Do sơ ý trong việc giữ gìn vệ sinh hoặc thói quen cắt tỉa móng quá sâu khiến cho nhiều teen bị mắc phải chứng bệnh hết sức phiền toái : “chín mé”. <img src='/Images/EmoticonOng/06.png'>
Mất ngủ vì móng chân đau nhức
Hương (HBT) mấy ngày hôm nay đều không thể đi giày mà phải đi xăng đan hở ngón vì ngón cái đột nhiên sưng to, đau nhức. Giờ ra chơi, Hương cũng đành ngồi một chỗ trong khi bọn bạn tung tăng chạy nhảy. Khi bóp mạnh ngón chân cái còn bị chảy mủ làm cho Hương càng thêm lo lắng.
Tuy cũng bị giống như Hương nhưng ban đầu Kiên chẳng thèm để ý mà cứ mặc kệ. Nhiều hôm đi chơi đá bóng về, trời lạnh Kiên còn lười chẳng thèm rửa chân khiến cho cát bẩn cứ thế bám đầy vào các kẽ ngón chân. Kiên còn chẳng chịu cắt móng chân khiến cho móng chân càng ngày càng dài. Nhìn chân của Kiên thì ai cũng phải “hoảng hồn” vì bàn chân đầy ghét, móng chân “dài ngoằng” và còn thoang thoảng “mùi hương”. Chỉ đến khi ngón chân trở nên đau nhức làm cho anh chàng không thể nào ngủ nổi thì lúc ấy Kiên mới chịu quan tâm đến tình trạng móng chân của mình.
Còn Thùy (BĐ) lại lâm vào tình trạng giống như Hương và Kiên chỉ vì sở thích cắt sửa móng tay của mình. Hầu như tuần nào Thùy cũng ra hàng để cắt và giũa móng. Dần dần việc này đã trở thành một thói quen, Thùy nói: “ Tuần nào không ra hàng sửa móng chân, móng tay là mình thấy bứt rứt khó chịu lắm. Tự sửa ở nhà không được đẹp như người ta làm cho mình ở ngoài hàng được”.
“Chín mé”- chứng bệnh phiền toái
“Chín mé” hay còn được các bác sĩ gọi là bệnh viêm quanh móng. Bàn chân của chúng ta phải thường xuyên tiếp xúc với mặt đất, do đó da bàn - ngón chân có chứa rất nhiều vi trùng thường trú cũng như rất dễ bị nhiễm các tác nhân gây bệnh khác. Đặc biệt là vùng khóe móng chân.
Cấu tạo lớp sừng dầy của da vùng này đã giúp bảo vệ chống lại các tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên khi da bị chấn thương do cắt khóe thì nhiều loại vi trùng (tụ cầu vàng, liên cầu, trực khuẩn đường ruột), vi nấm (Candida sp.) hoặc mốc (Scytalidium sp.) có thể xâm nhập sâu vào da cùng một lúc.
Vì thế khi không giữ gìn vệ sinh chân, cắt móng chân móng tay quá sâu hoặc gây tổn thương cho vùng da này thì teens rất dễ bị mắc phải chứng bệnh này.
Theo các bác sĩ đây là một bệnh ngoài da thường gặp nhưng nếu không biết cách chữa trị, giữ vệ sinh thì bệnh sẽ diễn biến dai dẳng, dễ tái phát. Đặc biệt là khi cắt khóe móng chân, móng tay còn khiến cho chúng ta dễ bị móng chọc thịt khiến cho chân trở nên đau nhức và có thể trở thành bệnh mãn tính.
Khi bị “chín mé” teens cần phải giữ vệ sinh sạch sẽ cho vùng chân đó, có thể rửa bằng nước muối để sát khuẩn. Thông thường, có một số cách sau đây để chữa “chín mé”:
- Dùng kim hoặc dao mổ vô trùng tạo lối thoát cho mủ chảy ra hết.
- Ngâm chân bằng thuốc tím pha loãng thành màu hồng lợt.
- Bôi các dung dịch sát khuẩn như Milian, Eosin 2%… hoặc các mỡ kháng sinh như Fucidin, Bactroban …
Nếu sau 2 ngày tình trạng không có nhiều chuyển biến thì teens cần phải đến thăm khám tại các cơ sở chuyên khoa. Ngoài ta, teens không nên tự ý dùng thuốc khi chưa có sự hướng dẫn của bác sĩ.
Đề phòng “chín mé”
Bệnh xảy ra một phần là do thói quen không giữ gìn vệ sinh sạch sẽ của nhiều bạn. Để “chín mé” không bao giờ ghé thăm đôi chân “ngọc ngà” của mình, teens cần lưu ý:
- Rửa chân sạch sẽ hàng ngày. Chà vệ sinh bàn chân hằng ngày bằng xà bông và bàn chải có lông mịn.
- Không đi chân đất, để cát bụi dính vào các kĩ ngón chân.
- Không đi giày, dép quá chật khiến cho các ngón chân bị tổn thương.
- Tránh ngâm chân trong nước quá lâu.
- Thường xuyên thay tất, tránh để cho chân bị ẩm ướt.
-Khi cắt móng cần lưu ý không cắt quá sát vào da hoặc lấy khóe sâu ở hai bên cạnh của ngón chân, ngón tay.