Té ngửa cảnh cô giáo bắt học trò dịch tiếng Việt ra tiếng Việt, dân mạng xem thôi cũng thấy rối não

Vũ Trịnh, Theo Trí Thức Trẻ 09:03 04/06/2020

Dù có cố gắng bao nhiêu, chưa chắc bạn đã dịch đúng đoạn văn này!

Dù có trải qua nhiều năm đi học, có làm biết bao nhiêu bài tập tiếng Việt hay có học tốt ngữ văn thế nào thì ít nhiều chúng ta cũng từng mắc lỗi về chính tả, ngữ pháp một lần trong đời.Thế nhưng hầu như đó chỉ là những lần vô tình và nếu chú ý chúng ta có thể sửa sai lại trong lần tiếp theo nếu gặp phải trường hợp tương tự.

Tuy vậy, cũng có đôi lúc, nhiều người "tạo điểm nhấn" trong các đoạn hội thoại qua tin nhắn trên các ứng dụng di động bằng việc cố tình sai chính tả mà chúng ta vẫn hay gọi vui là teencode. Nếu dùng loại ngôn ngữ này với bạn bè, chắc hẳn sẽ không mấy khó khăn để truyền tải thông điệp mình muốn nói nếu họ có cùng sở thích này, thế nhưng với người khác, điều này có thể gây nên sự khó chịu không hề nhẹ. Do vậy, một giáo viên dạy Ngữ văn lớp 10 đã đưa vấn đề này ngay vào bài giảng của mình khiến cộng đồng mạng có một phen cười ngất.

Té ngửa cảnh cô giáo bắt học trò dịch tiếng Việt ra tiếng Việt, dân mạng xem thôi cũng thấy rối não - Ảnh 1.

Đoạn hội thoại được cô giáo đưa ra làm ví dụ có rất nhiều ký hiệu, chữ viết được biến tấu thành hệ chữ nào đó khiến học sinh đọc vào chóng hết cả mặt mới có thể dịch nghĩa được hết cả đoạn. Những chữ cái không có trong bộ chữ tiếng Việt như W, J vẫn được đưa vào sử dụng. Đỉnh cao hơn là việc thay thế toàn bộ dấu của các chữ cái bằng các kỹ hiệu như ^,*,... Theo đó, nội dung của đoạn văn này được tạm dịch như sau:

-Ê hôm nay tao đen quá mày ơi

-Sao vậy có chuyện gì thế

- Tao làm mất quyển truyện của nhỏ Hương. Tao tiêu đời với nó rồi

-Trời, Tưởng chuyện gì .Thế thì mày mua cho nó quyển khác đi. Nó không biết đâu mà

- Tôi đâu có lỗi gì cơ chứ ???

Té ngửa cảnh cô giáo bắt học trò dịch tiếng Việt ra tiếng Việt, dân mạng xem thôi cũng thấy rối não - Ảnh 2.

Đây không phải là lần đầu tiên việc sử dụng tiếng Việt được đề cập trong các bài giảng môn Ngữ văn, thậm chí còn hay xuất hiện trong bài kiểm tra. Thầy cô đúng thực là những chuyên gia bắt trend vì luôn cập nhật những trào lưu của học trò để từ đó đưa những chi tiết này vào tiết dạy của mình, một phần giúp bài học trở nên sống động, phần khác lại giúp học trò hiểu rõ tầm quan trọng của việc sử dụng đúng tiếng Việt. Nếu biến tấu quá nhiều chữ quốc ngữ và biến nó trở thành thói quen hằng ngày, rất có thể một ngày nào đó người xung quanh của bạn không hiểu được những gì bạn đang nói, và nhất là làm mất đi sự trong sáng vốn có của tiếng Việt.