Thành phố vàng El Dorado và bí ẩn kho báu vô giá

Việt Anh, Theo 00:01 30/01/2012

Các công trình kiến trúc nơi đây đều được dát vàng ròng: từ cung điện nhà vua cho tới nhà dân bình thường...

Thành phố vàng El Dorado được đặt theo tiếng Tây Ban Nha (có nghĩa là “dát vàng”). Đây là đất nước của người Inca cổ đại tại vùng rừng rậm Amazon. Theo những nhà thám hiểm Tây Ban Nha kể lại, tên đất nước này xuất phát từ tục lệ dát vàng lên người nhà vua trị vì vương quốc lúc bấy giờ.


Theo chân truyền thuyết và những dấu vết…

El Dorado là thành phố huyền thoại nổi tiếng nhất trong lịch sử loài người. Nó được cho là nằm lẩn khuất sâu trong rừng già Amazon, được bảo vệ cực kì cẩn mật, rất khó tìm đường vào và một khi vào thì sẽ không thể trở ra được. Câu chuyện xung quanh đế chế này bắt nguồn từ lời kể của những nhà thám hiểm Tây Ban Nha đầu tiên khám phá châu Mĩ như Francisco de Orellana, Juan Martinéz (vốn là công nhân sửa đường trong cuộc thám hiểm của Diego de Ordaz đã bị bỏ rơi), Luiz Daza - một viên sĩ quan Tây Ban Nha miêu tả về vùng đất nằm giữa sông Amazon và hồ Parima ở Guyana. 

Theo đó, El Dorado là một vương quốc giàu có hùng mạnh của nền văn minh Inca cổ xưa. Tại thủ đô Manoa của đế chế này, các công trình kiến trúc vô cùng lộng lẫy, tất cả đều được dát vàng ròng từ cung điện, cầu đá, tượng thần Mặt trời Inti đến nhà dân bình thường... Thành phố giàu có đến nỗi, buổi tối trước khi ngủ, vua trị vì dát vàng lên người, sáng hôm sau thì rửa sạch. Vàng thậm chí còn bị coi là kim loại bình thường, người ta sử dụng chỉ với mục đích thờ thần linh bởi ánh sáng của nó được người Inca coi là “mồ hôi của Mặt trời”.


Truyền thuyết càng có cơ sở hơn khi vị vua Atahualpa của người Inca đã chất đầy các đồ vật bằng vàng trong ngôi nhà dài 6,7 mét, rộng 5,2 mét, cao chạm tay người để hi vọng có thể đổi lại tự do cho mình khi ông bị bắt làm tù binh trong một trận đánh năm 1533. Liệu các bạn có tin rằng số vàng nơi đây nhiều như thế không?

... đến những cuộc phiêu lưu mạo hiểm truy tìm kho báu

Dưới sức lan truyền của thực dân Tây Ban Nha sau khi tiêu diệt nền văn minh cổ đại châu Mĩ, tin tức về thành phố - nơi mà người dân dát vàng lên người nhanh chóng bay tới mọi ngõ ngách thế giới. Điều này làm sôi máu bất cứ những ai hám vàng; liên tiếp những cuộc khám phá rừng Amazon nổ ra với mong muốn tìm thấy kho báu khổng lồ.


Năm 1540, Gonzalo Pizarro, vị thống lĩnh khu vực Quito ở Bắc Ecuador ngày nay, đã tập hợp hơn 340 binh lính và 4.000 thổ dân da đỏ đi tìm El Dorado. Gonzalo phải bỏ cuộc sau khi nhiều người trong đoàn chết vì đói, bệnh tật và bị thổ dân trong rừng Amazon tấn công. Sau một thời gian dài chống chọi với bệnh dịch, nạn đói và bị tấn công bởi những người bản xứ, cuộc thám hiểm đã bị hủy bỏ. Đó là chuyến đi đầu tiên mà người ta ghi lại.

Chuyến thám hiểm tiếp theo là của nhà thám hiểm Gonzalo Jiménez Quesada. Cùng với 800 người thân cận, ông đã lang thang khắp cánh rừng Amazon và cuối cùng chỉ tìm ra... Columbia ngày nay. Đó là một chuyến đi “địa ngục”, sau chuyến thám hiểm chỉ còn 166 người sống sót, phần lớn bị chết bởi rắn, hổ, báo, côn trùng cắn... Kết quả thu được vẫn là một con số 0 tròn trĩnh.


Mãi mà không tìm được El Dorado, nhà thám hiểm Hernán Pérez de Quesada đã bắt những người nô lệ thổ dân da đỏ tát cạn hồ trong vòng 3 tháng. Khi mực nước chỉ còn 3m, người ta đã lấy lên chỉ được khoảng 12 đến 15kg vàng. Chẳng lẽ đây lại là lượng vàng “khổng lồ” của đế chế Inca?

Hàng nghìn người đã đổ đi tìm vàng và kết quả không mấy khả quan. Hầu hết, họ đều phải trả giá cho lòng tham và mơ ước về thành phố vàng trong truyền thuyết. Trong đó, phải kể đến nhà thám hiểm và là đại tá người Anh Percy Fawcett (nguyên mẫu của nhân vật Indiana Jones trong phim ảnh). Ông đã gọi El Dorado là “Thành phố Z” và đã tới Nam Mĩ để thực hiện nhiệm vụ của Hội Địa chất Hoàng gia Anh. Ông đã đọc được báo cáo của những người lính đánh thuê và đã vạch ra kế hoạch thám hiểm. Nhưng trong khi ông đang chuẩn bị tiến vào “Thành phố Z” thì chiến tranh nổ ra khiến mọi việc gián đoạn. Sau này, ông có quay trở lại Nam Mĩ năm 1920 và 1925 để tìm kiếm, kết quả là năm 1927 ông mất tích. Đến nay, chuyện này vẫn là điều bí ẩn chưa có lời giải.

Vậy ra “thành phố vàng” chỉ là tin đồn và truyền thuyết?

Câu trả lời gần đây nhất của các nhà khoa học là không! Họ tin rằng có sự tồn tại của thành phố này dù chưa ai khám phá ra nó. Những bằng chứng đã được đưa ra bởi 3 nhà khoa học đã tiến gần tới việc chứng minh sự tồn tại của El Dorado. Tạp chí Antiquity vừa đăng bài viết của họ về việc phát hiện hơn 200 vết tích lớn của El Dorado tại khu vực lòng chảo Amazon, gần biên giới Brazil và Bolivia.

Bản đồ El Dorado.


Những bằng chứng mới được các nhà khoa học tìm ra gần đây. 

Theo đó, từ trên cao, trông các vết tích này như những đường kẻ địa lí được khắc vào mặt đất. Nhưng các nhà khoa học cho rằng những đường nét này là phần còn lại của các con đường, cây cầu, hào sâu, đại lộ và quảng trường. Tất cả đều từng là nền tảng của một thành phố văn minh nằm trong khu vực dài hơn 200km. Thành phố này có thể đã là nơi sinh sống của một cộng đồng dân cư khoảng 60.000 người và những tàn tích mới được phát hiện có niên đại từ năm 200 - 1283. Đó được xem là một phát hiện đáng kinh ngạc do lâu nay, không ít người vẫn nghi ngờ sự tồn tại của El Dorado.