Khoác trên mình những bộ quần áo mát mẻ khêu gợi, làm việc trong những ki-ốt cửa kính trong suốt đặt dọc trên các tuyến đường được trang trí bằng biển hiệu đèn LED mập mờ, những tưởng các cô gái Đài Loan này đều là nhân viên hành nghề buôn hoa bán phấn tại các "kĩ viện" ven đường. Đúng là đối tượng khách hàng chính của các cô phần lớn đều là đàn ông, nhưng những "nàng Tây Thi" này không bán dâm, họ chỉ bán trầu cau mà thôi.
Ngành công nghiệp mỹ nữ bán trầu cau tại Đài Loan.
Tục ăn trầu cau không phải là hiếm ở Châu Á, nhưng ở Đài Loan lại khác, thói quen ăn trầu cau ở đất nước này lại rất thịnh, đến nỗi có hẳn một ngành công nghiệp bán trầu chuyên nghiệp cho các khách hàng có nhu cầu. Cau ở xứ Đài là mặt hàng nông sản được tiêu thụ nhiều thứ hai chỉ sau gạo. Người sử dụng thức quả này đa phần là các nam tài xế chạy đường dài cần duy trì sự tỉnh táo, một quả cau nhai sống đối với họ có tác dụng ngang ngửa với khoảng 6 cốc cà phê, vì vậy, trầu được cánh lái xe rất ưa chuộng.
Nắm bắt được nhu cầu cấp thiết ấy, hàng loạt những quầy bán trầu cau mọc lên nhanh như nấm ở dọc các tuyến quốc lộ với hình thức bổ cau, têm trầu truyền thống. Tuy nhiên, mọi thứ bắt đầu chuyển hướng từ cuối những năm 1960. Khi ấy có một tiệm bán trầu có tên Shuangdong tại hương Quốc Tính, tỉnh Nam Đầu đã nghĩ ra cách sử dụng các mỹ nữ ăn vận khêu gợi nhằm lôi kéo nam tài xế tới mua trầu ở quầy mình. Ý tưởng này nhanh chóng lan rộng và nở rộ, nhà nhà, người người thi nhau dùng gái đẹp bán trầu, đến nỗi đến những năm cuối thế kỷ 20, gần 70% số tiệm bán trầu dọc các đường quốc lộ đã chuyển sang hình thức "Mỹ nữ bán trầu cau".
Các cô gái ăn vận mát mẻ nhằm thu hút khách hàng là nam tài xế.
Các cô gái làm nghề này đa phần xuất thân từ những gia đình không khá giả mấy, không được học hành nhiều nên không có cơ hội chen chân vào các ngành nghề công sở. Tuy nhiên đây không có nghĩa là họ bị dồn vào bước đường cùng mới lựa chọn nghề bổ cau bán trầu này, bởi nhiều thống kê, báo cáo đã cho thấy, mức lương dành cho những cô mỹ nữ bán trầu không hề thấp, thậm chí có phần còn nhỉnh hơn một nhân viên văn phòng chính cống, rơi vào khoảng 40.000 Tân Đài Tệ (khoảng 27 triệu đồng) so với chỉ 26000 TWD (khoảng 17 triệu đồng) cho 8 tiếng ngồi công sở một ngày.
Đã có một thời gian các mỹ nữ bán trầu bị hiểu nhầm là gái bán hoa do trang phục họ ăn mặc khá mát mẻ, thậm chí trong quá khứ họ còn được tự do thích gì mặc nấy, tạo ra nhiều khung cảnh không mấy đẹp mắt với hàng loạt cô gái hở hang đon đả đón khách hàng nam giới. Thế nhưng sự thật là các cô chỉ bán trầu, không bán thân, tiền trao, trầu nhận. Các cô được giao nhiệm vụ cắt tỉa trầu cau, đặt vào trong các túi bóng giao cho khách hàng, đôi lúc cần thiết thì giải thích cho họ về quy trình làm ra túi cau.
Những cô mỹ nữ này chỉ có nhiệm vụ tỉa cau, têm trầu, khuyến mãi thêm ít "dịch vụ nhìn ngó" chứ không hề bán dâm.
Cũng bởi đặc thù công việc phải ăn mặc quyến rũ để thu hút khách hàng, các mỹ nữ này thường xuyên có nguy cơ gặp nguy hiểm trong lúc làm việc. Rất nhiều trường hợp nhân viên bán trầu cau bị khách hàng say xỉn hành hung, quấy rối hoặc trêu ghẹo bằng từ ngữ suồng sã, nhất là khoảng thời gian được tự do ăn mặc. Năm 2007, chính quyền Đài Loan đã ra quy định bắt buộc các "PG" trầu cau phải sử dụng trang phục kín đáo hơn với phần mông, ngực và vòng bụng phải được che chắn cẩn thận.
Có một vấn đề là, ăn trầu cau nhiều ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe. Mỗi năm có khoảng 5.400 người Đài Loan được chẩn đoán mắc các chứng bệnh hoặc triệu chứng tiền ung thư vòm họng, 80-90% trong số đó là những người có thói quen nhai trầu cau. Chính quyền Đài Loan đã có biện pháp kìm hãm ngành trầu cau bằng cách khuyến khích người dân loại bỏ cây cau và trồng trọt các loại cây hoa màu khác. Tuy nhiên, ngành công nghiệp này có thể đang có xu hướng đi xuống nhưng một khi các tài xế vẫn còn nhu cầu nhai trầu, các ánh đèn neon dọc đường vẫn sẽ bật sáng, các cô gái vẫn cứ đon đả đón khách trong những bộ trang phục kiệm vải.
Thường những cô này sẽ mặc váy áo ngắn để quyến rũ nhất có thể.
Đon đả đón khách hàng mua trầu trong bộ trang phục mát mẻ.
Cách ăn mặc, lối trang trí ki-ốt khiến nhiều người nhầm tưởng rằng các cô đang hoạt động mại dâm công khai.
Từ năm 2007, chính phủ Đài Loan đã quy định các cô gái bán trầu phải ăn mặc kín đáo hơn.
Tổng cộng có gần 100.000 hàng bán trầu trên khắp Đài Loan, hết 60.000 trong số đó là cửa hàng Mỹ nữ bán trầu.
Thậm chí các tiệm còn được trang trí bằng những hình ảnh gợi cảm.
Các cô gái làm công việc này phải đối mặt với nhiều nguy cơ bị hành hung, quấy rối bởi các khách hàng không ý tứ.