| Cách đây vài tuần em bị đau mắt đỏ. Lúc đầu do chưa biết nên em không
giữ gìn gì mà cứ dụi mắt liên tục, thậm chí có khi dụi đến mức con ngươi
như sắp rớt ra ngoài vì quá ngứa và khó chịu. Sau đó, em đi khám và
được cho uống thuốc đúng nên bệnh khỏi rất nhanh. Tuy nhiên không hiểu
sao mà sau khi khỏi bệnh, mắt hết đỏ và ngứa nhưng em lại cảm thấy thị
lực của mình cứ ngày một yếu đi. Thỉnh thoảng tự nhiên em thấy xuất hiện
1 tia sáng lóa mắt hoặc 1 tấm màn đen chắn trước mắt. Những lúc như thế
em chỉ cần chớp mắt vài cái là mọi chuyện lại ổn ngay. Mong bác sĩ giải
đáp liệu em có mắc phải bệnh gì nguy hiểm không ạ? Em xin cảm ơn!
(hoahoc...@yahoo.com). |
| Chào em,
Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ nhiều khả năng là em đã mắc phải chứng bong võng mạc. Võng
mạc là màng thần kinh nằm ở đáy mắt, có chức năng chuyển ánh sáng thành
tín hiệu thần kinh truyền về não, giúp ta nhìn thấy được. Trong điều
kiện bình thường, võng mạc áp sát vào lớp hắc mạc phía dưới.
Bong
võng mạc là tình trạng võng mạc bị tách ra khỏi hắc mạc và không thể
hoạt động bình thường được nữa. Nếu không được điều trị kịp thời, bong
võng mạc sẽ gây mất thị lực vĩnh viễn. |
Bệnh được chia làm 2 loại chính:
- Bong võng mạc nguyên phát: hay gặp ở những người có tiểu sử bị cận thị, xuất hiện do dịch kính ở trên bề mặt võng mạc hóa lỏng, chui qua các vết rách võng mạc gây tách võng mạc khỏi hắc mạc.
- Bong võng mạc thứ phát: xuất hiện sau một bệnh lý khác của mắt (như: bệnh võng mạc đái tháo đường, viêm hắc mạc...).
Những triệu chứng lâm sàng cơ bản của bệnh được biết đến như là:
- Đột nhiên thấy xuất hiện các đốm đen lơ lửng trước mắt (giống như ruồi bay) hoặc thấy các tia chớp sáng lóe lên.
- Nhìn mờ dần, thường như một tấm màn đen che một góc nhìn rồi lan dần ra toàn bộ vùng nhìn của một bên mắt.
Vì các triệu chứng trên xuất hiện dần dần hoặc đột ngột tùy vào tốc độ bong võng mạc và do mắt bên kia có thể vẫn nhìn được bình thường nên nhiều bệnh nhân không đến khám kịp thời.
Hiện nay, phẫu thuật là phương pháp duy nhất để điều trị bong võng mạc nguyên phát. Tùy vào hình thức và mức độ mà bác sĩ nhãn khoa có thể áp dụng các phương pháp phẫu thuật khác nhau như: áp võng mạc bàng bơm khí nội nhãn, đai hoặc độn củng mạc, cắt dịch kính...
Bệnh nhân càng được phẫu thuật sớm, võng mạc càng áp lại sớm thì thị lực càng phục hồi tốt hơn. Tuy nhiên, phẫu thuật không phải luôn thành công trong mọi trường hơp. Mặt khác, nhiều trường hợp võng mạc đã áp nhưng thị lực chỉ phục hồi được một phần.
Vì vậy bác sĩ Mèo khuyên em tốt nhất nên nhanh chóng đến bệnh viện chuyên khoa khám trực tiếp để nhận được chỉ định điều trị kịp thời và thích hợp nhất đối với tình trạng của mình, tránh xảy ra những biến chứng xấu gây ảnh hưởng đến tương lai.
Ngoài ra, em cũng cần chú ý thường xuyên khám mắt theo định kỳ để phát hiện sớm các thoái hóa võng mạc và có biện pháp xử trí.
Chúc em mau khỏi bệnh và khỏe mạnh!