Mọc mụn lở loét là biểu hiện của chứng bệnh nguy hiểm

Bác sĩ Mèo, Theo Mask Online 12:00 21/05/2012

Chính là bệnh viêm cầu thận đó các ấy ạ!

Cách đây khoảng nửa năm, em hay cảm thấy mệt mỏi dù không phải làm việc gì nặng nhọc cả. Rồi sau đó dần dần cơ thể em xuất hiện thêm các triệu chứng như đi tiểu dắt và có cặn, da dẻ mọc nhiều mụn nhọt lở loét. Em rất lo lắng nên đã đi khám và được chẩn đoán là bị viêm cầu thận - thận hư. Từ đó đến nay em đã kiên trì điều trị nhưng vẫn chưa thấy bệnh tình thuyên giảm, thậm chí dạo gần đây thỉnh thoảng em còn bị đau vùng thắt lưng nữa. Mong bác sĩ giải đáp liệu bệnh của em có thể chữa khỏi hoàn toàn được không và thời gian là bao lâu ạ? Em xin cảm ơn! (pay-mi@gmail.com)

Chào em,

Thận được cấu tạo từ các cầu thận gồm ống lượn gần, ống lượn xa và tất cả đều tập trung vào bể thận.

Mỗi ngày máu đưa tới thận 150 - 250 lít chất lỏng để cầu thận lọc và bài xuất (thải ra) khoảng 1,5 - 2,5 lít nước tiểu. Bình thường màng của cầu thận chỉ cho nước và các chất có phân tử lớn thoát khỏi mạch máu, còn tế bào máu (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu) hay các chất protein, đường, mỡ... thì được giữ lại. Như vậy khi cầu thận bình thường, trong nước tiểu chỉ có một số muối, urê...

Nhưng khi cầu thận bị viêm, tế bào cầu thận bong ra và không có khả năng giữ lại các chất như protein, mỡ, bạch cầu, tiểu cầu, hồng cầu nên trong nước tiểu còn thấy lẫn tế bào cầu thận (trụ hạt). Đây là tiêu chuẩn quan trọng để chẩn đoán bệnh viêm cầu thận.

Viêm cầu thận được chia ra làm 3 loại cơ bản:

- Viêm cầu thận cấp.

- Viêm cầu thận bán cấp.

- Viêm cầu thận mãn tính.

Nguyên nhân gây bệnh có thể do dị ứng, do nhiễm độc hay nhiễm khuẩn. Tùy nguyên nhân mà có các triệu chứng khác nhau như:

- Ho, đau họng, sốt hoặc mụn nhọt lở loét ngoài da.

- Đau vùng thắt lưng (thắt lưng là phủ của thận), đái đục, đái dắt, đái đỏ, đái buốt.

- Toàn thân nặng nề, mệt mỏi, phù trắng từ trên xuống.

- Da xanh, môi và lưỡi nhợt. Mạch thốn trái trầm nhược, trầm sác.

Để chữa trị có hiệu quả bệnh viêm cầu thận, các bác sĩ thường kê đơn gồm những loại thuốc có tác dụng lợi tiểu chữa phù, bổ thận, bổ khí huyết. Tuy nhiên còn tùy vào bệnh đang ở giai đoạn viêm cấp hay mãn mà sử dụng thuốc cho hợp lý.

Nói tóm lại, điều trị viêm cầu thận ở giai đoạn nào cũng khó. Bệnh nếu được chữa tích cực, kịp thời sẽ khỏi hoàn toàn nhưng nếu chữa sai sẽ càng làm nhiễm độc thêm và dẫn đến suy thận, vô cùng nguy hiểm. Vì vậy, bác sĩ Mèo khuyên em phải hết sức hợp tác với bác sĩ chuyên khoa trong suốt quá trình điều trị.

Ngoài ra, em cũng nên chú ý thực hiện những điều sau:

- Tránh hoạt động thể chất nặng hay học tập quá căng thẳng, hãy cố gắng để đầu óc có thời gian nghỉ ngơi nhất định trong ngày.

- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, ăn đúng bữa, đủ chất, tuyệt đối không để cơ thể rơi vào tình trạng no đói thất thường.

- Không đến những nơi có môi trường ô nhiễm hoặc tiếp xúc với chất độc hại. Chú ý bịt khẩu trang mỗi khi ra đường để tránh nhiễm độc.

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!