các ca khúc có lời, âm nhạc của La La Land còn kết hợp với những bản score (nhạc nền) được soạn riêng nhưng vẫn có thể tách bạch như những bản giao hưởng đầy cảm xúc mà xem phim xong, nằm trên giường nghe cả album OST bạn vẫn thấy thật mãn nguyện. Âm nhạc của La La Land giống như một phiên bản khác của bộ phim, phiên bản không cần hình ảnh mà mỗi khi nghe bạn vẫn có thể mường tượng và nhớ lại tất thảy những thăng trầm mà Mia và Sebastian đã trải qua.

"City of stars"

Còn ở The Greatest Showman thì khác, có thể do cách đánh giá của cá nhân người viết, nhưng âm nhạc của bộ phim này nếu chỉ nghe bạn sẽ thấy chưa đã. Cảm giác miên man trong "Million Dreams", sự thổn thức khi nghe "Never Enough", sôi sục của "This is Me" hay choáng voáng vì "The Greatest Show" chỉ "lên đỉnh" khi kết hợp với phần hình ảnh của phim. Thế mới nói do phần kĩ thuật trình diễn của The Greatest Showman quá tốt nên nó khiến khán giả có cảm giác như ngồi dưới hàng ghế của một nhà hát để xem một vở nhạc kịch trên sân khấu, và chỉ có ở đó, bạn mới được thăng hoa.

"This is me"

Vòng 3: Chuyện phim và cảm xúc

Ở "vòng đấu" thứ 3 này, chắc chắn La La Land sẽ knock-out The Greatest Showman. Nội dung của The Greatest Showman là về cuộc đời của người tổ chức trình diễn nổi tiếng nhất thế giới, giống như kiểu "ông tổ sân khấu" ở Việt Nam, thế nên câu chuyện chắc chắn là nhiều biến cố và kịch tính hơn.

Riêng nhân vật P.T. Barnum cũng đã quá "đồ sộ" bởi cách xây dựng thể hiện được đây không chỉ là một "ông bầu" đơn thuần mà còn là một nghệ sĩ, một nhà chiến lược và truyền thông tài ba. Bên cạnh những thăng trầm trong sự nghiệp, các biến cố xoay quanh Barnum Museum cũng là những điểm nhấn khiến bộ phim hấp dẫn hơn, chưa kể là câu chuyện gia đình của Barnum.

Có quá nhiều thứ để xem trong The Greatest Showman, khiến nó thực sự trở thành một bữa tiệc cho nhiều đối tượng nhưng cũng vì vậy mà "món" nào cũng chỉ có thể ăn lấy hương lấy hoa. Với thời lượng chưa đến 2 tiếng, cuộc đời của Barnum bị tóm lược để dành chỗ cho những màn trình diễn công phu, thế nên cảm xúc không được đẩy lên cao. Xem phim xong người ta chỉ nhớ đây là câu chuyện về "ông tổ nghề" chứ cụ thể như nào, hay có chi tiết nào ấn tượng, xúc động thì chưa.

The Greatest Showman và La La Land: Tuyệt tác nào hay hơn? - Ảnh 10.

Trong khi đó, câu chuyện của La La Land lại cực kì cảm xúc. Hành trình chạm tay đến ước mơ, có khi thất bại, có khi phải thay đổi của Mia và Sebastian cũng lắm chông gai, lắm sự biến. Song song là khối tình cảm nhiều thăng trầm của họ đan xen vào những thời điểm quan trọng trong cuộc sống.

Những quyết định dẫn đến sự chia đôi một cuộc đời chung chính là thứ khiến khán giả bước ra khỏi rạp và cứ mãi day dứt. Đây là điều mà bạn không thể tìm thấy ở The Greatest Showman. Điểm cộng còn nằm ở nhân vật, vì không quá nhiều nên các nhân vật đều được xây dựng đến nơi đến chốn, có được không gian riêng của bản thân cho khán giả rơi vào đó và đồng cảm.

The Greatest Showman và La La Land: Tuyệt tác nào hay hơn? - Ảnh 11.

Nói đơn giản thì câu chuyện của Barnum chỉ hoành tráng ở bề ngoài, nó vô tình khiến những màn biểu diễn trở thành hình ảnh minh họa cho một tác phẩm cố tình hướng đến sự vĩ đại. Còn câu chuyện của Mia và Sebastian đơn giản hơn nhưng lại chứa đựng những cảm xúc đắt giá, kết hợp với âm nhạc một cách điêu luyện để tạo ra những điểm rơi rất đúng trọng tâm, đúng thời điểm của cảm xúc, dẫn đến một cảm giác thỏa mãn về mặt điện ảnh khi đi hết chiều dài bộ phim.

Vòng 4: Dư âm về tình yêu

Dù cả 2 bộ phim đều hướng đến những định hướng về nghề nghiệp nhiều hơn, nhưng rõ ràng thứ tạo nên cảm xúc lại là tình yêu. Không đơn thuần là tình yêu đôi lứa, đó còn là tình yêu dành cho bản thân, cho ước mơ và cho những gì mình lựa chọn.

The Greatest Showman và La La Land: Tuyệt tác nào hay hơn? - Ảnh 12.

Người ta có thể mổ xẻ hàng trăm bài viết về thứ tình yêu dang dở khi đứng tại ngã ba giữa tình yêu đôi lứa và hoài bão trong La La Land, về những nỗi đau tác động đến sự trưởng thành trong cuộc đời của bất cứ ai khi bạn phải lựa chọn một điều và bỏ đi điều còn lại. Đến cuối cùng, khán giả cũng giống như chính Mia hay Seb, chơi vơi trong cái mông lung giữa ước mơ và tổ ấm của người mình ngỡ sẽ cùng đi đến cuối đời.

Nhưng đọng lại sau tất cả vẫn là những cảm xúc đẹp đẽ riêng dành cho một thời son sắc đã cùng nhau đi qua những ngày tuổi trẻ bão giông, đã khơi lên trong nhau những khát vọng và hun đúc nhau đi đến chỗ hoàn thành. Một thứ cảm xúc vừa chua xót, vừa buồn bã nhưng cũng thật thiêng liêng và quý giá mà bất cứ ai cũng có thể trải qua trong đời. Thế nên người ta mới nhắc đến La La Land như một bản nhạc tràn trề xúc cảm của tình yêu, của ước mơ và sự chấp nhận.

The Greatest Showman và La La Land: Tuyệt tác nào hay hơn? - Ảnh 13.

The Greatest Showman thì sao? Bộ phim mở màn bằng một khung cảnh biểu diễn hoành tráng như điểm bắt đầu của sự hoài niệm khi Barnum đã đứng trên đỉnh của thành công. Khi khán giả đang say đắm trong giai điệu sôi sục của "The Greatest Show" thì bộ phim đưa mọi người trở về thời điểm mà Barnum đang say mê cô tiểu thư Charity. Những giai đoạn thay đổi trong cuộc đời ông lần lượt được thể hiện nhưng không giai đoạn nào đẩy được cảm xúc đến tận cùng.

Tình yêu giữa Barnum và Charity không khiến khán giả thấy đẹp. Người ta chỉ cảm nhận được sự hả hê của Barnum khi chinh phục được cô tiểu thư giàu có, làm cô ấy nở mày nở mặt còn bản thân thì thích thú trước bố mẹ vợ, những người từng khinh thường ông. Còn phía Charity, người ta cũng không hiểu được vì sao cô yêu Barnum nhiều đến như vậy. Cái tình yêu dành cho hoài bão, cho lý tưởng của đối phương trong The Greatest Showman gần như là không thể ló dạng, trong khi La La Land lại làm rất tốt phần này.

The Greatest Showman và La La Land: Tuyệt tác nào hay hơn? - Ảnh 14.

Hay giống như mối quan hệ giữa Barnum và cô danh ca Jenny Lind cũng không tạo được sự đẹp đẽ nào. Thay vì vẽ ra sự lãng mạn đến khó khăn để rời đi giữa hai tâm hồn nghệ thuật, câu chuyện của họ dễ khiến người ta liên tưởng đến góc khuất của ngành biểu diễn, những cuộc phiêu lưu tình ái, những trò đổi chác để thành công. Nếu ý đồ của đạo diễn là muốn đưa lên phim những sự thật trần trụi nhưng lồng trong cảm xúc đẹp của âm nhạc thì có lẽ ông đã thất bại. Người ta cảm thấy thổn thức khi nghe Jenny Lind độc diễn trên sân khấu đấy, nhưng lại chẳng thể rung động khi tình cảm của cô bị khước từ, mọi thứ trôi tuột qua tay.

Cảm giác tình yêu duy nhất có thể đọng lại trong The Greatest Showman chính là mối quan hệ giữa Phillip Carlyle và Anne Wheeler, mối tình thể hiện sự khác biệt trong nhận thức và giai cấp. Sự ăn ý giữa Zac Efron và Zendaya khá ổn nhưng "đất" của cặp này quá ít, khiến cho cảm giác dẫn đến sự gắn kết giữa họ không đầy. Một "Rewrite the Stars" không thể diễn tả hết toàn bộ những rối ren trong lòng cả hai, khiến cho mọi thứ sau đó trở nên khá khiên cưỡng.

The Greatest Showman và La La Land: Tuyệt tác nào hay hơn? - Ảnh 15.

Chung cuộc

Nói tóm lại thì nếu xét về từng khía cạnh chuyên môn của cả hai phim thì khó mà nói được phim nào hơn phim nào. Mỗi tác phẩm đều có những dụng công riêng, những sáng tạo và ý đồ riêng của đạo diễn. Các diễn viên của cả hai phim đều có sự hy sinh, luyện tập và cố gắng hóa thân vào nhân vật rất đáng nể. Ví dự như Hugh Jackman, dù bác sĩ yêu cầu không được hát vì bệnh nhưng anh vẫn quyết tâm hát thật để cống hiến những màn biểu diễn đỉnh cao. Có chăng sự khác biệt, hơn thua giữa The Greatest ShowmanLa La Land chủ yếu nằm ở cảm xúc của người trải nghiệm.

The Greatest Showman và La La Land: Tuyệt tác nào hay hơn? - Ảnh 16.

Bằng câu chuyện được kể, bằng nhân vật được xây, bằng âm nhạc được dẫn dắt, khán giả muốn mang thứ cảm xúc nào về cất trong tim là chuyện của mỗi người. Với cá nhân người viết, The Greatest Showman là một trải nghiệm đáng tiền, nhưng xem xong, choáng ngợp xong, vỗ tay xong thì cũng nhanh chóng quên đi. Còn La La Land lại mang đến những suy nghĩ và cảm giác rất nặng kí mà có khi đến cả năm sau nhắc lại, vẫn còn tưởng như mình vừa khóc ngay tại phòng chiếu trong một buổi đêm tàn.