Soi sạn phim Việt không phải vì bài xích, mà vì còn quan tâm và kì vọng!

Bảo Anh, Theo Trí Thức Trẻ 12:36 13/10/2018

Lần lượt các bộ phim Việt hot nhất hiện nay như Hậu Duệ Mặt Trời, Quỳnh Búp Bê,… đều bị đem ra mổ xẻ, soi sạn. Có những ý kiến đúng, nhưng cũng không thiếu những ý kiến quá khắt khe. Tuy nhiên, đó là vì khán giả còn quan tâm và kì vọng. Bởi nếu ghét thì đã chẳng ai quan tâm.

Dù chưa thực sự phát triển nhưng vẫn phải công nhận một điều rằng, so với cách đây chỉ 5 năm thì nền điện ảnh Việt Nam nói riêng, phim ảnh Việt Nam nói chung đã có bước tiến rất rộng ở nhiều mặt. Điều này được thể hiện rất rõ không chỉ qua doanh thu phòng vé, lượng tương tác của khán giả, mà còn có cả sự chuyển mình của nội dung hay đường hướng khai thác các bộ phim.

Thế nhưng chúng ta vẫn cứ loay hoay mãi giữa những đánh giá chung chung về phim Việt của số đông. Như nhà báo Lê Hồng Lâm đã đặt một câu hỏi rất đúng: "Khán giả Việt yêu hay ghét phim Việt?", một câu hỏi bức thiết nhưng đầy vấn đề cần được quan tâm trước sự phát triển nhanh về ngành, về điều kiện.

Soi sạn phim Việt không phải vì bài xích, mà vì còn quan tâm và kì vọng! - Ảnh 1.

Những ngày qua, ở địa hạt truyền hình, người ta thấy rõ hai thái cực của khán giả: bài xích Hậu Duệ Mặt Trời bản Việt và yêu mến Quỳnh Búp Bê. Một phim bị "soi sạn" nhiệt tình, một bên được quan tâm hết mực theo từng tình tiết. Bản thân phim nào cũng có cai hay và cái dở nhưng thái độ khán giả dành cho phim khiến người ta vẫn phải đặt câu hỏi về phim Việt, rằng tại sao cứ chăm chăm soi sạn, rằng tại sao không trân trọng công sức cả đoàn phim.

Ngán ngẩm hiện thực cứ có phim là có sạn

Đã có một thời kì dài, nếu được rủ đi xem phim Việt thì khán giả đa số sẽ lắc đầu vì "Phim Việt mà cũng xem", "Đi xem phim Việt ngoài rạp chỉ tốn tiền". Những quan điểm tiêu cực ấy vô hình đánh giá thấp mặt bằng chất lượng của phim việt, đồng thời tạo ra một rào cản giữa phim Việt với khán giả chỉ bằng ba chữ ngắn gọn "không đáng xem".

Thực chất việc một bộ phận khán giả đưa ra nhận định như vậy là hoàn toàn hợp lý và có cơ sở. Khi ấy, phim ảnh Việt Nam chưa được đầu tư nhiều kinh phí, nội dung cũng không sâu và thiếu sự logic trong liên kết các chi tiết. Cho nên với khán giả, bỏ tiền ra để rồi tức anh ách trong rạp là điều chẳng ai muốn lựa chọn. Họ cũng từng cho phim Việt những cơ hội, nhưng với diễn xuất không tới, rồi phim mới nghe nhạc hiệu đã đoán hết kịch bản, không kịch tính, không bất ngờ, thì bị quay lưng là bình thường. Cứ thử tưởng tượng trong một mâm cơm, món ăn nhạt thếch như vậy liệu có ai muốn nếm thử hay không? Và nếu đã không nếm thử thì cũng chẳng ai biết trong đó có sạn chứ đừng nói nhặt.

Soi sạn phim Việt không phải vì bài xích, mà vì còn quan tâm và kì vọng! - Ảnh 2.

Poster và trailer rất hay nhưng cuối cùng Lời Nguyền Gia Tộc lại khiến khán giả thất vọng

Nhưng trong vài năm gần đây, những "hiện tượng" phim ảnh đã kéo được khán giả về với phim Việt. Dĩ nhiên trước Em Chưa 18 hay Người Phán Xử cũng đã có một vài cái tên khiến khán giả phải sửng sốt và bất ngờ về chất lượng phim. Thế nhưng việc các bộ phim ra sát nhau đã tạo nên sự cộng hưởng rất tốt. Khán giả đã có được cái nhìn công tâm hơn cho phim Việt. Họ dần thấy được những điểm tốt, đồng thời khi dành thời gian xem kĩ hơn, họ thấy được cả những mặt yếu kém, sai sót mà ta vẫn gọi vui là "sạn". Và phim nào càng dở, tất nhiên càng bị soi!

Soi sạn phim Việt không phải vì bài xích, mà vì còn quan tâm và kì vọng! - Ảnh 3.

Với tổng doanh thu 169 tỷ đồng, bộ phim của đạo diễn Lê Thanh Sơn trở thành tác phẩm điện ảnh ăn khách nhất từ trước đến nay tại phòng vé Việt Nam

Sở dĩ lại có những màn nhặt sạn đầy công phu, chủ yếu bởi hai lý do. Thứ nhất, một bộ phận khán giả vẫn bảo thủ ý kiến rằng phim Việt thực sự dở tệ. Đúng! Phim Việt còn dở, nhưng nói phim Việt tệ thì thật là bất công cho những nhà làm phim quá. Khán giả đánh giá thấp phim Việt bởi họ đang được tiếp nhận quá nhiều thành quả nghệ thuật từ những nền công nghiệp điện ảnh lâu đời. Nếu để so sánh, ngay trong khu vực đã có những cái bóng quá lớn mà chúng ta khó vượt qua như Hàn Quốc hay Trung Quốc, thậm chí là Thái Lan. Vậy nếu đặt cạnh các phim Âu – Mĩ, ở thời điểm hiện tại làm sao chúng ta có cửa?

Soi sạn phim Việt không phải vì bài xích, mà vì còn quan tâm và kì vọng! - Ảnh 4.
Soi sạn phim Việt không phải vì bài xích, mà vì còn quan tâm và kì vọng! - Ảnh 5.

Tháng Năm Rực Rỡ là một trong số hiếm những bộ phim remake nhận được cơn mưa lời khen

Thế nhưng khoan mộng tưởng về những miền xa vời như vậy. Điện ảnh Âu – Mĩ phải mất hơn 100 năm mới được như ngày hôm nay, trong khi chặng đường chúng ta đi mới được một nửa, so sánh như vậy chẳng là quá khập khiễng hay sao? Vậy nên hãy đặt sự so sánh trong cùng một hệ quy chiếu để thấy sự tiến bộ của điện ảnh Việt. Rõ ràng phim Việt vẫn có nhiều điểm chưa tốt, nhưng vùi dập nó, bài xích nó không có nghĩa là xoá được những điểm chưa tốt ấy.

Thế nhưng lý do chính cho việc khán giả mở "hội nghị nhặt sạn" trên các trang mạng xã hội là bởi khán giả quan tâm, kì vọng nhiều hơn ở phim Việt. Còn nhớ hồi Glee mới công bố sẽ được remake, khán giả chẳng rộ lên một làn sóng phản ứng gay gắt hay sao? Họ chỉ rõ diễn viên này chưa tốt ở điểm này, không hợp ở điểm này… Và thật may mắn là những điều ấy ekip và diễn viên đã nhận ra để kịp khắc phục trước khi phim lên sóng. Khi xem phim, khán giả cứ chú ý vào những điều không tốt đã tìm ra, để rồi phải gật gù công nhận Glee cũng không thảm hoạ như đã tưởng. Hơn thế, riêng phần âm nhạc trong phim còn được đánh giá cao.

Soi sạn phim Việt không phải vì bài xích, mà vì còn quan tâm và kì vọng! - Ảnh 6.

Dàn diễn viên từng bị phản đối của Glee Việt

Riêng với Hậu Duệ Mặt Trời, khi về với Việt Nam thì việc bị "soi" là điều khó tránh. Một bộ phim hoàn hảo từ trong phim đến ngoài đời, một tác phẩm mà phim thật, tình cũng thật như vậy thật khó để người ta lãng quên. Cho nên khi mới ra vài tập đầu, mà sau mỗi tập những topic nhặt sạn còn sôi nổi hơn nội dung chính thì đây là điều dễ hiểu. Mà thực ra, ngay cả đến bản gốc còn từng bị mổ xẻ chán chê rồi, thì bản remake khó lòng mà chỉn chu ngay được. Và chính vì bị soi xét như thế nên các nhà làm phim sẽ hiểu được cái tầm của khán giả bây giờ, để sau đó hoàn thiện những tác phẩm khác chỉn chu hơn.

Soi sạn phim Việt không phải vì bài xích, mà vì còn quan tâm và kì vọng! - Ảnh 7.

Chưa đến 1 giây mà hàng loạt kết quả được hiển thị

Có nhiều ý kiến cho rằng, việc lọc sạn dường như đang khắt khe quá. Ý kiến này đúng. Việc soi từng ngày, tháng, năm trên tờ lịch hay bia mộ trong Quỳnh Búp Bê thể hiện quá rõ điều này. Nhưng nếu không khắt khe thì làm sao điện ảnh nước nhà có thể tiến bộ hơn. Thêm nữa, dù khắt khe nhưng họ cũng không tẩy chay, không bài xích mà vẫn chú ý theo dõi bộ phim. Thời gian khán giả bỏ ra cho bộ phim chính là đang hoàn thiện một phần trong vòng tròn kiến tạo nghệ thuật. Lăng kính trong bộ phim đang là của tác giả, lăng kính ấy tác động đến khán giả và cuộc sống với cái nhìn chủ quan. Cho nên khi khán giả góp ý bổ sung, tác giả sẽ sự có sửa đổi ở những tác phẩm mới và khiến nó trở thành bài học chung cho mọi người.

Soi sạn phim Việt không phải vì bài xích, mà vì còn quan tâm và kì vọng! - Ảnh 8.

Trong ảnh, ông Cấn ăn Tết Nguyên Đán vào ngày 16/2/2018, nhưng bia mộ của Cảnh lại ghi ngày mất là 22/3/2017.

Nếu im lặng, tức là người ta chẳng còn để tâm nữa!

Ắt hẳn khi làm ra một bộ phim, nếu được lựa chọn khán giả xem nhưng không phản ứng hoặc xem xong đem ra mổ xẻ, thậm chí có những lời lẽ gay gắt thì chắc chắn ekip làm phim sẽ chọn ý thứ 2. Vì khán giả không phản ứng nghĩa là khán giả không quan tâm. Khán giả không lên tiếng bởi họ còn chẳng thèm xem, nên biết gì mà lên tiếng.

Chắc chắn các nhà làm phim không hề muốn nền phim ảnh nước nhà quay trở lại thời kì phải thua cuộc trên chính sân nhà so với các phim nước ngoài. Điều này sẽ đúng hơn nếu xét trên mảng phim truyền hình. Nếu xem phim truyền hình nước ngoài, khả năng cao bạn đang xem phim với đường link lậu, như vậy công sức của những người lao động nghệ thuật là bằng không. Mặt khác, việc chờ sub lại lời thoại cũng rất mất thời gian, chưa kể điều này sẽ một phần làm giảm ý nghĩa bộ phim muốn truyền tải.

Khán giả không quan tâm, không lên tiếng, không xem,… thực ra không đáng buồn bằng chuyện khán giả bằng lòng với thực tại của phim Việt. Chính những lần tặc lưỡi "Phim Việt chỉ đến thế thôi, mong gì", những lần nhún vai "Thôi phim Việt mà" là những cái hất tay trước mọi nỗ lực của những người lao động nghệ thuật. Sự bằng lòng ấy sẽ giết chết nhiệt huyết và sức sáng tạo của các nhà làm phim. Họ muốn làm, muốn cống hiến những tác phẩm hay, nhưng họ lại chẳng biết với hướng mình đi liệu đã đủ với khán giả chưa.

Soi sạn phim Việt không phải vì bài xích, mà vì còn quan tâm và kì vọng! - Ảnh 9.

Hậu Duệ Mặt Trời - phim được nhặt sạn nhiều nhất hiện nay

Tạm kết

Có thể nói, mối quan hệ giữa các nhà làm phim với khán giả là mối quan hệ hai chiều. Khi ý kiến của họ được công nhận và nhìn thấy sự sửa đổi, khán giả sẽ thích và tiếp tục theo dõi, góp ý. Còn các nhà làm phim, khi được hưởng ứng dù theo chiều hướng nào thì cũng sẽ có thêm nhiệt huyết để đưa tới cho xã hội điều hoàn hảo hơn. Chúng ta vẫn nhớ như in câu nói "thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi", vậy chẳng phải chính là khán giả đang rèn điện ảnh Việt bằng roi vọt hay sao?

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày