Bác sĩ vào cuộc xử lý "vết tích" kiến 3 khoang

Bác sĩ Mèo, Theo Trí Thức Trẻ 12:00 05/12/2012
Chia sẻ

Làm để nào để giải quyết độc tính của chúng đây!

Bác sĩ vào cuộc xử lý "vết tích" kiến 3 khoang 1

Vào buổi tối cách đây vài ngày, khi đang ngồi trong lớp học thêm, bỗng nhiên em thấy nhói một cái ở cổ như bị ong chích. Theo phản xạ, em dùng tay gãi luôn và phát hiện mình đã vô tình cào chết một con côn trùng gì đó có một vùng màu đỏ trên bụng nhìn rất lạ. Ngay sau khi về nhà, em đã lập tức tắm rửa sạch sẽ bằng xà phòng nhưng không hiểu sao chỗ bị đốt nó cứ loét ra ngày càng rộng và đau rát như bị giời leo vậy. Mong bác sĩ giải đáp liệu có phải em bị dị ứng côn trùng không và cách chữa trị như thế nào ạ? Em xin cảm ơn! (an_huy...@yahoo.com)

Bác sĩ vào cuộc xử lý "vết tích" kiến 3 khoang 2

Chào em,

Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ nhiều khả năng là em đã bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang đốt.

Kiến khoang là loài côn trùng có bụng thon nhọn đen, trong đó một khoang màu đỏ, kích thước nhỏ hơn hạt thóc và có cánh bay. Kiến này đốt rất đau vì trong bụng chứa chất độc Pederin (độc tính gấp 12 - 15 lần rắn hổ), thậm chí khi kiến chết khô 8 năm sau thì độc tính vẫn còn tồn tại.

Một số người không biết, khi bị đốt đã lấy tay giết kiến sau đó vô tình sờ lên mặt hoặc gãi lên da nên tạo thành những vết tổn thương dài (còn gọi là “thương tổn hôn nhau” - kissing lesson).

Vị trí tổn thương hay gặp tại những vùng hở như: cổ, mặt, cánh tay, cẳng tay, cẳng chân, đôi khi cũng thấy ở thân mình vùng kín do kiến bám vào quần áo. Tùy vào nơi tiếp xúc mà có thể bị một hay nhiều tổn thương cùng lúc, đối xứng hay nhiều nơi khác nhau trên cơ thể. Tính chất của thương tổn là những ban đỏ, mụn nước, mụn mủ, chợt loét nông trên da, kèm theo đau rát nhiều khiến bệnh nhân dễ lầm tưởng với bệnh zona.

Muốn chữa khỏi viêm da do kiến khoang không khó nhưng nếu không kịp thời và đúng cách thì có thể gây viêm nặng hơn, nhiễm khuẩn thứ phát, thậm chí là loét. Phương pháp điều trị chủ yếu dùng thuốc bôi tại chỗ kèm thuốc kháng histamin đường uống. Cụ thể:

- Thuốc bôi tại chỗ: Khi mới tiếp xúc với độc tố của kiến, chỉ bị đỏ da và ngứa nên dùng nước muối sinh lý rửa nhẹ nhàng để làm sạch các chất bám lên da, sau đó dùng hồ nước bôi lên để làm mát dịu da. Khi đã nổi mụn nước, phỏng nước có thể bôi hồ nước, đắp dung dịch yaris giúp khô, sạch tổn thương. Nếu xuất hiện mụn mủ, dùng các dung dịch màu như xanh methylen, milian, castellani bôi lên tổn thương giúp sát khuẩn. Đến lúc tổn thương không còn chảy dịch, khô lại có thể sử dụng mỡ kháng sinh, diệt khuẩn kèm corticoid loại nhẹ và vừa (ví dụ fucidin-H, fucicort) để bôi, giúp tổn thương mau lành.

- Thuốc uống: Thuốc kháng histamin thế hệ 1, ví dụ: chlopheniramin, hydroxyzin, promethazin..., nhóm thuốc này có tác dụng chống ngứa, chống dị ứng. Tuy nhiên, cần thận trọng đối với những người có vấn đề tim mạch hoặc tiền sử bệnh tim mạch vì nhóm thuốc này có thể làm loạn nhịp tim.

Một số trường hợp hiếm gặp: bệnh nặng, kèm thêm phản ứng dị ứng toàn thân thì cần điều trị đặc biệt. Có thể phải dùng corticosteroid toàn thân. Trường hợp bội nhiễm nặng cũng có khi phải dùng kháng sinh toàn thân.

Vì vậy, bác sĩ Mèo khuyên em tốt nhất nên nhanh chóng đến bệnh viện chuyên khoa Da liễu để khám trực tiếp và nhận được chỉ định điều trị thích hợp cho tình trạng của mình.

Trên thực tế, kiến ba khoang không đáng lo ngại như những loài côn trùng đốt và hút máu truyền bệnh (bọ xít, muỗi vằn...) vì chúng không chủ động tấn công mà do con người vô tình tiếp xúc với chất độc trong cơ thể kiến gây nên viêm da dị ứng. Chúng ta có thể phòng kiến ba khoang bằng cách:

- Đóng kín cửa, buông rèm, làm lưới ngăn côn trùng, buổi tối không nên ngồi gần các nguồn sáng như bóng đèn.

- Mặc quần áo dài, quan sát kỹ đồ vật trước khi sử dụng, giũ sạch khăn mặt, khăn lau, quan sát kỹ trước khi lau.

- Phun thuốc để diệt kiến nếu kiến phát triển trên diện rộng.

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!
 
Bác sĩ vào cuộc xử lý "vết tích" kiến 3 khoang 3
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày