Bàn về danh hiệu hoa hậu trong thời đa nghi, thích "phán xét"

Hồng Quang Minh, Theo Trí Thức Trẻ 23:56 14/11/2015

Dư luận nhìn vào Hoa hậu bằng ánh nhìn đa nghi, dò xét. Họ là một phía của cán cân đưa giá trị ảo của Hoa hậu tăng lên, giá trị tốt ngày một bị xóa nhòa. Nếu như số ít Hoa hậu thực hiện được đúng và đủ trách nhiệm của mình, tại sao đó vẫn là một danh vị gây thèm muốn.

Mỗi năm, có rất nhiều cuộc thi Hoa hậu, Hoa khôi trên khắp cả nước. Và dù các cuộc thi có nhiều thế nào thì số lượng thí sinh tham gia chắc chắn không bao giờ thiếu. Danh hiệu hoa hậu, là thứ gây thèm muốn cho nhiều cô gái. Dù người đạt được danh hiệu phải đối mặt với không ít vấn đề sau khi đăng quang. Và chắc chắn bất kì ai cũng phải chịu áp lực, sự soi mói từ dư luận. Chuyên gia về truyền thông - anh Hồng Quang Minh đã chia sẻ quan điểm cá nhân của mình thông qua góc nhìn của một người làm truyền thông về vấn đề này. 

Dưới đây là chia sẻ cá nhân của anh Hồng Quang Minh:

Nhìn từ góc độ truyền thông, Hoa hậu không khác mấy với một quả bóng bị thổi căng. Quả bóng bị thổi một cách “xỏ xiên” nhiều phía khiến cho nó gây chú ý một cách lùng bùng. Điều đó tạo nên sự nghi kị và dò xét khi có một Hoa hậu mới xuất hiện. Người ta ít thắc mắc về việc cô Hoa hậu mới này đã làm vừa vặn chiếc áo mới của mình ra sao, mà có xu hướng chờ đợi những “trò lố” để ném đá nhiều hơn.

Những điều lành mạnh từ các cuộc thi Hoa hậu cho đến “đầu ra” bị lên án một cách thiếu tích cực, sự định hướng yếu kém của một bộ phận truyền thông “lá cải” khiến bản thân những cô gái non nớt 19, 20 cũng không biết mình được đẩy vào một cuộc thi khốc liệt không kém một đấu trường với đủ thủ đoạn, bon chen, trò xấu để làm gì. Chúng ta làm mất đi động lực trong sáng, mà một cuộc thi vốn dĩ phải có, và tạo nên quán tính tư duy xấu dở một cách có tổ chức.

hoahau-64ffa
Kỳ Duyên bị coi là "Hoa hậu bất hạnh" khi bị soi mói quá mức về mọi động thái nhỏ nhặt nhất

Mới đây, cô Hoa hậu Việt Nam 2014 Kỳ Duyên, người mới nhận thêm danh xưng "Hoa hậu bất hạnh" sau một loạt scandal ngớ ngẩn như: Đưa vòng 3 lộ liễu trên giường, chụp ảnh để chân bẩn, mặt đơ trong sự kiện, nói ngoại ngữ chán dù học chuyên ngữ..., lại bị xoáy sâu hơn vào "hố đen" của scandal để mẹ nâng váy, sửa áo trong sự kiện với gương mặt... vô cảm. Điều này trở nên ngớ ngẩn hơn khi sự việc này bị "bôi" ra để đưa cô vào sự so sánh khập khiễng với hành động Tân Hoa hậu Thái Lan quỳ gối trước người mẹ nghèo. 2 bối cảnh hoàn toàn khác biệt được đưa lên bàn cân lại vô tình đẩy Kỳ Duyên, và hình ảnh Hoa hậu Việt nói chung vào sự thất vọng của công chúng. Việt Nam không có văn hoá quỳ để thể hiện chữ hiếu như người Thái. Hành động Hoa hậu Thái Lan quỳ dưới chân mẹ là sự rung cảm nhẹ nhàng nhưng sâu sắc. Hành động ấy giữa 2 mẹ con đã đủ đẹp, nhưng được khoác thêm ánh hào quang sau khi người đẹp 17 tuổi đăng quang thì càng lộng lẫy. Còn với Kỳ Duyên, dù gạt bỏ sự so sánh có phần bới móc với Hoa hậu Thái Lan, bối cảnh đó cũng không phải một điều đáng để lên án. Người mẹ muốn nâng váy cho con mình có gì sai? Sự vội vàng của công việc? Kỳ Duyên không thể nâng chiếc váy quá dài?... và trên hết, một khoảnh khắc không thể gói gọn được chuỗi hành động xảy ra trong bối cảnh cụ thể. Có thể Kỳ Duyên còn nhiều điều cần hoàn thiện và trưởng thành hơn, nhưng cách bình luận và góp ý thực tâm hay chỉ để gây chú ý cũng sẽ tác động đến cô đương kim Hoa hậu này ít nhiều.
 
Trở lại các cuộc thi Hoa hậu, những phần trả lời đối đáp ngớ ngẩn và thể hiện sự nông cạn hoặc chẳng may “trúng tủ” khiến người xem không còn bất ngờ. Những lối đối đáp ứng xử thiếu thiện chí, hoặc được đào tạo một cách cơ học xuất hiện như cơm bữa. Điều tệ là nhiều cô sau này lại đạt ngôi vị “Hoa hậu thân thiện” (hài hước). Hoa hậu trở thành một cuộc chơi mà người ta quan tâm cô nào có đủ vòng 1, vòng 3 hấp dẫn trong vòng thi chắc chắn có rating truyền hình cao nhất là bikini. Những luận điểm có phần “vô tình” này để làm rõ một bức tranh tưởng mờ ảo mà đã rõ ràng, Hoa hậu vẫn có “giá” với công chúng, vẫn được săn đón. Nhưng đó là 2 hướng “giá” ngược chiều như cực âm dương. Nhưng lẽ dĩ nhiên, có “giá” thì người ta vẫn đổ xô đến mà không cần… xếp hàng.
 
18483_25_w5-64ffa
Hoa hậu luôn có "giá" với công chúng, vì thế nó luôn có sức hút mạnh mẽ

Công chúng có lỗi ở việc đổi danh vị Hoa hậu lấy cát-xê đi sự kiện ra sao? Hoa hậu cần đẹp, cần có một ekip hùng hậu hỗ trợ (trong điều kiện từng người), điều đó không xấu, Hoa hậu đi từ thiện rồi công bố thông tin, hình ảnh đó với báo chí, cũng không xấu. Hoa hậu có quyền chụp hình bikini, có quyền được phát ngôn gây chú ý… (miễn cô ấy nói thật, hoặc ít nhất là có lý). Tất cả những điều trên, dễ bị “ném đá” đến mức gây đau xót, một nỗi đau vô cùng tận. Những người chứng kiến có tâm đau đớn, nhưng bất lực. Công chúng từ tuyệt vọng, trở nên thờ ơ với những cái tốt mong manh, rồi (có phần “dã man”) “xiên xẹo” những cái “giá” ảo của Hoa hậu ngay sau ngày đăng quang.
 
Người ta đổ xô đi thi Hoa hậu vì nó dẫn đến vẻ vang về mặt danh tiếng khi thành công. Hoặc ít ra có “cơ” leo được đến ngôi Á hậu là cũng không lo tay trắng. Còn tuỳ việc sau cuộc thi các cô ấy làm truyền thông, hình ảnh ra sao. Ít người nghĩ được rằng, Hoa hậu là hành trình, chinh phục được hành trình đó là thành công, chứ không phải đạt được nó là thành công. Chính vì vậy, khi người ta leo đến đỉnh (Hoa hậu), người ta vận dụng cái thành công đó một cách ít bền vững nhất. Tất nhiên, trong guồng quay chung của thế giới “mì ăn liền” và Facebook, xu hướng đó sẽ khó đảo chiều, trừ khi xã hội gây ra được một “cú sốc”, một lời cảnh tỉnh về giá trị của Hoa hậu chẳng hạn, hoặc quả bóng kỳ vọng về Hoa hậu vỡ tung để thổi lại một quả bóng mới tròn đẹp hơn.
 
db209ec140488da33c0b0e78813f6ecd-c427e
Các Hoa hậu, Á hậu luôn nhận được vô số lời mời dự sự kiện hay đại diện nhãn hàng

Cuộc thi Hoa hậu là một thế giới thu nhỏ, vì vậy mà việc ra lò “sản phẩm” là một cô Hoa hậu, nó cũng như một ngành công nghiệp mới. Thế giới cũng vậy, Hoa hậu Hoàn Vũ, Hoa hậu Thế Giới, Hoa hậu Trái Đất, tất cả đều đặt nặng vấn đề thương mại lên hàng đầu, Việt Nam vốn giỏi việc “copy”, khó làm khác. Vậy đâu là nền tảng bền vững, dù nó thương mại? Khó để nói hay khẳng định kiểu “rỗng” là Hoa hậu cần có tâm hồn đẹp hay ứng xử văn minh, mà Hoa hậu là đại diện thiết thân nhất cho đỉnh cao của phái đẹp, cần phải nhìn thực tại một cách nhân văn và công bằng nhất trong giới hạn nguyên tắc được đặt ra. Chúng ta quen làm những thứ chung chung, quen những lời nói nhớ nhớ quên quên, nó sinh ra những điều không thật, và hàng nghìn cô gái theo đuổi một danh vị đó hàng năm, cũng không biết sự theo đuổi đó của họ thật được bao nhiêu phần.
 
Đẹp theo tiêu chí nào, ứng xử với các thang điểm khách quan ra sao, kĩ năng độc lập, ứng xử, thể lực… Chúng ta không có một bộ nguyên tắc như vậy, không xây dựng được thành văn bản, vẫn là những tranh luận với nhau bằng miệng. Hệ thống con số chúng ta quy đổi duy nhất từ đầu vào cho đến đầu ra là “số đo 3 vòng” (thí sinh) và “giá cát-xê event, quảng cáo” (đã thành Hoa hậu). Đấy, tính chất nó thể hiện ra ngay ở kết quả mà!