Thấy gì qua cái cúi đầu của ông Miura?

Lê Thương, Theo Trí Thức Trẻ 14:00 30/03/2015

Trước trận, HLV Miura thể hiện tham vọng rất lớn sẽ làm nên chuyện trước U23 Nhật Bản. Nhưng cuối cùng, ông đã biết cúi đầu chấp nhận bỏ qua cái tôi vì mục tiêu chung của U23 Việt Nam.

HLV Miura chịu ảnh hưởng rất lớn bởi phong cách của bóng đá Đức cổ điển dù là người Nhật. Ông "tôn thờ" lối chơi thực dụng, chắc chắn, đề cao sức mạnh tinh thần. Triết lý bóng đá ấy rất phù hợp với những đội bóng yếu thế, và đó lý do ở Nhật Bản, ông Miura đã thành công khi đưa những CLB J.League 2 lên thi đấu ở J.League 1. 

Tuy nhiên, chính triết lý bóng đá ấy đã khiến ông Miura không được coi trọng ở quê hương, một vùng đất vốn ưa chuộng bóng đá đẹp, hoa mỹ và được ví như Brazil của châu Á. Ông Miura bị thất nghiệp một thời gian dài cũng chỉ vì triết lý bóng đá của ông bị đa số người làm bóng đá ở Nhật chỉ trích, đến ngay cả các cầu thủ cũng từng thẳng thừng phản đối tư duy bóng đá mang đậm chất Đức của vị chiến lược gia sinh năm 1963 này. 

Thế nên, khi dẫn dắt đội tuyển U23 Việt Nam đối đầu với Nhật, không khó để thấy khát vọng cháy bỏng của ông Miura muốn dùng chính triết lý bóng đá của mình để cho người Nhật biết là những đánh giá của họ đã sai, và ông mới là đúng. 


HLV Miura đã có một chiến thuật hợp lý trước U23 Nhật Bản.

43 phút đầu tiên, ông Miura đã phần nào làm được điều đó, khi dù cầm nhiều bóng hơn, nhưng một đội đẳng cấp cao hơn như Nhật Bản vẫn chỉ tung ra được 3 cú dứt điểm về phía khung thành của thủ môn Minh Long, trong đó ngoài cú sút của Takumi bóng đi chệch cột dọc trong gang tấc thì 2 cú sút còn lại đều thiếu chính xác. 

Nếu như quả đánh đầu của Tấn Tài cuối hiệp 1, hay ở hiệp 2 là pha đệm bóng cận thành của Ngọc Hải chính xác thì có thể ông Miura ngẩng cao đầu với những con tính và tham vọng cháy bỏng của mình. 

Nhưng càng thi đấu, ông Miura đã nhận ra rằng dù có chơi với 200% sức lực, thì khoảng cách về trình độ giữa 2 nền bóng đá vẫn là khá lớn và không dễ gì san lấp. Cũng từ lúc ấy, những quyết định thay người của ông Miura đã thể hiện rất rõ, một sự thay đổi trong suy nghĩ của ông trước và trong trận đấu này. 

Ông không thể mạo hiểm đẩy đội hình lên cao để tìm kiếm bàn gỡ, ông cũng không tung vào sân những cầu thủ tấn công. Mà thay vào đó, 2 lần liên tiếp ông đưa những cầu thủ tiền vệ phòng ngự để đảm khả năng phòng thủ. 

Nên nhớ, thời điểm hiệp 2, phía Nhật Bản đã chủ động chơi chậm và giăng sẵn cái "bẫy" để U23 Việt Nam dâng lên, qua đó tìm được khoảng trống trước khung thành của thủ môn Minh Long vốn đã được xây dựng như một chiếc xe bus 2 tầng. 

Những phút bù giờ cuối trận, lúc mà cầu thủ U23 Việt Nam đang tràn đầy tự tin và kiểm soát bóng tốt hơn, ông Miura hoàn toàn có thể chơi canh bạc "ăn cả ngã về không" hòng đạt được tham vọng ít nhất trận hòa trước Nhật Bản của mình. 


Các cầu thủ U23 Việt Nam đã chơi với 200% khả năng ở trận đấu với U23 Nhật Bản tối qua.

Nhưng không, khi chứng kiến các cầu thủ mải mê tấn công, ở bên ngoài đường pitch, ông Miura lại tỏ ra bực dọc và quyết định có 1 sự thay đổi người nhằm kéo dài thời gian để bảo toàn tỷ số, dù phía Nhật Bản cũng không dồn hết lực để tìm kiếm bàn thắng thứ 2. Tiếc là, con tính của ông Miura một lần nữa không thành khi Văn Toàn chưa kịp vào sân, hành động "câu giờ" của ông chưa được thực hiện thì Nhật Bản đã có bàn thắng thứ 2. 

Trong phòng họp báo sau trận đấu, điều ông Miura cảm thấy tiếc nuối nhất không phải là 2 cơ hội bị bỏ lỡ để có thể có một tỷ số hòa, mà do chúng ta 0-2 chứ không phải là 0-1. 

Ông Miura cay đắng thừa nhận bóng đá Việt Nam vẫn cách một quãng khá xa so với bóng đá Nhật Bản. 

Ông Miura đã sẵn sàng chấp nhận cúi đầu phận dưới cơ đối thủ. Ông cũng chấp nhận bỏ đi tham vọng khẳng định cái "tôi" bản thân của mình, tất cả đơn giản vì ông nhận ra rằng điều tốt nhất cho mục tiêu mà đội tuyển, đó là một trận thua sít sao nhằm có lợi trong tính toán đường dài. 

Nói cách khác, ông Miura đã biết chấp nhận thua 1 trận đấu, từ bỏ tham vọng khẳng định giá trị của mình, để cùng đội tuyển thắng trong cả cuộc chiến đường dài. 

Tiếc rằng, những toan tính của ông Miura vẫn xuất hiện những sai số mà có lẽ bản thân ông không lường trước được. Sai số từ việc Huy Toàn bị chấn thương, sai số từ việc Phước Thọ không thể trở lại và ông chỉ còn lựa chọn Đức Lương, Văn Thanh ở 2 biên. Và sai số từ việc ông tung Hùng Dũng vào sân và chỉ vài phút sau phải rút cầu thủ này ra ngoài. 

Nhưng với bóng đá Việt Nam, những sự tiếc nuối và cả cái "cúi đầu" chấp nhận thua cuộc của ông Miura lại đáng mừng hơn đáng lo, bởi đá với một đội bóng đẳng cấp như Nhật Bản, khi trận đấu kết thúc chúng ta còn tiếc nuối, nghĩa là chúng ta có những cơ hội để tiến gần đến đẳng cấp của họ.