Những khốn cùng của dòng người tị nạn châu Âu phía sau tấm hình đạt giải "bức ảnh báo chí của năm"

Lương Hồng Phúc, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 22/02/2016

Đằng sau tấm ảnh "Hope for a new life" đạt vị trí cao nhất trong giải thưởng Nhiếp ảnh báo chí thế giới 2016 là những câu chuyện cảm động về cuộc khủng hoảng di cư Châu Âu.

Cuộc thi ảnh báo chí thế giới World Press Photo 2016 vừa kết thúc cách đây không lâu vào ngày 18/02. Giải thưởng "Bức ảnh của năm" cao quý thuộc về tấm ảnh có tên "Hope for a new life"- Hy vọng cho một cuộc đời mới của nhiếp ảnh gia người Úc Warren Richardson. Tấm ảnh mang đề tài về cuộc khủng hoảng di cư Châu Âu đã vượt qua hơn 80 nghìn bức ảnh từ 5.775 nhiếp ảnh gia xuất sắc trên thế giới, bằng ý nghĩa nhân văn và kỹ thuật chụp điêu luyện nghiễm nhiên giành giải nhất trong cuộc thi có uy tín lớn trong ngành nhiếp ảnh.

Những khốn cùng của dòng người tị nạn châu Âu phía sau tấm hình đạt giải bức ảnh báo chí của năm - Ảnh 1.

 Bức ảnh đạt giải cao nhất của World Press Photo có tên "Hope for a new life".

Chỉ cần hai màu đen và trắng, Hope for a new life khắc hoạ rõ nét tình cảnh của người tị nạn trong cái thế đi không ai nhận, về chẳng chỗ chôn lúc ấy. Những mảnh đời giằng co trong gam màu đối nghịch, tạo sự ám ảnh đến rợn người mà lại có khả năng khiến bất cứ trái tim nào, nếu hiểu về câu chuyện sau tấm ảnh ấy, bất giác nước mắt phải lăn dài trên má.

"Nếu tôi dùng đèn flash, cảnh sát biên giới Hungary sẽ phát hiện ra vị trí của hai cha con họ", Richardson chia sẻ lý do về độ sáng trong tác phẩm của mình, tuy là một khuyết điểm khiến tấm hình không còn rõ nét, thế nhưng lại mang đậm tính nhân đạo của người cầm máy. Người sao của chiêm bao là vậy. Nhiếp ảnh gia có tâm hồn đẹp, tác phẩm tự nhiên sẽ phảng nét nhân văn.

Hope for a new life được Richardson chụp vào ngày 28/08 tại khu vực thị trấn Röszke, Hungary, gần biên giới giáp ranh với Serbia. Trong tấm ảnh, một người đàn ông đang cố cùng con mình chui qua hàng rào thép gai để sang lãnh thổ Serbia, hoàn thành một chặng trong giấc mơ Châu Âu. Bản thân nhiếp ảnh gia Richardson chẳng hề biết đến sự tồn tại của tác phẩm siêu đắt giá, chỉ khi ông trở về Budapest chỉnh sửa ảnh, Hope for a new life mới lộ diện.

Những khốn cùng của dòng người tị nạn châu Âu phía sau tấm hình đạt giải bức ảnh báo chí của năm - Ảnh 2.

 Nhiếp ảnh gia người Úc Warren Richardson.

Chính phủ Hungary khi ấy vì số lượng người tị nạn kéo qua biên giới hai nước quá đông đã quyết định dựng hàng rào thép gai nhằm ngăn chặn lượng người nhập cư. Thủ tướng Viktor Orban trực tiếp chỉ đạo xây dựng cái hàng rào dài 175 km, thứ mà người tị nạn căm hận gọi tên là "bức tường phi nhân tính", được dùng để cách li những con người khốn khổ khỏi lãnh thổ Châu Âu.

Người đàn ông ấy, cùng hàng nghìn con người đau khổ khác, rồng rắn kéo nhau vượt qua biển Địa Trung Hải, vĩnh biệt nơi chôn rau cắt rốn Syria vốn đang là bãi chiến trường của hàng loạt phe phái, là cái bánh bị chia 5 xẻ 7 mà phe nào cũng muốn giành miếng to hơn. Đất nước hoang tàn, nhà tan cửa nát, đất cát trộn với máu xương, con người chẳng còn một miếng bình yên dù chỉ một ngày. 

Trẻ con nhìn bố mẹ chết, người già nhìn con trẻ ra đi, số phận buộc họ phải lên đường đi tìm một nơi nào đó để làm lại cuộc đời, để con cháu họ được đi học, được ngây ngô hồn nhiên đúng như những gì chúng đáng được hưởng. Sự kiện nội chiến "Arab Spring" - Mùa xuân Ả Rập chẳng có cây có hoa, chỉ từng con người ngã xuống vì những lý tưởng phi nhân loại của chính phủ, của quân nổi loạn, của IS.

Những khốn cùng của dòng người tị nạn châu Âu phía sau tấm hình đạt giải bức ảnh báo chí của năm - Ảnh 3.

 Bức tường hàng rào thép gai dài 175 km tại biên giới Hungary - Serbia.

Cha con nhân vật trong bức ảnh, có thể nói là một trong những người khổ nhất trong cuộc khủng hoảng di cư Châu Âu. Bởi, thời điểm chụp bức ảnh, sự kiện cậu bé Syria bên bờ biển Aylan Kurdi chưa xảy ra, những người tị nạn trong mắt truyền thông và cả thế giới vẫn chỉ là một nhúm người Ả Rập gào thét phía biên giới các nước Châu Âu đòi được nhập tịch. Hàng nghìn con người chìm dưới đáy Địa Trung Hải trong im lặng, hàng chục nghìn con người hoá thành tro bụi tại Syria mà chẳng ai biết đến, hàng nghìn đứa trẻ gào khóc phía biên giới, mà nào có ai quan tâm?

Cái hàng rào thép gai trong bức ảnh, tượng trưng cho sự thờ ơ của các nước Châu Âu lúc bấy giờ, kiên quyết nói không với sự khoan dung đối với những con người khổ đau. Nếu Châu Âu là một mái nhà kiên cố ấm áp, thì Hungary lúc ấy đóng vai một gã bảo vệ vô tình. Gã mặt sắt ấy chẳng cần biết tại sao người Ả Rập lại kéo đến Châu Âu, chỉ cần biết một điều, đã có 150.000 người bước vào Châu Âu tính cho tới lúc đó rồi, không ai được phép vào thêm nữa.

Những khốn cùng của dòng người tị nạn châu Âu phía sau tấm hình đạt giải bức ảnh báo chí của năm - Ảnh 4.

 Người tị nạn lúc bấy giờ nào có được ai quan tâm đến.

Ở thời điểm hiện tại, cuộc khủng hoảng vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, dù cho sau sự kiện Aylan Kurdi, nhiều nước như Đức, Áo đã mở cửa đón người dân tị nạn. Cũng chẳng biết số phận hai cha con trong tấm ảnh đã đi đâu về đâu, chỉ biết mong rằng, đứa trẻ mà người đàn ông kia cố sức đưa qua hàng rào thép, cũng là niềm hy vọng của ông, hãy chói loà, rọi sáng ở một cuộc đời mới mà thôi.