Khai phá bí mật của sự tự tin trước đám đông

Linh Ji - Theo PLXH, Theo 00:00 26/08/2011

Không gì là không thể đâu teen nhé!

Tớ sợ đám đông lắm luôn nè.

Trong khi bạn bè tha hồ vui vẻ, nói cười rất tự tin thì không ít teens lại phải đối mặt với một vấn đề rất trớ trêu là chứng... sợ giao tiếp. Sự rụt rè không phải do nhút nhát này của ấy biểu hiện ngay qua những dấu hiệu sinh lý như: ra nhiều mồ hôi, tay ướt, tim đập nhanh, có cảm giác nghẹt thở, đỏ mặt (hay tái nhợt), nói lắp, giọng nói ấp úng khó nghe, cơ bắp tê cứng... Kết quả dẫn đến những hành động vụng về, run rẩy của chúng mình khi đứng trước đông người, trao đổi hay nói chuyện với người lạ đó mà! Thật là khổ sở quá trời ấy!

Hơn thế nữa, chứng sợ giao tiếp hay sợ đám đông này còn thể hiện ra mặt trên phương diện cảm xúc và cách cư xử của teen nữa cơ nhé! Các ấy có thể cảm thấy sợ hãi ghê gớm khi rơi vào hoàn cảnh xung quanh toàn người xa lạ, lo lắng khi bị người khác xem xét hay đánh giá. Rồi thì teens cứ mặc cảm rằng bản thân mình sẽ bị xấu hổ, ngượng ngùng và sợ luôn cả việc người khác thấy mình đang như vậy. Thậm chí, có ấy vì điều này mà không dám đi học, tránh nói chuyện với bạn bè hay né những tình huống mà chúng mình có thể là tâm điểm cho sự chú ý của người khác í!


Tại sao tớ bị sợ hãi đến thế?

Chứng sợ giao tiếp đáng ghét này thường bắt đầu khi chúng mình bước vào tuổi dậy thì nhưng mầm mống của hắn có khi đã xuất hiện ngay từ lúc các ấy nhỏ tuổi hơn cơ. Và thật đáng ngại là các XX dễ bị chứng này làm phiền hơn XY đấy nhé!

Hội chứng này không phải đơn thuần do tính cách chúng mình nhút nhát đâu nha, nó còn do 2 yếu tố ảnh hưởng lẫn nhau khác:

- Do di truyền: Chứng sợ đám đông thường xảy ra với các thành viên trong cùng một gia đình. Các bác nghiên cứu khoa học đang cố hết sức tìm xem cái gen quỉ quái nào đã gây ra chứng bệnh tai hại này cho chúng mình hay chỉ vì các thành viên trong gia đình tiếp xúc quá nhiều mà vô tình gây ra tình trạng bắt chước vô thức lẫn nhau luôn.

- Do sinh hóa học: Những chất hóa học trong cơ thể cũng có thể chính là nguyên nhân gây ra hội chứng sợ giao tiếp cho teen đấy! Ví dụ như sự mất cân bằng của chất serotonin trong óc chẳng hạn. Nghe lạ hoắc như vậy nhưng đây chính là chất quan trọng góp phần điều chỉnh cảm xúc cho chúng mình đó mà! Do vậy, nếu các ấy quá nhạy cảm với chất này thì sẽ dễ bị chứng sợ đám đông bắt nạt đáng ghét này.

Bên cạnh đó, nhiều nhà nghiên cứu còn cho rằng chính bộ phận trong não tụi mình tên là amygdala là kẻ chủ mưu gây ảnh hưởng lên phản ứng sợ hãi của teens. Ấy nào sở hữu phần amygdala cực nhạy cảm thì đương nhiên dễ bị sợ hãi hay tổn thương nhiều hơn trong những hoàn cảnh xã hội thông thường rồi.

 
Ngoài ra, khi teens bị đặt vào một môi trường hay hoàn cảnh mới hay phải gặp những người xa lạ mà chưa kịp thích nghi thì có thể khơi mào cho những triệu chứng lần đầu của chứng bệnh đáng ghét này đấy các ấy ạ!

Tớ phải làm thế nào để xử lí chứng sợ đám đông này đây?

Trước hết, teens cần phân biệt được nhút nhát một chút xíu trong bữa tiệc hay lo lắng khi phải nói chuyện trước đám đông chưa hẳn là chúng mình đã mắc hội chứng sợ giao tiếp đâu nha! Chỉ khi nỗi sợ hãi nặng nề hơn và kéo dài lâu ơi là lâu, gây ảnh hưởng cực kì không tốt đến việc học hành, các mối quan hệ và niềm vui sống của chúng mình thì các ấy mới cần tìm cách chữa trị thôi.

Khi rơi vào hội chứng này, teens nên nhận ra những tình huống đời thường mà mình hay lo sợ và tránh né để tìm cách khắc phục thường xuyên, đều đặn. Các ấy có thể bắt đầu với những động thái nhỏ xíu như:

- Mở lời với mọi người xung quanh bằng những cách chào hỏi thông thường. Hãy cố gắng tập nhìn thẳng vào mắt người đối diện và cười đáp lại khi có người chào mình, cố gắng thử một vài lần rồi mọi việc sẽ dần dễ dàng hơn thôi mà.

- Tìm những điểm thật sự tốt đẹp để khen một người nào đó hay chính bản thân mình thật chân thành vì ai mà chẳng thấy dễ chịu và trở nên thân thiện hơn khi được đối xử thiện chí, phải không?

- Chú ý nhiều hơn tới những người bạn của mình. Sao teens không thử hỏi thăm họ về những vấn đề ưa thích của ấy như một bộ phim lãng mạn, bài hát ngọt ngào nào đó hay một môn thể thao mới toe cực thú vị mà ấy chưa từng thử nhỉ? Chúng mình có thể chuẩn bị trước những chủ đề muốn nói tới, đọc thêm nhiều sách báo để tìm thông tin hay đề tài. Thậm chí đơn giản hơn là chỉ cần hỏi đường đi từ một người xa lạ thôi là được rồi.

- Đừng để những ý nghĩ tiêu cực về mình áp bức bộ não. Hãy học cách thư giãn và ý tưởng học bộ môn yoga để tránh căng thẳng cũng là một ý kiến không hề tồi đâu nghen!
 
- Ngủ đủ giấc cộng với măm măm đồ ăn tốt cho sức khỏe không chỉ giúp teen mạnh mẽ mà còn tự tin hơn nhiều lắm đó!

Và tốt nhất, khi các ấy rơi vào trạng thái luôn thấy căng thẳng quá độ dẫn đến trốn tránh giao tiếp hoàn toàn thì đừng ngại tới gặp bác sĩ để được giúp đỡ đầy đủ và đẩy lùi luôn hội chứng sợ đám đông phiền toái này nhá!