Cứu nguy cô nàng bị chứng đau bụng kinh "ám ảnh"

bác sĩ Mèo, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 16/06/2014

Nhiều bạn gái thường có cảm giác đau bụng kinh dữ dội, kèm theo đó là cảm giác người buồn nôn, chóng mặt, mệt lả đi.

Thưa bác sĩ Mèo, em có vô tình đọc được trên mạng tên vài loại thuốc chữa đau bụng kinh như: mefenamic acid, ibuprofen, naproxen... Lúc trước, em có dùng thuốc cataflam nhưng một lần đi khám phụ khoa bác sĩ điều trị khuyên em không nên dùng cataflam nữa nếu không muốn bị đau bao tử. Mỗi lần tới tháng em đều bị đau bụng nên đôi khi phải dùng thuốc. Bác sĩ có thể cho em biết loại thuốc nào có ít tác dụng phụ nhất và không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe sinh sản không ạ? Em có thể dùng loại nào nếu bị đau?(Em đã dùng các biện pháp như chườm nước ấm, điều trị bằng cách ăn uống nhưng vẫn không có tác dụng). Em xin cám ơn! (dieptuy...@gmail.com)

Trả lời:


Chào em,

Trong những ngày có kinh nguyệt, nhiều bạn gái thường có cảm giác đau bụng dữ dội, kèm theo đó là cảm giác người buồn nôn, chóng mặt, mệt lả đi. Theo các nhà khoa học, các triệu chứng đó do nguyên nhân là các rối loạn hóa học trong cơ thể. Để giảm cơn đau trong kỳ kinh, em nên chú ý một số điều sau:

Chế độ vận động, nghỉ ngơi

Không được vận động quá mức: Trong khi có kinh và một ngày trước, sau kỳ kinh, các bạn gái không nên luyện tập thể thao hoặc lao động nặng, chỉ nên đi bộ và vận động nhẹ nhàng để tăng cường sức khỏe và sự dẻo dai của cơ thể. Tránh xúc động trong những ngày có kinh: Khi có kinh nên giữ cho tâm hồn mình được thư thái, thoải mái, giảm bớt căng thẳng, hạn chế stress sẽ góp phần làm dịu cơn đau..

Chế độ ăn uống

Nên ăn đủ chất nhưng hạn chế ăn thức ăn có đồ cay, nóng gây táo bón dễ làm đau bụng kinh nặng thêm. Nên uống nước chanh nóng, dùng các loại vitamin hỗn hợp và chất khoáng có chứa canxi. Không nên ăn những thức ăn chế biến tinh mà cần ăn nhiều rau, trái cây, cá và hạn chế các loại thực phẩm ngọt, mặn. Không ăn những thứ có tác dụng giữ nước như giấm, táo, ngó sen,…Không uống cà phê, chè, nước ngọt có ga vì có chất cafein có thể gây khó chịu, bồn chồn trong kỳ kinh nguyệt.

Tránh tiếp xúc lạnh trong những ngày “đèn đỏ”

Cần giữ ấm cơ thể trước, trong và sau khi hành kinh. Về mùa thu – đông – xuân, bạn gái không nên bơi lội, tắm rửa bằng nước lạnh, uống nước lạnh, làm việc nơi đồng sâu bởi khi bị kích thích tử cung sẽ co bóp mạnh, gây đau. Trong những ngày này, nên tắm nước ấm nóng và cho thêm một chút muối vào chậu nước tắm. Khi trời lạnh nên sưởi ấm khi có kinh, vì hơi ấm làm máu dễ lưu thông và tạo cho cơ bắp thư giãn, nhất là vùng xương chậu thường bị co cứng và sưng huyết trong những ngày này.



Cách giảm đau bụng kinh nguyệt

Nên chườm bụng bằng chai hoặc túi nước nóng (chú ý tránh nóng quá sẽ gây bỏng). Massage bàn chân cho bớt đau vì bàn chân có những huyệt đạo liên quan tới vùng chậu, đồng thời em có thể ngâm chân trong nước ấm pha muối cho thư giãn.Giã hoặc xắt lát gừng, chườm vào phần bụng dưới 5-7 phút, sức nóng của gừng sẽ giúp làm dịu cơn đau. Dán cao hoặc xoa dầu nóng sưởi ấm vùng bụng giúp máu lưu thông dễ dàng. Massage nhẹ và thường xuyên phần bụng dưới khi đang có kinh giúp cơ bụng không bị co thắt quá đột ngột và giảm đau thật hiệu quả. Uống vitamin E 2 ngày trước khi có kinh và tiếp tục đến ngày thứ 3 của chu kỳ. Trường hợp đau nhiều quá có thể uống thuốc giảm đau.

Để chọn được loại thuốc giảm đau phù hợp với cơ thể em cần đi khám và hỏi bác sỹ để nhận được sự tư vấn chính xác nhất. Em không nên tự ý uống bất cứ loại thuốc nào mà chưa có chỉ dẫn của bác sỹ chuyên khoa. Em cũng không nên lạm dụng thuốc giảm đau bởi có thể có tác dụng phụ và gây ra hiệu ứng nhờn thuốc.

Để phòng tránh những cơn đau trong kỳ kinh, em nên có một chế độ ăn uống và tập luyện thể dục thể thao lành mạnh. Một cơ thể khỏe mạnh và dẻo dai sẽ giúp giảm bớt những cơn đau khi kỳ kinh tới.

Chúc em luôn khỏe mạnh!

Mổ xẻ chứng bệnh tâm lý "sợ con trai" 2