Sinh viên HUTECH ứng dụng vi khuẩn lactic giành giải Nhất Nghiên cứu khoa học cấp Bộ

Quang Vũ, Theo Trí Thức Trẻ 13:30 05/12/2019
Chia sẻ

Đó là ứng dụng để xử lý hạt đậu phộng trước khi gieo trồng, diệt mốc sinh aflatoxin B1 - một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ung thư gan tại Việt Nam hiện nay. Chế phẩm sinh học này cũng cho thấy hiệu quả hơn hẳn so với các giải pháp hiện có như ngâm nước nóng hay ngâm hóa chất diệt nấm trước khi gieo trồng.

Với đề tài nghiên cứu ứng dụng vi khuẩn lên men lactic này, nhóm sinh viên ngành Công nghệ sinh học, trường Đại học Công nghệ TP.HCM - HUTECH gồm Nguyễn Bảo Trân, Nguyễn Ngọc Gia Bảo, Trần Minh Thư vừa xuất sắc giành giải Nhất tại Giải thưởng Sinh viên NCKH cấp Bộ năm 2019 (diễn ra tại Hà Nội ngày 1/12 vừa qua).

Hạt giống xử lý bằng vi khuẩn lactic, số tia củ tăng 2.5 lần

Nói về lý do chọn đề tài, trưởng nhóm nghiên cứu Nguyễn Bảo Trân cho biết: "Mọi người đều biết là ở Việt Nam tỷ lệ mắc ung thư gan rất cao. Nguyên nhân phần lớn đến từ thực phẩm hằng ngày, nhất là những loại hạt như bắp hay đậu phộng. Nên việc xử lý hạt trước khi gieo sẽ giúp ngăn ngừa mầm bệnh từ gốc".

Sinh viên HUTECH ứng dụng vi khuẩn lactic giành giải Nhất Nghiên cứu khoa học cấp Bộ - Ảnh 1.

Nhóm sinh viên HUTECH nhận giải Nhất tại Giải thưởng Sinh viên NCKH cấp Bộ 2019

Với sự hướng dẫn của TS. Nguyễn Hoài Hương (giảng viên ngành Công nghệ sinh học HUTECH), quá trình nghiên cứu của nhóm gồm định danh, khảo sát hoạt tính sinh học và ứng dụng của các chủng vi khuẩn lên men lactic phân lập từ thực phẩm lên men (nem chua), khảo sát ảnh hưởng của việc xử lý hạt đậu với vi khuẩn lactic đến cây đậu phộng sau khi gieo trồng. Kết quả cho thấy, xử lý vi khuẩn lactic làm tăng tỉ lệ nảy mầm từ 67% lên 77%, độ khỏe mầm từ 615 lên 1151. Sau 75 ngày trồng, cây có chiều dài tăng trung bình 22%, khối lượng tăng 100% và đặc biệt, số tia củ tăng 2.5 lần so với đối chứng.

Để có những con số này, nhóm sinh viên đã trải qua nhiều tuần lễ miệt mài trong phòng thí nghiệm. Trân kể, có những ngày - kể cả thứ bảy và chủ nhật, "phòng thí nghiệm khu E" (tức Trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao HUTECH, tọa lạc tại Khu Công nghệ cao TP.HCM, Quận 9) vẫn mở cửa cho các bạn nghiên cứu, so sánh, đối chiếu... Theo nguyên tắc, thí nghiệm phải tiến hành ít nhất 3 lần, nhưng không hiếm khi làm 5-6 lần mà kết quả vẫn cứ hoàn toàn khác nhau! Nản, buông, cô trò thảo luận tìm ra điểm sai sót rồi làm lại - cứ như thế, sau hai năm miệt mài, giải thưởng cao nhất đã mỉm cười với nhóm sinh viên HUTECH.

"Môi trường bắp cải" - giải pháp giá rẻ thay thế MRS ngay tại trang trại

Bên cạnh việc phân lập các chủng L5, L3, L2N, một đóng góp nổi bật khác giúp đề tài nghiên cứu "Ứng dụng vi khuẩn lên men lactic xử lý hạt đậu phộng" được Hội đồng khoa học đánh giá cao là nghiên cứu và đưa ra được giải pháp sử dụng bắp cải làm môi trường nuôi cấy thay thế MRS truyền thống. Cụ thể, dịch chiết nước bắp cải bổ sung 12 g/L đường glucose và 15 g/L peptone (tức chỉ 3 thành phần) đạt được sinh khối và hoạt tính sinh học tương đương MRS (gồm tới 10 thành phần).

Sinh viên HUTECH ứng dụng vi khuẩn lactic giành giải Nhất Nghiên cứu khoa học cấp Bộ - Ảnh 2.

Bảo Trân giới thiệu kết quả nghiên cứu của nhóm tại Triển lãm Sinh viên NCKH 2019

Chọn môi trường lên men đơn giản rẻ tiền, tuy nhiên kết quả khảo sát cho thấy hoạt tính sinh học (ức chế nấm mốc sinh aflatoxin và hoạt tính hỗ trợ tăng trưởng cây trồng như phân giải lân, tổng hợp hormone tăng trưởng thực vật và tạo màng biofilm để bảo vệ rễ khỏi stress môi trường) không kém MRS truyền thống. Minh Thư, thành viên nhóm nghiên cứu chia sẻ: "Giá thành bắp cải chỉ dao động 10.000đ - 15.000đ/kg, "môi trường bắp cải" chính là giải pháp thay thế rất tốt cho MRS, mà có thể chế tạo ngay ở các trang trại, nhà vườn. Dùng bắp cải giá trị kinh tế cao, giúp tiết kiệm chi phí đáng kể so với chi phí xử lý hạt giống trước đây".

Gần 15 năm cho "con vi khuẩn L" - hành trình kết nối

Ngoài lời cảm ơn dành cho TS. Nguyễn Hoài Hương và các thầy cô phụ trách, quản lý phòng thí nghiệm Công nghệ sinh học tại Trung tâm Đào tạo nhân lực chất lượng cao HUTECH, nhóm Bảo Trân, Minh Thư, Gia Bảo đều nhắc nhiều đến "team cô Hương" đầy xúc động. Bảo Trân cho biết, giải pháp ứng dụng vi khuẩn lên men lactic và giải thưởng của nhóm không chỉ là thành quả của riêng ba bạn, mà là sự tiếp nối qua nhiều thế hệ sinh viên Công nghệ sinh học HUTECH, với sự hướng dẫn của TS. Nguyễn Hoài Hương.

Sinh viên HUTECH ứng dụng vi khuẩn lactic giành giải Nhất Nghiên cứu khoa học cấp Bộ - Ảnh 3.

Nhóm sinh viên cùng GVHD - TS. Nguyễn Hoài Hương trong niềm vui nhận giải

"Vi khuẩn chủng L được các anh chị "team cô Hương" phân lập từ năm 2009, khi sinh viên K2005, khóa đầu tiên ngành CNSH ĐH HUTECH làm đồ án tốt nghiệp. Mỗi năm mỗi nhóm nghiên cứu lại làm giàu hơn bộ sưu tập và đi sâu hơn một chút về hoạt tính sinh học, hướng ứng dụng và tụi em cũng tiếp tục nghiên cứu, phát triển những cái đó. May mắn của tụi em là được làm việc không chỉ với cô Hương mà còn với các anh chị, mọi người đều đã có công việc hết rồi nhưng khi tụi em gặp khó thì các anh chị rất nhiệt tình hỗ trợ, thậm chí là hẹn gặp trao đổi, trò chuyện vào cuối tuần..." - Bảo Trân cho biết.

Gác lại niềm vui giải thưởng, mỗi thành viên có một định hướng riêng. Minh Thư, Gia Bảo chọn đi làm để tích lũy kinh nghiệm, Bảo Trân mong muốn tiếp tục học lên và nghiên cứu thêm những ứng dụng của "con vi khuẩn L". Nhưng cả ba đều khẳng định mình sẽ còn gặp nhau trong những nghiên cứu của "team cô Hương" ở HUTECH, hỗ trợ các đàn em trong NCKH. Đó cũng là giá trị kết nối đáng quý trong khoa học, tạo nên một cộng đồng sinh viên - cựu sinh viên đủ nhiệt huyết để "truyền lửa" cho nhau, nuôi dưỡng đam mê nghiên cứu và tiếp tục đưa ra những hướng ứng dụng công nghệ vi sinh hiệu quả cho một nền nông nghiệp sạch.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày