So với thế hệ 2, công chúng đã không còn “mặn mà “ với những nhóm nhỏ đến từ đời thứ 3

Thái An, Theo Trí Thức Trẻ 06:52 20/05/2019

Những sản phẩm của các unit đến từ thế hệ 3 đã không còn nhận được sự chú ý từ công chúng nữa, ngoài ra chính các công ty giải trí cũng không còn quá chú ý đầu tư cho các nhóm nhỏ so với thời kỳ hoàng kim của gen 2 nữa.

K-pop của gen 2 và gen 3 đã có quá nhiều sự khác biệt, không chỉ về hình ảnh, gu âm nhạc mà còn là cách thức định hướng chiến lược phát triển của công ty dành cho "gà cưng". Vào thời kỳ của những BigBang, Super Junior, SNSD, DBSK,.. ngoài những sản phẩm nhạc của nhóm, các công ty còn tạo điều kiện để phát triển các unit (nhóm nhỏ) để đem lại cho khán giả những màu sắc âm nhạc mới lạ cũng như tạo thêm hình ảnh tốt cho cả nhóm.

So với thế hệ 2, công chúng đã không còn “mặn mà “ với những nhóm nhỏ đến từ đời thứ 3 - Ảnh 1.

Gen 2 của K-pop với nhiều cá tính âm nhạc riêng biệt

Tiêu biểu vào thời kỳ này, có thể nhắc đến những unit nổi bật như GD&TOP, GD X Taeyang (BigBang), TaTiSeo (SNSD), D&E (Super Junior),… Nếu như những chàng trai của BigBang đem đến các ca khúc hip hop thời thượng, đầy cá tính cùng giai điệu bắt tai thì cặp bài trùng DongHae và Eunhyuk thu hút fan nữ nhờ những điệu nhảy mạnh mẽ, đầy lôi cuốn.

Và không thể không nhắc đến cặp đôi Trouble Maker đến từ CUBE với siêu hit cùng tên đã khiến người hâm mộ Châu Á "bấn loạn" trong một thời gian dài.

MV "Trouble Maker" - Trouble Maker

Tuy nhiên, câu chuyện từ thế hệ trước không thể hoàn toàn áp dụng ở thế hệ sau. Sự thật rằng các unit hiện nay từ các nhóm nhạc gen 3 chưa thực sự để lại được ấn tượng mạnh trong lòng công chúng như gen 2, nguyên nhân chủ yếu đến từ những lí do sau : âm nhạc thiếu đi cá tính, các unit không có sự khác biệt với nhóm nhạc gốc, thời điểm ra mắt không phù hợp.

Cá tính âm nhạc chính là sự khác nhau rõ rệt nhất giữa 2 thế hệ, những unit của BigBang dường như luôn đem đến những sản phẩm âm nhạc khác biệt với thị hiếu chung, tuy nhiên khi ra mắt lại nhận được sự phản hồi tích cực, ngoài ra D&E hay Trouble Maker đem lại những ca khúc nhạc dance có chất lượng và thể hiện được chất riêng của từng thành viên.

MV "Good Boy" - GD x Taeyang

Ngoài ra, phong cách âm nhạc của nhóm unit và nhóm chính không có sự khác biệt lớn. Các sản phẩm của BTOB-BLUE vẫn đa số là những ca khúc ballad, không khác lắm với những ca khúc của nhóm chính là BTOB, ngoài ra các unit cũng không có sự khác biệt về concept so với định hướng âm nhạc trước đó của nhóm khiến cho người hâm mộ thiếu đi cảm giác mới mẻ.

So với thế hệ 2, công chúng đã không còn “mặn mà “ với những nhóm nhỏ đến từ đời thứ 3 - Ảnh 4.

Âm nhạc của BTOB và BTOB-BLUE không có sự khác biệt lớn

Các unit thường được lập ra với 2 mục đích chính: duy trì các hoạt động của nhóm với hình ảnh mới mẻ và thể hiện được cá tính âm nhạc của từng thành viên. Tuy nhiên nhiều unit hiện nay đang không được ra mắt với những mục đích như thế, điều đó khiến cho phần lớn các unit không nhận được sự chú ý từ công chúng, ngoại trừ trường hợp của EXO-CBX nhận được ít nhiều sự thành công nhưng chủ yếu đến từ lực lượng fandom mạnh mẽ.

MV "Blooming Day" - EXO-CBX

Minh chứng lớn nhất cho thấy sự mờ nhạt của các unit đến từ gen 3 chính là sự hạn chế trong việc hoạt động của họ vào hiện nay, khi các công ty đã nhận thấy sự khó khăn để phát triển các dự án này, họ sẽ quyết định đóng băng những hoạt động liên quan đến các unit trong một thời gian dài.

Rõ ràng, khi các hoạt động âm nhạc càng được làm theo phương thức công nghiệp, cá tính của từng thành viên sẽ không quan trọng bằng con đường mà công ty định hướng. Từ đó các dự án unit được lập ra cũng sẽ chỉ đi theo con đường có sẵn mà nhóm nhạc chính đã tạo ra, vì thế sẽ không có quá nhiều sự khác biệt trong âm nhạc.

So với thế hệ 2, công chúng đã không còn “mặn mà “ với những nhóm nhỏ đến từ đời thứ 3 - Ảnh 6.

Cá tính âm nhạc của G-Dragon là một trong những lí do giúp cho các unit của BigBang đạt được thành công