Bạn đã từng nghe nói tới những
vương quốc bị lãng quên, những vùng đất nằm ẩn khuất đâu đây trên thế giới với những câu chuyện bí ẩn ly kỳ? Mustang - mảnh đất cao nguyên nằm trong sự chở che bao bọc của dãy núi Himalaya đồ sộ chính là nơi một nền văn hóa bị cả thế giới “bỏ quên” tồn tại.
Hãy cùng chúng tôi du lịch tới đây, bổ sung thêm nhiều điều thú vị về “hang trời” - một nét đặc trưng sẽ khiến các bạn kinh ngạc ngay từ những bức ảnh…
Giữa gió bụi cao nguyên, nằm bên cạnh con sông Kali Gandaki, ẩn trong dãy Himalaya hùng vĩ, những hang động được tạo tác nằm lọt thỏm trên những vách đá cao, dựng đứng đến chóng mặt. Ước tính, chỉ riêng ở Mustang, ít nhất cũng có tới hơn 10.000 hang động lớn nhỏ.
Nếu tận mắt chứng kiến khung cảnh hùng vĩ nơi đây, ít ai tin được rằng hệ thống hang động này lại được con người xây dựng. Để leo được lên những hang động này, các nhà khoa học ngày nay phải sử dụng nhiều dụng cụ leo núi chuyên dụng hết sức hiện đại.
Lý do là bởi vách đá nơi đây cheo leo, dựng đứng, rất “mỏng manh”, bất cứ lúc nào cũng có thể lấy mạng con người. Nhiều người gọi vui những công trình ấy là những “hang động trên trời”.
Bức ảnh chụp hoàng hôn bao phủ trên các đền thờ và những căn nhà không mái ngói tại thị trấn Tsarang của người Mustang - nơi mà cả thế giới đã từng lãng quên.
Bà Yandu Bista (53 tuổi) là một trong những nhân chứng về các “hang động trên trời”. Theo lời kể, bà Yandu sinh ra trong một trong các hang động huyền thoại. Bà chỉ chuyển vào thị trấn sinh sống sau sinh nhật 11 tuổi của cô con gái và thực sự, cuộc sống trong hang khiến bà cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều, nhất là vào mùa đông.
Hiện nay, hầu hết các hang động nơi này đều trống rỗng. Tuy nhiên, các cuộc khảo cổ được tiến hành đã phát hiện được những bằng cớ chứng tỏ từng có người sinh sống: bếp lò, thùng đựng hạt giống, buồng ngủ…
Một trong những địa điểm còn nhiều dấu tích nhất của nền văn hóa này là quần thể hang động gần làng Samdzong, phía Nam biên giới Trung Quốc. Năm 2010, một số chuyên gia đã tìm thấy những hộp sọ, bộ răng, chân tay của người cũng như một số đồ dùng trong tang lễ như quan tài.
Xác ướp của một đứa trẻ tại hang Mebrak - bằng chứng chứng minh sự tồn tại của con người tại nơi đây. Năm 1995, các nhà khảo cổ Đức và Nepal đã phát hiện ra hang này. Cùng với em bé, họ còn tìm thấy hài cốt của khoảng 30 người khác.
Nhà khảo cổ Aldenderfer đưa ra giả định lịch sử của các hang động này bao gồm 3 thời kì. 3.000 năm trước, chúng được dùng để làm nơi chôn cất người chết. Cho tới khoảng 1.000 năm về trước, chúng trở thành nơi sinh sống của các gia đình Mustang, do mùa đông ở đây rất ấm áp và chỉ đến thế kỉ thứ 13, người dân mới bắt đầu di cư vào các làng nghề truyền thống trong thung lũng.
Trong một số hang động, các chuyên gia đã phát hiện một bức tranh tường rất lớn hơn 800 tuổi được khắc rất tinh xảo với nội dung về Phật giáo. Cùng với đó là khoảng 8.000 bản thảo kinh sách có niên đại rất cổ xưa.
Những hang động này thuộc sở hữu của vương quốc Mustang. Trước đây, vương quốc này nằm trên con đường truyền giáo từ Ấn Độ vào Trung Hoa nên trở thành một trung tâm Phật giáo lớn với các đền thờ, tu viện tuyệt đẹp.
Tuy nhiên, thời kỳ hoàng kim của nơi đây kết thúc vào thế kỉ thứ 17. Các vương quốc lân cận dần lớn mạnh và cai trị vùng đất của người Mustang. Những pho tượng cổ đại sơn son thếp vàng cũng vì thế mà nhuốm màu bụi bặm, thời gian, đổ nát.
Không chỉ dừng lại ở đó, Mustang còn từng là một vùng đất thương mại phát triển, nhất là buôn bán muối. Nhiều nhà khảo cổ đã tìm ra những bằng chứng như đồ trang sức, ngọc, sừng bò dùng để trang trí… minh chứng cho cuộc sống khá sung túc của người xưa.
Song tới thế kỷ 17, muối càng ngày càng rẻ hơn do nguồn sẵn có từ Ấn Độ. Điều ấy làm mất đi vị thế kinh tế nơi đây. Cộng thêm vị trí địa lý tương đối hiểm trở, những “hang động trên trời” cùng vương quốc Mustang đi vào lãng quên thực sự cho tới khi được các nhà thám hiểm “lại tìm ra” năm 1981.
Bạn có thể xem thêm: