Sinh viên Ngoại thương tạch Google vì câu hỏi: "Hãy kể câu chuyện thất bại của bạn", bật mí cách trả lời siêu khéo để nhà tuyển dụng nào cũng ưng

Vân Trang, Theo Tổ Quốc 20:24 04/06/2021

Sau lần tạch Google, cựu sinh viên FTU đã rút ra được bài học trước câu hỏi liên quan đến điểm yếu của bạn là gì.

Để trở thành nhân viên của công ty, bạn luôn cần phải trải qua cuộc phỏng vấn. Nhiều câu hỏi tưởng chừng cơ bản như "điểm mạnh/yếu của bạn là gì", "kế hoạch trong 5 năm tiếp theo"... nếu không được trả lời đúng thì cũng có thể khiến bạn bị tạch khỏi công ty.

Anh chàng Minh Đạo là cựu sinh viên trường Đại học Ngoại thương, từng làm việc 6 năm tại Microsoft, Nielsen và Boston Consulting Group mới đây đã có những chia sẻ khi trả lời câu hỏi: "Hãy kể một câu chuyện thất bại của bạn".

Tưởng chừng chỉ là câu phỏng vấn bình thường, song chính vì sự chưa chuẩn bị tốt mà anh chàng này đã bị tạch khỏi Google. Làm sao để qua được ải này dễ dàng? Và dưới đây là chia sẻ của Minh Đạo:

Sinh viên Ngoại thương tạch Google vì câu hỏi: Hãy kể câu chuyện thất bại của bạn, bật mí cách trả lời siêu khéo để nhà tuyển dụng nào cũng ưng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

"LÝ DO MÌNH RỚT GOOGLE

Năm 2018, khi mình phỏng vấn cho Google Singapore cho chương trình APMM. Mình vượt qua hai vòng CV và PV Nhân sự, để đến tới vòng phỏng vấn với Hiring Manager. Mọi thứ diễn ra khá ổn, đến khi mình được hỏi câu hỏi như sau

Câu hỏi: 'Hãy kể một câu chuyện thất bại của bạn'.

Trả lời: 'Vào năm 2015, có một lần, em đã bị lỡ mất một cuộc gọi của sếp cho một cuộc họp đột xuất quan trọng bên ngoài với khách hàng. Sếp sau đó là có chê em khá nặng lời. Nói thiệt là em rất buồn và... trầm cảm. Và từ đó em luôn cố gắng luôn để ý điện thoại để không bao giờ để bản thân mình lâm vào tình huống này bao giờ nữa'.

Nói thiệt là mình không chuẩn bị cho câu này, nên chọn một chuyện cũng hơi... trớt quớt. Chi tiết mình sẽ nói ở bên dưới, nhưng ngắn gọn thì là, câu chuyện này (1) chỉ nêu lên vấn đề, nhưng thiếu những giải pháp và sự cải thiện cụ thể và (2) thừa các chi tiết và cảm xúc tiêu cực (thất vọng, buồn bã) khiến cho người nghe cũng không thấy thoải mái. Tóm lại, khi trả lời như vậy, mình là người không có giải pháp và rất tiêu cực trước thử thách. Rớt là phải rồi!

Sinh viên Ngoại thương tạch Google vì câu hỏi: Hãy kể câu chuyện thất bại của bạn, bật mí cách trả lời siêu khéo để nhà tuyển dụng nào cũng ưng - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

ĐIỂM YẾU KHÔNG PHẢI LÀ GÌ?

Trở lại với chủ đề chính của chúng ta, hãy nhìn nhận một điều: 'Điểm yếu không phải là gì?'.

1. Điểm yếu không phải là tính cách (hoặc giống như tính cách)

Một vài bạn, nếu không chuẩn bị, hay trả lời: 'Em là người rụt rè' hay 'Em là người nóng nảy'. Khi trả lời như vậy, bạn đang muốn nói với nhà tuyển dụng: 'Đây là những tính cách của tôi. Chúng rất khó thay đổi. Tôi đã như vậy và sẽ luôn như vậy'.

Đôi khi cách nói của bạn cũng khiến cho một điểm yếu vốn là một hành vi, trông giống như một tính cách không đổi. Ví dụ như lỗi thường gặp nhất của người trẻ: 'Em là người hay trễ deadline'. Rõ ràng là bạn chỉ đã từng trễ deadline MỘT VÀI LẦN. Nhưng cách nói này khiến cho bạn giống như là người LUÔN LUÔN trễ deadline.

Với cách nói này bạn đang thể hiện mình là một người không có chí cầu tiến. Không có ý thức cải thiện những điểm yếu của bản thân.

2. Điểm yếu không phải là 'điểm mạnh giả mạo'/ 'điểm mạnh giả đò làm điểm yếu'

Những bạn chịu khó google cách trả lời câu hỏi này, thường copy-paste những câu trả lời mẫu trên mạng. Chúng không phải là những điểm yếu THỰC SỰ của chính bạn mà là những điểm yếu chấp nhận được của số đông. Tệ hơn, chúng thường là những điểm mạnh giả đò làm điểm yếu. Ví dụ như

- Dạ điểm yếu của em là sự cầu toàn.

- Điểm yếu của em là em làm việc quá nhiều.

Bạn tin đi, nhà tuyển dụng đã phỏng vấn hàng trăm, nếu không nói đến hàng ngàn ứng viên. Nếu nghe câu trả lời kiểu này, họ sẽ cho rằng bạn là một người máy móc, trả lời lạc đề, hoặc thậm chí giả tạo, giấu giếm điểm yếu thực sự của bản thân.

Sinh viên Ngoại thương tạch Google vì câu hỏi: Hãy kể câu chuyện thất bại của bạn, bật mí cách trả lời siêu khéo để nhà tuyển dụng nào cũng ưng - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

ĐIỂM YẾU THỰC SỰ LÀ GÌ?

Một điểm yếu THỰC SỰ là một vấn đề của cá nhân bạn xuất hiện TRONG MỘT TÌNH HUỐNG CỤ THỂ, mà bạn đã CÓ NHỮNG HÀNH ĐỘNG CẢI THIỆN và có KẾT QUẢ TÍCH CỰC.

Một ví dụ cho cách trả lời ở trên. Thay vì nói em là người HAY TRỄ DEADLINE, hay là người chưa quản lí tốt thời gian. Bạn có thể nói như sau:

Ví dụ: Khi em mới bắt đầu đi làm tại công ty X vào khoảng năm 2016, em có được giao những dự án mới, những công việc mới. Lúc đó em hay bị hoàn thành công việc sau deadline đã cam kết. Ví dụ em cam kết deadline 3 ngày nhưng thực tế làm đến 5 ngày. Nguyên nhân là do thiếu kinh nghiệm, em thường đánh giá thấp những tiểu tiết của công việc và cam kết deadline ngắn hơn thời gian thực tế. Điều này khiến cho em thường phải làm việc nhiều giờ hơn nhưng vẫn bị nhìn nhận như là một người làm việc thiếu trách nhiệm, trễ deadline. [Còn tiếp...]

Như bạn thấy, đầu tiên đây phải là một ĐIỂM YẾU THỰC. Bạn bị trễ deadline (hậu quả) do chưa ước tính được thời gian cần hoàn tất cho công việc của bạn (nguyên nhân). Thứ hai, những điểm yếu này xuất hiện trong một tình huống cụ thể (trong những dự án mới, công việc mới).

Sinh viên Ngoại thương tạch Google vì câu hỏi: Hãy kể câu chuyện thất bại của bạn, bật mí cách trả lời siêu khéo để nhà tuyển dụng nào cũng ưng - Ảnh 4.

Ảnh minh họa

Ví dụ [tiếp tục]: Khi được sếp góp ý, em cũng nhận thấy đây là một điểm yếu quan trọng cần cải thiện. Em đã cải thiện bằng 3 cách. Đầu tiên hỏi những anh chị đồng nghiệp đã làm những công việc tương tự để đưa ra những deadline sát thực tế hơn. Thứ hai, khi được giao công việc, em cũng cố gắng liệt kê chi tiết những điều bên trong để có thể thuyết phục được sếp chấp nhận một deadline phù hợp nhất. Thứ ba, em cải thiện cách giao tiếp với sếp, luôn cập nhật tiến độ công việc, chia sẻ những khó khăn và yêu cầu những sự hỗ trợ phù hợp để đạt được thời hạn đã đề ra.

Sau 6 tháng tập trung nhiều vào điểm yếu này, đánh giá cuối năm của em đã gia tăng lên 2 mức (trên thang điểm 5, từ 2 lên 4) về việc hoàn thành công việc đúng thời hạn.

Như bạn thấy, điều quan trọng hơn của một ĐIỂM YẾU TỐT là bạn phải đã có những hành động cụ thể để cải thiện tình hình (3 giải pháp để cải thiện) và có những kết quả tích cực (đánh giá cuối năm tăng).

Tóm lại, công thức để trả lời câu hỏi này có thể được viết như sau:

Trong những [Tình huống của thể], em hay có xu hướng [Làm gì đó tạo ra vấn đề cho công ty và team]. Điều này khiến cho em bị đánh giá như là một người [Điểm yếu cụ thể]. Sau khi được sếp feedback và suy nghĩ, em nhận ra điều này là do [Nguyên nhân cụ thể].

Em đã cố gắng [Làm điều gì đó để cải thiện]. Sau đó em đã cải thiện được điểm yếu này, cụ thể là [Kết quả định lượng hoặc lời khen của sếp/ đồng nghiệp]

Sinh viên Ngoại thương tạch Google vì câu hỏi: Hãy kể câu chuyện thất bại của bạn, bật mí cách trả lời siêu khéo để nhà tuyển dụng nào cũng ưng - Ảnh 5.

Ảnh minh họa

CÁCH TÌM RA CÂU TRẢ LỜI CHO CÂU HỎI:

Mình có 2 câu hỏi để giúp tìm ra điểm yếu

1. Đâu là những thất bại lớn bạn đã gặp phải trong quá khứ? Đâu nguyên nhân cốt lõi TỪ PHÍA BẠN gây ra những thất bại này?

2. Đâu là một feedback quan trọng mà sếp đã đưa cho bạn trong quá trình làm việc? Bạn có đồng tình với feedback đó (có) và nhận thấy nguyên nhân cốt lõi từ phía bạn?

Lúc này bạn sẽ có một danh sách những điểm yếu của riêng bạn. Đừng lo, danh sách này hoàn toàn của cá nhân bạn và bạn không cần phải cho ai thấy.

Từ đây, hãy chỉ lựa chọn những điểm yếu bạn ĐÃ CÓ NHỮNG HÀNH ĐỘNG CẢI THIỆN và CÓ KẾT QUẢ cụ thể. Hãy viết rõ câu chuyện của những điểm yếu đó và sẵn sàng chia sẻ trong buổi phỏng vấn.

Nếu chưa cải thiện, tốt nhất bạn đừng nói những điểm yếu đó. Đẹp khoe xấu che thôi mà! Ở hậu trường thì bạn đi cải thiện chúng thôi".

Nguồn: Lê Minh Đạo