Indonesia chủ trương kỳ thị, cộng đồng LGBT sống trong sợ hãi vì bị tấn công

Wang Ling, Theo Trí Thức Trẻ 17:00 15/03/2016

Cộng đồng LGBT tại Indonesia chưa bao giờ rơi vào tình trạng khủng hoảng như hiện nay.

Cộng đồng LGBT Indonesia đang rơi vào tình trạng báo động đỏ khi chính quyền nước này chủ trương kỳ thị đồng tính.

Trong tình trạng phải đối mặt với sự thù ghét và vô số những lời chỉ trích đến từ chính quyền, các nhà hoạt động cho quyền LGBT tại Indonesia đã phải thiết lập đường dây nóng và nhà tạm lánh, cùng lúc đó xóa nhiều người khỏi danh sách bạn bè trên MXH và cả những website có thể khiến họ bị lộ thông tin và bị tấn công bạo lực.

Indonesia chủ trương kỳ thị LGBT

Cộng đồng người đồng tính, song tínhchuyển giới (LGBT) của Indonesia có lịch sử hoạt động trong nhiều thế kỷ và cũng đã từng bị tấn công trước đây, nhưng thường mỗi đợt tấn công chỉ kéo dài từ một tới hai ngày. Theo lời của các nhà hoạt động vì quyền LGBT, lần này, các luận điệu chống lại cộng đồng LGBT đã bắt đầu từ hai tháng trước, khiến họ phải sống trong sợ hãi suốt thời gian qua.

"Đây là lần đầu tiên nó [sự tấn công] kéo dài như thế này," Dede Oetomo cho biết. Là một nhà hoạt động hàng đầu của Indonesia, ông Oetomo đã sáng lập ra một trong những tổ chức vì quyền LGBT lâu đời nhất của đất nước, GAYa NUSANTARA, vào năm 1987.

Indonesia chủ trương kỳ thị, cộng đồng LGBT sống trong sợ hãi vì bị tấn công - Ảnh 1.

 Bộ trưởng bộ Giáo dục Nâng cao kêu gọi cấm LGBT trong các trường đại học, truyền hình quốc gia cấm phát sóng các chương trình coi LGBT là "bình thường", các chính trị gia kêu gọi trừng phạt quan hệ đồng tính - cộng đồng LGBT Indonesia đang ở trong tình trạng báo động đỏ.

Ông Oetomo cho biết các cuộc tấn công đã bắt đầu từ tháng 1 năm nay khi Bộ trưởng bộ Giáo dục Nâng cao Muhammad Nasir phát biểu rằng người LGBT nên bị cấm cửa trong ký túc xá các trường đại học.

Ủy ban phát thanh truyền hình quốc gia cũng nhấn mạnh về việc cấm các chương trình phát thanh và truyền hình được "bình thường hóa" các hành vi của cộng đồng LGBT, với lập luận rằng điều này nhằm mục đích bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên - những người "dễ bị lôi kéo bắt chước những hành vi LGBT lệch lạc".

Hiệp hội Tâm thần Indonesia phân loại đồng tính, song tính và chuyển giới vào mục rối loạn tâm thần. Cùng lúc đó, Bộ trưởng bộ Quốc phòng Ryamizard Ryacudu coi phong trào hoạt động vì quyền LGBT như một cuộc "chiến tranh gián tiếp" với âm mưu tẩy não người Indonesia.

Các nhà phê bình chỉ trích việc các nhóm LGBT nhận được những khoản "tài trợ nước ngoài" bao gồm từ các tổ chức Liên Hợp Quốc như UNAIDS hoặc các chính phủ và quỹ phương Tây.

"Chúng tôi bị coi như một mối nguy hiểm cho sự sống còn của dân tộc," ông Oetomo cho biết qua điện thoại từ Surabaya – nơi đặt trụ sở của GAYa NUSANTARA. "Điều đó thật là vô lý. Như thế họ đang nói về một cuộc chiến vậy."

Các giới chức chính phủ liên tục từ chối bình luận về vụ việc.

Tình trạng người LGBT bị quấy rối đã bắt đầu xuất hiện ở Indonesia buộc các nhóm LGBT phải thành lập nhà tạm lánh và cũng như kế hoạch sơ tán trong trường hợp cần thiết.

Tại Yogyakarta, phía đông nam Jakarta, vào ngày 23/2 vừa qua, một số nhà hoạt động LGBT đã bị cảnh sát hành hung thô bạo. Phía cảnh sát trả lời rằng họ chỉ đang ngăn cản các nhà hoạt động nói trên tổ chức biểu tình để tránh đụng độ với một nhóm Hồi giáo cực đoan cũng đang biểu tình chống LGBT ở gần đó.

Cũng tại Yogyakarta, một trường nội trú Hồi giáo cho phụ nữ chuyển giới đã bị đóng cửa cách đây hai tuần.

Mức độ tấn công cộng đồng LGBT là "chưa từng thấy"

Đồng tính không bị coi là bất hợp pháp ở Indonesia, mặc dù một số chính trị gia đã lên tiếng kêu gọi hình sự hóa quan hệ tình dục đồng tính.

Những nhóm thiểu số về tình dục và giới tính ở Indonesia đã sống trong tình trạng "tạm bợ", khi mà những xung đột về quyền LGBT luôn sẵn sàng bùng nổ bất cứ lúc nào, suốt một thời gian dài. Sự nhẫn nhịn cũng như tính đa nguyên (trong tôn giáo, chính trị: tồn tại nhiều tư tưởng khác nhau) đã bảo vệ họ khỏi bạo lực, cùng với đó là suy nghĩ việc hành xử thận trọng sẽ giúp họ được an toàn."

Indonesia chủ trương kỳ thị, cộng đồng LGBT sống trong sợ hãi vì bị tấn công - Ảnh 2.

Nhiều nhóm cực đoan anti-LGBT đã được lập ra, tấn công vào các khu nhà ở để tìm kiếm các cặp đôi đồng tính

"Xét về mức độ, những gì chúng ta đang chứng kiến là chưa từng thấy từ trước đến nay," Knight viết trong một email gửi từ Indonesia, nơi ông đang ghi chép lại những vi phạm nhân quyền trong bối cảnh những luận điệu chống LGBT ngày càng gia tăng. "Trong khoảng thời gian này, các quan chức chính phủ thậm chí còn bùng lên những luận điệu thù ghét hằn học."

Một số quan chức – bao gồm Thống đốc Jakarta Basuki Tjahaja Purnama và Bộ trưởng bộ An ninh Luhut Panjaitan – đã lên tiếng bảo vệ cộng đồng LGBT.

"Bất cứ ai, làm việc ở nơi nào, anh ta hoặc cô ta vẫn là công dân của Indonesia. Họ cũng có quyền được bảo vệ," dẫn lời ông Pandjaitan trong Tờ báo Jakarta. Điều này cũng xoa dịu được phần nào những người bảo vệ quyền LGBT.

Kevin Halim, một phụ nữ chuyển giới và là nhà hoạt động người Indonesia tại Mạng Lưới Người Chuyển Giới châu Á – Thái Bình Dương, thể hiện sự quan ngại về việc các "chuyên gia" thúc đẩy những liệu pháp "chữa đồng tính" mà không xem xét đến những thiệt hại về tâm lý họ có thể gây ra.

Cộng đồng LGBT thu mình trên MXH, lập nhà tạm lánh và đường dây nóng

Nhiều người LGBT tại Indonesia đang thận trọng hơn khi chia sẻ thông tin trên các MXH: "Bình thường tôi rất cởi mở về bản thân," Safir Soeparna – nhân viên của Apcom, một tổ chức về tình trạng HIV ở người đồng tính nam tại Bangkok – cho biết. "Giờ tôi cảm thấy khá lo ngại, liệu sẽ có ai dùng thông tin này để gây sức ép cho tôi hay không? Vì vậy tôi đã kiểm tra lại danh sách bạn bè của mình và xóa những người tôi không hoàn toàn tin tưởng."

Indonesia chủ trương kỳ thị, cộng đồng LGBT sống trong sợ hãi vì bị tấn công - Ảnh 3.

 Trái ngược với hình ảnh cách đây 3 năm đầy vui tươi này, cộng đồng LGBT Indonesia giờ đang sống trong lo lắng từng ngày vì sợ bị tấn công bạo lực

Một số nhà hoạt động cũng đã có những chiến lược khác để bảo vệ bản thân mình. "Nhân viên của tôi còn không đến văn phòng nữa. Điều đó quá nguy hiểm. Chúng tôi chưa bao giờ phải đối mặt với điều này," ông Oetomo cho biết.

Các nhân viên của Arus Pelangi, tổ chức cung cấp trợ giúp pháp lý cho người LGBT, thiết lập một nhóm cộng tác trong tháng 1 vì cảnh sát không thể đảm bảo an toàn cho họ. Đồng thời họ cũng khởi động một đường dây nóng dành cho những người LGBT cần giúp đỡ.

"Họ đã dồn chúng tôi vào chân tường," bà Rustinawati cho biết qua điện thoại từ Jakarta. "Cộng đồng LGBT đã bị xô đẩy và đang sống trong sợ hãi vì các tuyên bố của Chính phủ, Bộ trưởng, Thị trưởng, đều kêu gọi xã hội hãy cảnh giác với chúng tôi."

Nguồn: Yahoo News