Mỹ Tâm đã dùng vị trí ngôi sao để giành quyền lợi như thế nào?

Thanh Huyền, Theo Trí Thức Trẻ 10:28 13/11/2015
Chia sẻ

Mỹ Tâm đã nhiều lần là người tiên phong trong việc chuyên nghiệp hoá hoạt động nghệ thuật, đòi hỏi quyền lợi chính đáng mà người ca sĩ phải được hưởng.

Ở một nền giải trí non trẻ đang từng bước đi lên con đường chuyên nghiệp như showbiz Việt, không phải nghệ sĩ nào cũng dám mạnh dạn thể hiện cái tôi và đòi hỏi quyền lợi chính đáng cho mình. Và người ngoại lệ đó chính là Mỹ Tâm. Tất nhiên khi Mỹ Tâm đang đứng ở vị thế ngôi sao số 1 với lượng fan đông đảo, thì tiếng nói của cô cũng có trọng lượng hơn nhiều ca sĩ khác. Đã rất nhiều lần Mỹ Tâm là người tiên phong trong việc phá bỏ những quan niệm cũ, giành lấy đúng những quyền lợi xứng đáng với công sức mình đã bỏ ra, từ đó tạo tiền đề cho những ca sĩ khác cũng mạnh dạn đòi hỏi những điều xứng đáng thuộc về mình.

Kiện công ty nhạc chuông, thắng bạc tỷ

Năm 2009, Mỹ Tâm đệ đơn kiện nhiều công ty nhạc chuông, nhạc chờ đã "xài chùa" các ca khúc mà cô biểu diễn để kiếm lời từ người dùng. Các khách hàng có thể cài nhạc chuông, nhạc chờ ở rất nhiều trang web, và nghiễm nhiên, nhà cung cấp tự bỏ túi số tiền khổng lồ mà không trả tiền bản quyền cho nghệ sĩ. Có thể đây là điều mà rất nhiều nghệ sĩ nhìn thấy ở thời điểm bấy giờ. Nhưng Mỹ Tâm là ca sĩ đầu tiên lên tiếng và dứt khoát khởi kiện về vấn đề này. Sau khi nhận được đơn của Mỹ Tâm, 11 công ty nhạc chuông nhạc chờ đã chấp nhận bồi thường cho nữ ca sĩ. Chỉ riêng bài Nhớ, công ty Biển Xanh đã phải trả cho Mỹ Tâm tới 99 triệu đồng. Công ty Vietel đề nghị bồi thường cho Mỹ Tâm 1000đ/1 bài hát/lượt tải mà cô sáng tác và biểu diễn, và 500đ cho một bài hát Mỹ Tâm biểu diễn. Phía Mỹ Tâm cũng lấy quy chuẩn này để đòi bồi thường từ rất nhiều công ty nhạc chuông "xài chùa" khác. 

MT11-bee11-e7bcd
Mỹ Tâm thắng hàng tỉ đồng khi kiện công ty nhạc chuông "xài chùa" các ca khúc của cô để kiếm lời

Chiến thắng pháp lý của Mỹ Tâm tưởng chừng đơn giản, nhưng đánh dấu bước tiến lớn trong việc bảo vệ bản quyền sáng tác và biểu diễn của các nghệ sĩ Việt Nam. Sau đó, hàng loạt nghệ sĩ Vpop cũng lên tiếng đòi quyền lợi từ các công ty nhạc chuông, nhạc chờ vốn quen "xài chùa" trên sản phẩm của người khác để kiếm lời. Sự việc này cũng đánh dấu bước tiến triển trong việc bảo hộ quyền tác giả còn mới mẻ với showbiz Việt lúc bấy giờ.

Bắt tay với Youtube

Tháng 8/2012, Mỹ Tâm đã có dấu mốc đáng nhớ trong sự nghiệp của mình khi ký hợp đồng Youtube. Cô là nghệ sĩ Việt đầu tiên có kênh Youtube chính thức. Kênh Youtube của Mỹ Tâm thu hút lượt xem và bình luận rất lớn. Cái bắt tay này đánh dấu sự chuyên nghiệp hoá hơn trong đường đi của Mỹ Tâm và ê-kíp. Việc có kênh Youtube riêng khiến Mỹ Tâm còn giới thiệu được bản thân tới nhiều khán giả nước bạn. Do khâu quản lý chưa có kinh nghiệm, kênh Youtube mang tên Mytamtube đã bị đóng cửa. Sau đó, Mỹ Tâm lập kênh Youtube mới bằng chính tên Mỹ Tâm. Sau khi kí hợp đồng với Youtube, Mỹ Tâm sẽ được bảo hộ bản quyền âm nhạc trên trang web uy tín này.

my-tam-tung-mv-cho-ca-khuc-y-nghia-thuong-ca-tieng-viet-6-f07d6
Mỹ Tâm bắt tay với Youtube để bảo vệ bản quyền tác phẩm và khai thác kinh doanh quảng cáo

Sau Mỹ Tâm, hàng loạt nghệ sĩ Việt mới để ý nhiều đến những quyền lợi thu từ quảng cáo khi kí hợp đồng và có kênh Youtube riêng. Đây là việc làm mà nghệ sĩ ở các nền công nghiệp âm nhạc tiên tiến nhất đều áp dụng từ rất lâu để thu về quyền lợi của mình trên trang xem video miễn phí lớn nhất thế giới.

Yêu cầu rút nhạc khỏi các trang nhạc online không trả tiền tác quyền

Với sự phát triển mạnh mẽ của mạng Internet trong suốt thời gian qua, hàng loạt trang nghe nhạc trực tuyến xuất hiện và cho đăng tải rất nhiều ca khúc, kể cả những sản phẩm vừa xuất hiện trên kệ đĩa của nghệ sĩ. Trong khi các đơn vị đăng tải nhạc nhét túi khá nhiều tiền quảng cáo thì ca sĩ lại gần như không thu được gì, mà một lượng lớn chấp nhận đổi lại "quyền lợi" là được xuất hiện trên các trang nhạc này để quảng bá sản phẩm của mình đến khán giả. Tuy nhiên Mỹ Tâm lại không nghĩ vậy. Với vị trí và sức hút,  Mỹ Tâm quyết định thay đổi suy nghĩ này bằng việc yêu cầu các trang nhạc trực tuyến phải trả phí theo lượt nghe, lượt tải nếu muốn chia sẻ sản phẩm của cô.

sk1_IMG_6167_resize-f5b0f-e7bcd
Việc rút sản phẩm khỏi các trang nghe nhạc miễn phí là động thái kiên quyết của Mỹ Tâm, thúc đẩy việc bảo vệ quyền tác giả đang là đề tài nhức nhối với Vbiz

Động thái cứng rắn này của Mỹ Tâm khiến dư luận có nhiều ý kiến đa chiều. Có người đánh giá Mỹ Tâm chuyên nghiệp, nhưng cũng có ý kiến cho rằng cô đã tự thu hẹp hình ảnh, độ phủ sóng của mình khi rút sản phẩm khỏi những trang nghe nhạc có hàng triệu lượt truy cập như vậy. Thậm chí, có những phát ngôn khá buồn cười rằng Mỹ Tâm có được vị trí ngày hôm nay là nhờ sự ủng hộ của khán giả, thế nên cô nên "trả ơn" bằng cách cho mọi người thưởng thức âm nhạc của mình miễn phí. 

Nên nhớ, để sản xuất ra một bài hát, nhất là sản phẩm có chất lượng, đều phải đầu tư không ít tiền của, công sức và chất xám. Có thể nghệ thuật không được đánh giá chất lượng thông qua tiền bạc, nhưng người nghệ sĩ cần nhận được xứng đáng với những gì họ bỏ ra. Ca sĩ nên đòi quyền lợi của chính mình. Thay vì thoả hiệp với những điều đã cũ, những thứ đã đi theo lối mòn từ bao năm nay. 

tay2-c9c56-f479a
Apple từng phải nhượng bộ Taylor Swift khi đồng ý trả tiền bản quyền cho album của cô cùng các nghệ sĩ khác trong 3 tháng dùng thử của Apple Music

Một câu chuyện tương tự là cách đây không lâu, Taylor Swift từng kiên quyết đối đầu với một thương hiệu lớn như Apple khi quyết định không phát hành album 1989 của mình trên trang nghe nhạc trực tuyến Apple Music bởi chế độ 3 tháng dùng thử không trả tiền của Apple là thời gian quá dài. Động thái này của Taylor đã nhận được vô số tranh luận từ khán giả. Taylor cũng chia sẻ cô đã rất sợ khi đăng tải bức thư gửi tới Apple trên trang cá nhân của mình. Tuy nhiên, sự dũng cảm của Taylor đã được đền đáp. Eddy Cue, Phó Chủ tịch mảng Phần mềm và Dịch vụ Internet của Apple, nói: "Khi tôi thức dậy sáng nay và đọc những gì Taylor viết, tôi thực sự cảm thấy chúng tôi cần thay đổi và do đó chúng tôi quyết định sẽ trả tiền cho nghệ sỹ cả trong giai đoạn người dùng dùng thử". Với sức ảnh hưởng của mình, Taylor đã dám đấu tranh cho quyền lợi mà mình đáng được hưởng. Không những vậy, cô ấy còn giúp nhiều nghệ sĩ khác được hưởng phần xứng đáng của họ. Vậy thì rõ ràng việc làm của Mỹ Tâm là hoàn toàn đáng được ủng hộ.

Đòi hỏi quyền lợi khi đi lưu diễn

10-b55cb-ed842
Mỹ Tâm luôn hết mình khi làm việc nhưng cô cũng có những yêu cầu với bầu show để bản thân thoải mái nhất

Những ngày qua, việc Mỹ Tâm chia sẻ những yêu cầu của cô đối với bầu show mỗi khi đi diễn nước ngoài trở thành đề tài tranh luận sôi nổi. Theo nữ ca sĩ chia sẻ, cô đặt ra một số yêu cầu về khách sạn mình ở từ 4 đến 5 sao, xe riêng đi lại... để cảm thấy thoải mái, an tâm trong công việc. Với vị trí ngôi sao hàng đầu như Mỹ Tâm thì rõ ràng đây là những thỏa thuận hết sức bình thường, hợp lý giữa ca sĩ và nhà tổ chức chương trình nhưng nó lại bị một bộ phận nhận xét là "yêu sách". Từ trường hợp Mỹ Tâm mới thấy rất nhiều sao Việt đang bị "lờ" đi quyền lợi mà mình cần phải có khi đi lưu diễn. Và có lẽ từ đây, nhiều ca sĩ Việt cũng sẽ mạnh dạn đòi hỏi những quyền lợi đúng với tên tuổi và công sức của mình để có thể tập trung làm việc một cách tốt nhất. 

Tạm kết

Nhà thơ, triết gia người Mỹ Ralph Waldo Emerson từng có một câu bất hủ: "Đừng theo lối mòn, hãy băng qua nơi không có dấu chân để tạo nên con đường". Mỹ Tâm đã là người tiên phong trong việc chuyên nghiệp hoá hoạt động nghệ thuật, đòi quyền lợi chính đáng mà người nghệ sĩ được hưởng. Cô còn tạo tiền đề cho nhiều nghệ sĩ khác dám lên tiếng đấu tranh để bản thân không chịu thiệt thòi. Vùng đất mới bao giờ cũng khó đi, nhưng nhiều người đi thì sẽ thành đường. Từ trường hợp Mỹ Tâm, đã đến lúc nghệ sĩ Việt cần có những yêu cầu cao hơn trong sự chuyên nghiệp và dám làm những điều để bảo vệ quyền lợi của mình một cách chính đáng.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày