Cách trị những chứng bệnh gây xấu hổ nơi công cộng

Jinilyn, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 17/06/2015

Những tật xấu hoặc bệnh lý không nghiêm trọng nhưng lại khiến độ tự tin "giảm không phanh".

"Xì hơi" liên tục

“Xì hơi” hay còn gọi là trung tiện, là do nguồn thức ăn khi chưa tiêu hóa hết ở dạ dày xuống đại tràng được các vi khuẩn tiếp tục phân hủy và bài tiết ra khí thải, chúng tích tụ đến một lúc nào đó quá nhiều và phải thoát ra ngoài qua hậu môn. Thực tế, ai cũng phải “xì hơi”. Vì nó chứng tỏ quá trình tiêu hóa hoạt động tốt.  

Chúng ta không thể dừng chứng xì hơi nhưng chúng ta có thể ngăn ngừa nó như tránh ăn nhiều đường, giảm bớt lượng thức ăn chứa cacbonat (nước uống có ga, soda, bia,…), giảm bớt hàm lượng tinh bột, bỏ thói quen nhai kẹo cao su, hút thuốc lá,… 

Về bản chất thì “xì hơi” nhiều không phải là bệnh. Tuy nhiên, với một số người thì “xì hơi” nhiều, liên tục từ 20 lần trở lên lại là biểu hiện của một số bệnh về đường ruột như: Rối loạn tiêu hóa, viêm dạ dày, viêm ruột, rối loạn nhu động ruột, hội chứng kích thích ruột,… Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu gặp phải dấu hiệu trên nhé. 

Hôi “cánh”

Hôi “cánh” là hiện tượng mồ hôi ở vùng dưới cánh tay tiết ra chất nhờn có mùi khó chịu, ảnh hưởng tới sinh hoạt và cuộc sống của bạn. Cảm giác tự ti luôn thường trực khiến cuộc sống, sinh hoạt của người bệnh bị đảo lộn. Năng suất lao động giảm, giao tiếp, tiếp xúc với đồng nghiệp, đối tác bị hạn chế,… Có thể bị đồng nghiệp, bạn bè xa lánh, hắt hủi gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý.


Để khắc phục tình trạng này, bạn có thể sử dụng chanh. Vì chanh không chỉ được sử dụng làm nước giải khát mà nó còn có khả năng ngăn chặn, loại bỏ mùi hôi trên cơ thể. Đó là vì trong trái chanh có nhiều axit khử trùng và mùi hôi. Sau khi tắm, bạn cắt chanh ra thành từng lát nhỏ rồi lần lượt chà xát lên vùng dưới cánh tay. Thực hiện trong một tháng, chắc chắn mùi hôi trên cơ thể bạn sẽ bị đánh bay.

Hôi miệng

Chứng hôi miệng hay bệnh hôi miệng còn thông dụng gọi là hơi thở hôi, là một chứng bệnh khi miệng phát ra hơi thở mang mùi hôi hoặc phát ra mùi khó chịu khi nói, làm giảm tự tin trầm trọng trong giao tiếp hàng ngày.

Bạn có thể dùng lá bạc hà chữa hôi miệng theo các cách súc miệng bằng nước bạc hà: Lấy lá bạc hà tươi, càng già càng tốt, đem giã lấy nước cốt rồi pha với nước theo tỉ lệ 1:3 dùng để súc miệng hàng ngày.


Ngoài ra bạn cũng cần tránh ăn các loại gia vị quá nồng như tỏi, gừng, cà ri,... nhé!

Tiểu tiện quá nhiều lần trong ngày

Tiểu nhiều lần bị coi là bệnh lý khi: Không uống nước vẫn phải đi tiểu, không thể “nhịn” tiểu được dù đang làm việc hay hội họp, tiểu nhiều lần cả ngày lẫn đêm mà không liên quan có uống nước hay không, đi tiểu quá 8 lần một ngày. Có các thay đổi về thể trạng kèm theo sụt cân, mệt mỏi. Tiểu tiện nhiều lần làm ảnh hưởng sinh hoạt, đặc biệt là khi bạn đang ở nơi công cộng.

Nếu có điều trị cần thăm khám và điều trị bệnh triệt để. Ngoài ra cần lưu ý đến các điều sau:

- Chế độ ăn uống: Tránh ăn uống chất có tính axit làm tăng nồng độ axit trong cơ thể, ăn nhiều rau quả, cung cấp chất xơ để giảm áp lực lên thận.


- Không nên sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê,… để tránh gây kích thích bàng quang.

- Nghỉ ngơi và sinh hoạt điều độ để tránh tình trạng căng thẳng, stress. 

Tập luyện thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe và hạn chế khả năng phát bệnh.

Chúc bạn sớm lấy lại tự tin!