Marseille - thành phố cảng ở nước Pháp được xây dựng từ năm 600 TCN đã trở thành điểm dừng chân lý tưởng của các làn sóng di dân. Đây cũng được coi là thành phố trung tâm của vùng Địa Trung Hải. Với dân số hơn 850.000 người, Marseille còn là mái nhà chung của hơn 100.000 người ngoại quốc đến từ các quốc gia như Algeria, Italy, Tunisia, Marocco, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều quốc gia khác nữa. |
Khải Hoàn Môn (Porte d’Aix) cổ kính của thành phố Marseille được xây dựng vào năm 1823 và hiện đang là địa điểm tập trung của rất nhiều cộng đồng dân di cư. Trong khi Pháp vẫn chưa chính thức công nhận bất kỳ một sự khác biệt về sắc tộc nào giữa các nhóm dân cư, Marseille lại không hề phớt lờ những khác biệt mang tính đặc trưng đó. Từ lâu, thành phố cảng Marseille đã được xem như một trong những thành phố đa sắc tộc nhất ở Tây Âu. Trên thực tế, chính quyền ở đây đã thực hiện các chính sách khuyến khích sự đa văn hóa, đồng thời tổ chức các cộng đồng như Marseille Espárance hay “Marseille Hope”. Đây được ví như một liên minh nhỏ của những người đứng đầu các nhóm cộng đồng người Do Thái, người theo đạo Cơ đốc, Phật giáo và Hồi giáo. Hơn thế nữa, chính những tổ chức này đã góp phần giữ cho thành phố luôn được yên bình. |
Sự ồn ào, náo nhiệt của những con người nơi đây được tìm thấy ở hầu khắp các quán cà phê trên đường phố. Thành phố Marseille từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng cho không ít những bậc thầy kể truyện như Alexandre Dumas - người đã ngồi trò chuyện với người dân địa phương, cùng thưởng thức tô súp cá buiabet đặc biệt và vẽ nên những câu truyện thần bí về thành phố xinh đẹp này. |
Một nhóm những người bạn trung học cùng nhau bơi lội và phơi nắng tại bãi biển Plage Borély nằm ở phía Nam thành phố. Marseille nằm kiêu hãnh bên cạnh những bãi biển, được coi là tụ điểm của giới trẻ nơi đây. Họ đến đây để cùng nhau tận hưởng những phút giây vui đùa thoải mái, không phân biệt màu da, sắc tộc. |
Trong khi giới truyền thông còn đang tranh cãi về lệnh cấm che mạng cả khuôn mặt mới được ban hành tại Pháp thì ở Marseille, người ta vẫn bắt gặp những người phụ nữ đạo Hồi hòa nhập với văn hóa Pháp. Bức ảnh trên là một phụ nữ Hồi giáo hiện đại - Nabila Boudjellal, 31 tuổi người gốc Algeria. Cô đang vui vẻ cùng bạn bè ăn mừng cho đám cưới sắp tới của mình ở khu giải trí vòng xoay ngựa gỗ. |
Khác với Thủ đô Paris, nhiều người dân nhập cư ở Marseille thường tập trung sống và làm việc trong những khu vực trung tâm, chứ không sống cách biệt ở vùng ngoại ô xa xôi. |
Vào những ngày cuối tháng Tư, người dân tị nạn từ Tunisia thường được nhận thức ăn, quần áo và nhiều loại lương thực khác từ người dân theo đạo Hồi ở địa phương và các nhà hoạt động cánh tả. |
Nhìn ngắm cảnh người qua lại trên con đường trước mặt nhà thờ Thiên chúa giáo St.Vincent de Paul Roman, chúng mình cũng có thể hiểu thêm được sự đa dạng về sắc tộc của thành phố Marseille. Có người từng nói rằng, những người dân nhập cư luôn có cảm giác mình là người dân bản địa ngay từ giây phút đầu tiên họ đặt chân lên mảnh đất này. |
Một số thành viên của cộng đồng gần 70.000 người Do Thái ở Marseille đang tham gia một lễ tang tại Thánh địa St.Pierre. Những người Do Thái và người theo đạo Hồi ở đây đều rất cẩn thận với ngôn từ mà họ sử dụng bởi lẽ có người đã từng ví von rằng: “Marseille giống như một ngọn núi lửa đang hoạt động vậy, nếu bạn nói ra một điều mà bạn không nên nói thì có thể thành phố này sẽ nổ tung”. |
Trong những ngày thứ Sáu, người dân lại cùng nhau đi cầu nguyện. Họ tới một ngõ hẻm đằng sau Nhà thờ đạo Hồi trên đường Rue Gaillard ở phía Bắc Marseille. Ước tính rằng, số nhà thờ Hồi giáo và phòng cầu nguyện đang lớn dần lên trong thành phố cũng không thể bắt kịp sự tăng nhanh của dân số đạo Hồi tại đây. |
Những người đàn ông người Comoros trong trang phục áo choàng dài và mũ đội đầu đang đứng chờ bạn của họ bên lề đường. Họ đứng cách xa những người đàn ông Hồi giáo đến từ Maghreb. Mặc dù đều có chung một tôn giáo, nhưng những người từ Comoros, Algeria, Tunisia hay nhóm người Hồi giáo khác ở Marseill luôn có những điểm khác biệt lớn lao. Quả thực, cộng đồng những người Hồi giáo không hề có một bản sắc văn hóa duy nhất, họ có thể sống cùng một khu vực nhưng họ không dùng chung một ngôn ngữ và cũng không mặc trang phục giống nhau. Thông thường, mối quan hệ của họ chỉ ở mức xa cách chứ không có xung đột, nhưng cứ mỗi thế hệ đi qua thì sự cách biệt về văn hóa ấy dường như cũng mờ dần đi. Vì thế, sự giao thoa văn hóa ở thành phố này thú vị như một "bản giao hưởng" vậy. |