Sự thật: Virus không thể "chết" được, vậy con người đã ngăn chặn những dịch bệnh nguy hiểm bấy lâu nay bằng cách nào?

Billy Cipher, Theo Trí Thức Trẻ 00:12 11/02/2020

Đúng vậy, bạn không nhìn lầm đâu. Virus không thể chết, vì chúng chưa bao giờ sống cả. Kể cả virus corona Vũ Hán cũng vậy.

Từ khi được phát hiện lần đầu tiên vào cuối thế kỉ 19, virus - những thực thể nhỏ bé đã đưa chúng ta hết từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Chẳng những sở hữu cấu trúc tối giản đến không ngờ, cách virus tồn tại cũng chẳng giống ai. Chúng luôn phải kí sinh, sống nhờ vào kẻ khác, mượn những bộ máy phức tạp của vật chủ để nhân lên.

Sự thật: Virus không thể chết được, vậy con người đã ngăn chặn những dịch bệnh nguy hiểm bấy lâu nay bằng cách nào? - Ảnh 1.

Vấn đề nằm ở chỗ virus hoàn toàn rơi ra ngoài định nghĩa về sự sống. Chúng chưa bao giờ thực sự sống, và điều này dẫn đến chuyện chúng không thể chết, kể cả với virus corona tại Vũ Hán. Nhưng nếu vậy thì những dịch bệnh do virus gây ra từ trước đến nay bị dập tắt bằng cách nào? Virus đã biến đi đâu mất nhỉ?

Sự khác biệt về định nghĩa

Thật ra, virus không sống hoặc không chết là dựa trên định nghĩa mà bấy lâu nay chúng ta vẫn quan niệm về sự sống mà thôi. Bản thân giới khoa học cũng đã rất đau đầu về việc có nên xem xét lại và coi virus cũng là một dạng sống hay không. Hiện nay khi muốn mô tả trạng thái của các thực thể đặc biệt này, người ta thường dùng thuật ngữ "hoạt động" (active) và "nghỉ"(latent), tương tự như "sống" và "chết" ở các sinh vật thông thường.

Sự thật: Virus không thể chết được, vậy con người đã ngăn chặn những dịch bệnh nguy hiểm bấy lâu nay bằng cách nào? - Ảnh 3.

Virus ở trạng thái nghỉ, nghĩa là chúng bất động chờ thời cơ phù hợp để nhanh chóng chuyển sang trạng thái hoạt động.

*Diễn biến virus corona ở Trung Quốc đang phức tạp. Bạn có thể theo dõi tại đây.

Khi ở ngoài môi trường, chúng chờ tới khi xâm nhập được vào một nạn nhân phù hợp. Tuy nhiên nếu phải đợi quá lâu, các bộ phận cấu trúc nên virus bắt đầu trở nên xuống cấp. Độ ẩm và mức nhiệt không phù hợp sẽ làm hỏng lớp vỏ bao ngoài, khiến virus sẽ mất dần khả năng bám vào màng tế bào của vật chủ. Ngoài ra, nhìn chung virus sẽ "bền" hơn nếu chúng dính trên các bề mặt cứng và nhanh tàn ở các bề mặt mềm như vải.

Trong cơ thể chúng ta cũng có thể tồn tại virus ở trạng thái nghỉ. Ví dụ như bệnh zona chính là gây ra bởi chủng virus Varicella-zoster - hay còn gọi là virus thủy đậu. Khi một người bị thủy đậu khỏi bệnh, số ít những virus đã bị hệ miễn dịch bỏ sót sẽ chuyển sang dạng nghỉ và vẫn trú ẩn trong các tế bào thần kinh tủy sống. Tới khi vật chủ bị căng thẳng, thiếu dinh dưỡng, sang chấn tâm lí... làm cơ thể suy nhược, chúng sẽ tái xuất, theo các dây thần kinh lan ra và bộc phát triệu chứng.

Hay ở trường hợp của virus Herpes cũng vậy. Rất đông dân số thế giới mang virus này nhưng không có một biểu hiện gì. Chỉ đến khi sức khỏe suy giảm mới phát bệnh mà thôi. Nói cách khác thì về cơ bản, thiếu vắng sự ức chế của hệ miễn dịch sẽ giúp virus đang nghỉ trong cơ thể chuyển sang dạng hoạt động, bắt đầu phá hoại tế bào vật chủ và nhân lên.

Sự thật: Virus không thể chết được, vậy con người đã ngăn chặn những dịch bệnh nguy hiểm bấy lâu nay bằng cách nào? - Ảnh 5.

Herpes là dạng virus "ngủ đông" trong cơ thể, xuất hiện khi hệ miễn dịch suy yếu

Virus không thể chết - ít nhất là ở thời điểm hiện tại và vai trò của vaccine

Sự khác biệt lớn nhất giữa khái niệm "sống và chết" so với 2 trạng thái của virus, đó là virus có thể tự chuyển từ trạng thái này sang trạng thái kia bao nhiêu lần cũng được. Muốn virus không bao giờ gây bệnh được nữa chỉ còn cách phá hủy cấu trúc của chúng mà thôi.

Đáng tiếc, hiện nay thì chúng ta chưa thể làm được điều đó mà không gây hại cho tế bào của vật chủ. Một số các phương pháp tiềm năng như dùng tần số cộng hưởng, tia UV, laze, hạt nano, sóng điện từ... mới đều đang ở giai đoạn thử nghiệm.

Sự thật: Virus không thể chết được, vậy con người đã ngăn chặn những dịch bệnh nguy hiểm bấy lâu nay bằng cách nào? - Ảnh 6.

Như vậy, cách hiệu quả hơn cả và cũng là cách duy nhất chúng ta có từ trước đến nay, đó là bất hoạt virus dựa vào hệ miễn dịch của mỗi người, song song với sự hỗ trợ của vaccine và các thuốc kháng virus.

Về bản chất, vaccine không hề "chống lại" được virus, hệ miễn dịch của chúng ta mới trực tiếp làm điều đó. Vaccine hiện nay thường gồm 3 loại: chứa virus đã bất hoạt, loại chứa virus còn hoạt động được nhưng đã bị suy yếu, và loại chỉ gồm các kháng nguyên được tách ra khỏi virus. Trong đó, 2 loại đầu là hoàn thiện và phổ biến hơn cả.

Vaccine hóa ra không hề chứa hóa chất nào để "diệt" mầm bệnh, mà ngược lại còn đưa mầm bệnh vào cơ thể. Chỉ khác là mầm bệnh đã qua xử lý nên không thể gây ra nguy hiểm nữa, mà chỉ còn mục đích kích hoạt chuỗi phản ứng phòng vệ của hệ miễn dịch. Cơ thể chúng ta chiến thắng những con virus "kém cỏi" này rất dễ, nhờ vậy mà có khả năng ghi nhớ, đánh đuổi cả những đồng loại khỏe mạnh của chúng, ngăn không cho chúng xâm nhập . Tiêm vaccine có thể nói giống như cuộc diễn tập cho hệ miễn dịch vậy.

Sự thật: Virus không thể chết được, vậy con người đã ngăn chặn những dịch bệnh nguy hiểm bấy lâu nay bằng cách nào? - Ảnh 7.

Vaccine là hình thức đưa mầm bệnh đã bất hoạt vào cơ thể, nhằm "dạy" hệ miễn dịch đối phó với mầm bệnh

Thuốc kháng virus tuy là một trợ thủ đắc lực nhưng khả năng của nó cũng có giới hạn. Phòng tuyến cuối cùng, chủ yếu và quan trọng nhất vẫn là hệ miễn dịch. Hãy giữ gìn sức khỏe qua những thói quen tích cực hàng ngày, chế độ ăn uống hợp lí và ngủ nghỉ lành mạnh nhé. Chỉ có như vậy, hệ miễn dịch – người hùng thầm lặng luôn chiến đấu không ngừng nghỉ mới được tiếp sức và bảo vệ chúng ta theo cách tuyệt vời nhất.

Nguồn: Ted-Ed, NCBI, PBS New Hours, Science ABC

Xem thêm các tin liên quan tại đây

Sự thật: Virus không thể chết được, vậy con người đã ngăn chặn những dịch bệnh nguy hiểm bấy lâu nay bằng cách nào? - Ảnh 8.