Xin chào bác sĩ Mèo. Em là nữ, 14 tuổi. Em bị viêm tai giữa mãn tính nghi có cholesteatoma nên phải vào viện điều trị. Sau khi em được bác sĩ phẫu thuật lấy hết bệnh tích (sào bào thượng nhĩ) và vá nhĩ khoảng 1 tháng thì em lại bị nhức trong tai, xung quanh vết mổ và bên trong ống tai của em có cảm giác ẩm ướt giống như có chất dịch bên trong mặc dù đã có uống thuốc theo toa. Bác sĩ có thể cho em biết tình trạng hiện nay của em có gì nguy hiểm không? Nếu không thì bác sĩ hãy cho em thêm thông tin cách về chăm sóc tai sau vá nhĩ để vết mổ được mau hồi phục. Em xin cảm ơn. (tra...@gmail.com)
Trả lời:
Chào em,
Viêm tai giữa mãn tính có cholesteatoma là một chứng viêm tai nguy hiểm, có thể để lại biến chứng. Nếu sau phẫu thuật có bất cứ dấu hiệu gì bất thường em cần đến ngay cơ sở y tế đã thực hiện phẫu thuật cho em để bác sĩ tiến hành kiểm tra nhé!
Viêm tai giữa mãn tính có cholesteatoma là hiện tượng trên nền viêm tai giữa mãn tính có các khối cholesteatoma phát triển, ăn mòn các thành phần của tai giữa và các cấu trúc xung quanh, làm cho viêm tai lan rộng và gây ra các biến chứng. Đây là một loại bệnh tích đặc biệt trong bệnh cảnh của viêm tai giữa mãn tính chiếm tỉ lệ khá cao tại nước ta.
Khối cholesteatoma ban đầu thường khu trú ở vùng thượng nhĩ và phát triển như một u bọc, ban đầu có kích thước nhỏ, khi lớn lên chịu áp lực của các thành phần bên trong nên vỡ ra và bị nhiễm khuẩn. Bệnh có khả năng ăn mòn và phá hủy các cấu trúc ở tai giữa và có khả năng lan rộng vào tai trong gây viêm mê màng nhĩ. Người bệnh sẽ cảm thấy ù tai, chóng mặt, động mắt, mất thăng bằng... Cholesteatoma cũng có thể gây ảnh hưởng lên màng não gây ra các triệu chứng sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nặng có thể dẫn tới hôn mê, thậm chí tử vong...
Bệnh nhân cần phải đi khám ngay tại các cơ sở y tế khi có các biểu hiện sau:
- Tai chảy mủ kéo dài, có mùi thối khẳm
- Nghe kém rõ rệt do cholesteatoma làm cản trở dao động và ăn mòn khối xương con
Việc điều trị viêm tai giữa mãn tính có cholesteatoma chủ yếu bằng phương pháp phẫu thuật. Trước đó các bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng và tìm kiếm các dấu hiệu sớm của biến chứng để đánh giá tiên lượng bệnh trước khi mổ.
Sau khi phẫu thuật, việc thay băng sẽ diễn ra hàng ngày và sẽ được tháo toàn bộ sau phẫu thuật sau 15 ngày. Những ngày đầu tiên điều trị nội khoa bằng thuốc, bệnh nhân sẽ có triệu chứng chóng mặt, nôn ói. Bệnh nhân vẫn có cảm giác nhức đầu, nhức tai nhẹ và có thể sẽ được bác sĩ kê thuốc chống đau. Tuy nhiên nếu nhức đầu nhiều cần báo ngay cho bác sĩ.
Chúc em sớm bình phục!