Đã bao giờ bạn tự hỏi vì sao chó lại hiểu được phần nào tâm trạng của chủ nhân, trung thành và trở thành người bạn tốt nhất của chúng ta hay không? Có thể bạn không tin, nhưng đó là sự thật: bởi vì chó cũng có cảm xúc và suy nghĩ hệt như loài người…
Chúng mình hãy bắt đầu tìm hiểu từ kết quả nghiên cứu của các nhà hành vi học ĐH British Columbia. Từ nhiều năm nay, người ta khẳng định rằng, loài chó cũng trải qua những trải nghiệm về cảm xúc tương tự con người, tuy rằng ở mức độ đơn giản hơn.
Não của chó cấu trúc sản sinh cảm xúc giống hệt chúng ta, chúng thậm chí còn sở hữu cả hormone oxytocin - một hormone liên quan đến tình cảm và tình yêu.
Theo các chuyên gia, một con chó trải qua các giai đoạn phát triển nhanh hơn con người bình thường. Chúng hoàn thiện khi được 4 - 6 tháng tuổi. Khi đó, não chúng có được những xúc cảm tương đương với một đứa bé 2 tuổi rưỡi. Ở tuổi ấy, hẳn các bạn đều đã có những tình cảm cơ bản: vui, sợ hãi, giận dữ, hứng thú, đau khổ, thậm chí là tình yêu…
Ở phần ngược lại, tất nhiên chó không thể đạt được những cảm xúc ở mức độ phức tạp hơn, chỉ xuất hiện ở loài người như tội lỗi, tự hào, xấu hổ hay khinh miệt…Chính sự phong phú và đa dạng cảm xúc trong não của chó khiến chúng có những hành động mà chắc hẳn bạn chưa bao giờ nghĩ tới.
Chó cũng biết mơ
Điều này là sự thật. Hầu hết những người nuôi chó đã thú nhận từng thấy thỉnh thoảng khi ngủ, chó có thể bị run, co giật hay gầm gừ vô thức như bị... ma ám. Câu trả lời cho hiện tượng trên chính là chúng đang mơ. Ở cấp độ cấu trúc, sóng não ở chó và ở người là tương tự nhau, vì vậy nhận định trên là hoàn toàn có cơ sở.
Giấc mơ của chó đương nhiên đơn giản hơn chúng ta rất nhiều. Chúng cũng nhớ về những trải nghiệm đã từng tham gia, những trò chơi, cuộc đi dạo, thậm chí cả những nguy hiểm.
Một con chó nhỏ sẽ mơ nhiều và liên tục nhất, trung bình cứ 10 phút chúng lại mơ một lần trong khi những con lớn, giấc mơ có thể bị đứt quãng trong vòng 1 tiếng. Tuy nhiên, chó trưởng thành sẽ mơ dài hơn chó nhỏ vì số lượng trải nghiệm của chúng cũng lớn và thường xuyên hơn.
Chó cũng biết cười
Khi vui, con người cười và chó cũng vậy. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta không bao giờ biết được chúng cười như thế nào, biểu hiện ra sao. Trên thực tế, chó hay cười nhất là khi chúng thư giãn, chơi đùa, hay tương tác với con người. Lúc cười, hàm chúng hơi mở, lưỡi đập vào răng cửa trước và khóe mắt chảy nước.
Cách đây nhiều năm, nhà tâm lý học hành vi Patricia Simonet đã ghi âm lại những âm thanh phát ra từ con chó trong lúc chơi đùa. Xen giữa những tiếng thở hổn hển khi hoạt động, bà thu được những âm thanh có tần số đặc biệt, một biểu hiện khác chứng minh rằng, con chó đang cười.
Âm thanh đó cũng được phát hiện khi cho chúng nghe một bản nhạc mix pha trộn nhiều dòng nhạc.
Sở thích kỳ lạ
Loài chó cũng thật “chảnh”, vì chúng chỉ thích xem ti vi HD mà thôi, còn truyền hình thông thường không tạo được hấp dẫn cho chúng.
Mắt người chỉ nhìn thấy nhấp nháy với tần số 55Hz, vì vậy với tần số truyền hình thường là khoảng 60Hz, chúng ta vẫn thấy hình ảnh liên tục thông suốt.
Trong khi đó, võng mạc chó có khả năng nhìn thấy nhấp nháp khoảng 75Hz, thế nên chỉ có truyền hình độ nét cao, với tốc độ nhanh hơn nhiều mới khiến chúng lưu tâm.
Ý nghĩa của tiếng sủa và vẫy đuôi
Chó vui mừng sẽ vây đuôi - đây chắc chắn là sự nhầm lẫn phổ biến nhất của hầu hết chúng ta.
Thực chất, chỉ có một số ít chó vẫy đuôi khi vui mừng, phần còn lại vẫy đuôi mang nhiều ý nghĩa khác. Đuôi chó thực ra chính là một máy đo cảm xúc của chúng.
Ở trạng thái bình thường, có nghĩa chúng đang thư giãn. Khi nó rủ xuống, đồng nghĩa chúng đang đau khổ, sợ hãi, còn khi vẫy lên, chúng đang vui hoặc rất có thể bị kích động, trở nên nguy hiểm.
Tiếng sủa cũng tương tự vậy. Một con chó sủa liên tục đồng nghĩa với việc gửi thông điệp rằng có gì đó cần phải kiểm tra, nếu chúng sủa và gầm gừ đều đặn thì chứng tỏ có mối nguy hiểm đến gần, hãy sẵn sàng tự bảo vệ. Còn khi chúng muốn chơi đùa, chúng sẽ chỉ sủa một vài tiếng và vẫy đuôi mà thôi.
Bạn có thể xem thêm: