Tết "chán"? Ăn cố và những người xa lạ lì xì "sao mà ít thế?"

VƯƠNG THỦY TIÊN, Theo Helino 13:44 09/02/2019

Tết và sự đủ đầy là lúc thích hợp để tưởng nhớ, biết ơn và yêu thương những người đáng kính từng sống đời khốn khổ, kiên trì và cần mẫn vượt qua để đời sau của họ xây được nhà cấp bốn, rồi đời sau sau xây nhà tầng, đến đời sau sau sau đủ đầy tới độ chả thèm xây nhà nữa.

Tết nhạt?

Tết nhạt không phải vì nó nhạt đi, mà bởi sự mong đợi của thiên hạ đã muôn phần xẹp bớt. Năm xưa chờ Tết để xem hài, giờ lên mạng sợt một nhát được cả nắm. Năm xưa Tết mới được ăn ngon, giờ thừa thãi chỉ thi nhau nhịn. Năm xưa mong Tết để nhận lì xì, giờ nhớ ra bố mẹ mình cũng phải lì xì con người ta coi như hoà vốn - và đến khi nhận ra điều đó thì đã đủ già để cảm thấy ngài ngại khi có người mừng tuổi, lại mơ màng viễn cảnh chính mình cầm xắc đi phát vốn bọn trẻ con.

Tết còn gì?

Chuyện ăn cố. Những ngày xưa ăn cố là một diễm phúc. "Cố mà ăn hết đi" là lời mời gọi quyến rũ. Thời nay bỏ thì tiếc, ăn nốt thì dăm hôm nữa sợ chẳng ních vừa quần. Nhưng giữa những sự sợ béo và sự tiếc là một sự tiếc khác.

"Giá cụ nhà mình còn sống, những dịp thế này cụ thích lắm đấy. Cụ ăn uống sành sỏi và tinh tế, nhưng nhiều lúc nhà còn chẳng có gì để cụ ăn."

Nhắc đến ông bà tổ tiên là thông lệ của Tết. Mà chẳng cần đợi Tết đó đã luôn là chủ đề ưa thích trong những gia đình mà ông bà còn đủ. Nhưng Tết có những cảm xúc khác. Tết và sự đủ đầy là lúc thích hợp để tưởng nhớ, biết ơn và yêu thương những người đáng kính từng sống đời khốn khổ, kiên trì và cần mẫn vượt qua để đời sau của họ xây được nhà cấp bốn, rồi đời sau sau xây nhà tầng, đến đời sau sau sau đủ đầy tới độ chả thèm xây nhà nữa.

Tết chán? Ăn cố và những người xa lạ lì xì sao mà ít thế? - Ảnh 1.

Chuyện những người lớn lì xì.

Có những người, cuộc đời bạn chỉ gặp mỗi năm một lần đúng dịp Tết. Bạn có thể buồn chán. Bạn có thể cười nói xã giao với họ chỉ do mục đích lì xì. Họ có thể hỏi bạn lấy chồng chưa, đi làm ở đâu, tháng bao nhiêu tiền. Đó là khoảng trống thế hệ và thế giới quan. Bạn có thể nói đùa "gặp họ hàng chẳng biết chào bằng ông hay bằng anh".

Đó là lỗi của thời gian và không gian.

Cơ mà, chẳng phải tự dưng những người lớn ấy xuất hiện tại nhà bạn mỗi dịp Tết, hay bố mẹ bạn nhất quyết đưa con tới nhà họ chỉ để ăn vài cái kẹo rồi về. Chú này năm xưa học cấp 2 cùng bố, họ đã cùng sẻ chia một tuổi thơ vô lo hạnh phúc. Các cô này là bạn Đại học của mẹ, biết đâu chính hội bạn ấy đã cùng mẹ bàn tán về anh chàng mỗi cuối tuần tới đón mẹ đi chơi, "chấm" anh chàng đó để sau này anh ta gọi bạn bằng con gái.

Tết chán? Ăn cố và những người xa lạ lì xì sao mà ít thế? - Ảnh 2.

Có ông bác nhà tít mãi cuối xóm chẳng biết liên quan gì mà năm nào bố mẹ cũng bắt bạn mang chè mang bánh tới thăm. Lì xì thì một tẹo. Có lẽ, trong lúc bạn mải xì xào với mấy đứa em, họ đang ôn lại cái ngày định mệnh mấy chục năm về trước khi bố bạn tắm sông suýt chết đuối, không có ông bác liều mình vớt kịp chắc bạn đã chẳng bao giờ được nhìn ánh sáng.

Bà cụ xóm bên năm xưa về nhà bạn làm dâu, chẳng may chồng mất sớm, bà vẫn ở lại với gia đình 3 năm rồi mới đi bước nữa. Dù chẳng còn liên quan nhưng hễ có dịp hai ông bà lại tất tưởi qua giúp như người nhà. Từ khi biết chuyện đó, bạn sẽ không muốn nhớ về họ như "hai ông bà năm nào cũng lì xì 20K" nữa.

Thôi, lớn rồi. Thay vì chờ tiền hay than thở Tết nhạt, dành thời gian đó biết ơn những tấm ảnh đen trắng nghi ngút khói hương, và câu chuyện sau mỗi người lớn lì xì.

Tết chán? Ăn cố và những người xa lạ lì xì sao mà ít thế? - Ảnh 3.