Singapore, Zurich và New York được đề cử là các thành phố đắt đỏ nhất thế giới 2023

Quỳnh Chi, Theo VTV 09:03 05/12/2023

Singapore, Zurich và New York đứng đầu bảng xếp hạng các thành phố đắt đỏ nhất thế giới của tạp chí Economist năm nay.

Singapore và Zurich là những thành phố đắt đỏ nhất thế giới trong năm nay, Cơ quan Tình báo Kinh tế (Economist Intelligence Unit - EIU), chi nhánh thuộc Tập đoàn Economist cung cấp những dịch vụ dự đoán và cố vấn qua nghiên cứu và phân tích, tiết lộ trong cuộc khảo sát Chi phí sinh hoạt toàn cầu được công bố trong tuần qua.

Singapore, Zurich và New York được đề cử là các thành phố đắt đỏ nhất thế giới 2023 - Ảnh 1.

(Ảnh: Getty Images)

Theo kết quả nghiên cứu, Singapore duy trì vị trí là thành phố đắt đỏ nhất thế giới lần thứ 9 trong 11 năm qua. Cuộc khảo sát cho thấy, đây là quốc gia có giá vận tải cao nhất thế giới và cũng là một trong những quốc gia có giá quần áo, hàng thực phẩm và rượu đắt nhất.

Zurich (Thụy Sĩ) đã tăng từ vị trí thứ sáu để ngang bằng với Singapore do giá thực phẩm, đồ gia dụng và giải trí tăng, cũng như sức mạnh của đồng Franc Thụy Sĩ. New York tụt xuống vị trí thứ ba, đồng hạng với Geneve (Thụy Sĩ), trong khi Hong Kong (Trung Quốc) đứng thứ năm.

Nằm trong top 10 thành phố đắt đỏ nhất thế giới năm nay còn có Paris (Pháp), Copenhagen (Đan Mạch), Los Angeles (Mỹ), San Francisco (Mỹ) và Tel Aviv (Israel). Báo cáo lưu ý rằng cuộc khảo sát được thực hiện trước khi xung đột leo thang ở Dải Gaza vào tháng 11.

Cuộc khảo sát cho thấy, Tây Âu chiếm 4 trong số 10 thành phố đắt đỏ nhất do lạm phát cao liên tục, đặc biệt là giá thực phẩm và quần áo. Các nhà nghiên cứu cho biết, các thành phố lớn của Nga gồm Moscow và St. Petersburg đã tụt hạng do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine đối với tỷ giá hối đoái của đồng Ruble.

Cuộc khảo sát đã phân tích giá cả của hơn 200 hàng hóa và dịch vụ tại 173 thành phố lớn trên toàn cầu. Các nhà nghiên cứu nhận thấy, trung bình giá ở tất cả các hạng mục đã tăng 7,4% so với năm 2022 tính theo đồng nội tệ. Con số này thấp hơn mức tăng kỷ lục 8,1% được báo cáo vào năm 2022, nhưng cao hơn đáng kể so với 5 năm trước. Giá các dịch vụ tiện ích dường như tăng với tốc độ chậm nhất trong năm qua ở hầu hết các thành phố, trong khi giá thực phẩm cho thấy mức tăng mạnh nhất.