Mới ngày 31/12/2017, cả showbiz cùng hàng triệu người hâm mộ trên toàn thế giới tạm quên đi những vụ bê bối, scandal, tai nạn, hay tất cả sự đau buồn, xáo trộn của giới nghệ sĩ trong năm 2017 để tập trung vào những con số đếm ngược mở ra một năm mới - cũng là một sự khởi đầu đầy hi vọng.
Vậy mà ngay buổi sáng ngày 1/1/2018, các trang săn tin lừng lẫy của châu Á đã chào đón năm mới một cách rất showbiz - "khui" chuyện tình cảm của ngôi sao quyền lực nhất châu Á G-Dragon cùng một người đẹp chẳng mấy xứng tầm, đào sâu bê bối ngoại tình trắng trợn của Lý Tiểu Lộ... Cũng phải thôi khi người ta nói rằng, showbiz vốn là chốn thị phi, không có bê bối và tranh cãi thì không phải showbiz. Nhưng có lẽ, thị phi của năm 2017 đem lại quá nhiều cú sốc lớn.
Có thể gói gọn năm 2017 vào hai từ bê bối và mất mát. Năm 2017 đánh dấu sự sụp đổ của "đế chế" nghệ sĩ đời đầu, thời kỳ gắn liền với tuổi thơ của thế hệ 8x, 9x. Không chỉ Kpop thoái trào, làng điện ảnh thế giới rơi vào bế tắc, khán giả còn chứng kiến sự ra đi đột ngột của hàng loạt nghệ sĩ huyền thoại như "thủ lĩnh Linkin Park" Chester Bennington, cố diễn viên Kim Young Ae, Kim Ji Young, Kim Joo Hyuk và thậm chí là cả một tài năng trẻ tưởng chừng như đang ở trong thời kỳ nở rộ nhất lại sớm lụi tàn - Jonghyun (SHINee).
Quay ngược lại thước phim cũ kỹ về làng giải trí vào khoảng 15-17 năm trước, khi các nhóm nhạc Kpop DBSK, Super Junior, SNSD, T-ara, Big Bang, 2NE1 hay các nghệ sĩ quốc tế như Britney Spears, Christina Aguilera, NSYNC, Backstreet Boys, Westlife tạo nên một đế chế hưng thịnh của làng nhạc thế giới. Đó là thời kỳ rực rỡ nhất, khi nghệ sĩ tạo nên hơi thở rất riêng của nghệ thuật, thổi một làn gió mới vào mọi ngõ ngách của làng giải trí. Khoảng thời gian này, scandal hay bê bối dường như bị lu mờ hết bởi những làn sóng nghệ thuật mới. Còn nhớ, những đứa trẻ ngồi ở ghế nhà trường như chúng tôi đã cảm thấy bồi hồi như thế nào khi một bài hát, album mới của các nhóm nhạc DBSK, Super Junior, T-ara ra mắt. Hồi xưa, đĩa nhạc là để nghe, album là kho báu mà mỗi cô cậu học sinh đều nâng niu và giữ gìn, chứ không phải là thứ đồ sưu tầm mua về để đó như ngày nay.
Sự bùng nổ của công nghệ thông tin kéo theo đà phát triển của các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông. Không chỉ nhạc số mà mọi thứ liên quan đến nghệ sĩ đều trở nên phổ biến trên các phương tiện online. Đó là khi các khái niệm về bình luận ác ý, netizen, antifan, tin đồn thất thiệt xuất hiện ngày càng nhiều. Chúng nghiễm nhiên trở thành con dao hai lưỡi đối với bất kỳ người nổi tiếng nào. Hoặc là lên hương, hoặc là bị nhấn chìm bởi hai chữ thị phi này.
Chỉ 2 năm sau thời kỳ hưng thịnh nhất, showbiz bắt đầu rơi vào hố đen. Năm 2008-2011, showbiz Hàn chứng kiến hàng loạt vụ tự tử liên hoàn gây ám ảnh của các nghệ sĩ tài năng như Choi Jin Sil, Park Young Ha, Jung Da Bin, ngôi sao "Vườn sao băng" Jang Ja Yeon, Han Chae Won... Hàng loạt vụ bê bối đã bóc trần bộ mặt thật của làng giải trí, trong đó bao gồm những vụ trao đổi tình tiền, hợp đồng nô lệ, tranh chấp quyền lực...
Nguyên nhân chính dẫn đến hàng loạt vụ tự tử chính là áp lực từ dư luận, áp lực thành công và sự xâm chiếm của căn bệnh trầm cảm. Người ta nói rằng, trầm cảm âm ỉ ăn mòn và nuốt chửng tâm hồn con người trong lúc họ yếu đuối nhất. Đúng vào khoảng thời gian giới nghệ sĩ khủng hoảng nhất, trầm cảm đã lẳng lặng nuốt chửng rất nhiều ngôi sao sáng trên bầu trời nghệ thuật thế giới.
5 năm sau thời kỳ đen tối đó, showbiz không mấy biến động nhưng vẫn hội tụ đầy đủ từ vinh hoa cho tới trái đắng như một quy luật bất biến. Nếu ví làng giải trí như câu chuyện tình yêu của hai ngôi sao thế giới đình đám Justin Bieber và Selena Gomez, thì thị phi chính là trò kéo đẩy, tan tan hợp hợp không có điểm kết của cặp đôi này.
Năm 2017, thời kỳ thoái trào từng xảy ra vào năm 2008 bất ngờ xoay vòng trở lại. Các nhóm nhạc đời đầu tan rã, các nghệ sĩ gạo cội qua đời, và thị phi bị kéo lên tới đỉnh điểm với những vụ scandal ma túy, tình dục. Tình trạng nghệ sĩ bị trầm cảm gia tăng, các vụ tự tử vì áp lực bắt đầu xuất hiện trở lại, đúng như tấn bi kịch diễn ra vào 9 năm trước. Tất nhiên thời kỳ mới luôn được xây dựng trên đà sụp đổ của thời kỳ cũ. Nhưng phải chăng, chúng ta đã mất mát quá nhiều trong vòng một năm 2017? Câu hỏi được đặt ra lúc này chính là: Nguyên nhân do đâu? Một lần nữa, thực trạng về sự gay gắt của dư luận lại được đưa lên chiếc bục công lý, nhưng ở đó, không ai có đủ can đảm và tầm ảnh hưởng để đứng lên phán xét.
Nghệ sĩ thời nay không còn gói gọn vào khái niệm một cá nhân có tài năng nữa mà là những hình mẫu hoàn hảo từ năng lực chuyên môn cho đến ngoại hình, nhân cách. Thay vì nhìn vào thực lực của một nghệ sĩ, khán giả chăm chú "soi" vào đời tư, ngoại hình của họ nhiều hơn. Việc báo chí, truyền thông, các phương tiện thông tin đại chúng online phát triển đã vô tình tiếp tay cho "những bà tám showbiz", đẩy những làn sóng chỉ trích lên cao. Điều này vô tình tạo ra một thứ áp lực vô hình nhưng lại có sức nặng hữu hình lên đôi vai của người hoạt động nghệ thuật.
Như tôi từng nói về trường hợp của cố ca sĩ Jonghyun hay "thủ lĩnh Linkin Park" Chester Bennington, người nghệ sĩ đến với nghệ thuật rất đơn thuần, nhưng những gì kéo theo lại khiến họ dè chừng với niềm đam mê của chính họ. Jonghyun và Chester Bennington đều là những nghệ sĩ tài năng. Họ đứng trên đà thành công, chuẩn bị gặt hái được quả ngọt trên chặng đường làm nghệ thuật dài hơn một thập kỷ. Nhưng ánh mắt phán xét, hàng trăm bình luận trái chiều và những tin đồn thất thiệt đã vô tình nhào nặn lên hình hài của những người nghệ sĩ sống theo kỳ vọng của công chúng và ra đi cũng một phần từ áp lực mà khán giả dồn lên vai họ.
So với ngày xưa, nghệ sĩ thời nay bị can thiệp đời tư quá sâu, từ chuyện tình cảm, gia đình, cho đến từng hành động, cú click chuột của họ trên mạng xã hội. Công chúng muốn tìm hiểu sâu về người nổi tiếng, nhưng lại không thể chấp nhận những mặt còn thiếu sót của họ.
Nghệ sĩ cũng không thể sống thật, bởi những gì thật nhất của họ đều bị công chúng đánh giá. Thị phi hay scandal của giới showbiz suy cho cùng đều bắt nguồn từ một từ "soi". Vậy nếu công chúng bớt "soi", bớt mổ xẻ, bớt can thiệp sâu, liệu showbiz có bớt thị phi?
Câu trả lời là có thể, nhưng chỉ là bề nổi.
Bề nổi, công chúng tạo nên áp lực cho giới nghệ sĩ. Về bề nổi, công chúng đang là nguồn cơn trong những vụ tự tử của sao hạng A. Nhưng không có sự quan sát của khán giả, nghệ sĩ liệu có động lực và quyết tâm để đi lên hay không? Không có sự gay gắt từ khán giả, có lẽ những kẻ bệnh hoạn của showbiz như Harvey Weinstein (kẻ quấy rối tình dục các nghệ sĩ nữ suốt 30 năm) vẫn còn nhởn nhơ với cuộc sống giàu sang của gã, và rồi làng nhạc thế giới sẽ tràn ngập những sản phẩm đạo nhái, nghệ sĩ sống thả phanh với thói ăn chơi, tha hóa phẩm chất.
Vậy mới nói, sự khó tính của khán giả chính là thử thách mà người nghệ sĩ, người nổi tiếng phải vượt qua để xứng đáng với những gì xã hội kỳ vọng ở họ. Tiêu chuẩn công chúng đã đặt ra chuẩn mực cần có cho một người nghệ sĩ. Nhưng khó tính vừa thôi, đừng khó tính quá. Bớt soi vào đời tư, kỹ tính hơn trước các sản phẩm nghệ thuật, đó mới là thứ áp lực nên có để thúc đẩy cho sự phát triển của thế hệ nghệ sĩ mới.
Năm 2017 trôi qua với những mất mát lớn của giới showbiz. Thị phi bủa vây làng giải trí và ta chấp nhận nó như một cái kết buồn để mở ra những cơ hội mới cho tương lai. 2017 khép lại bằng sự sụp đổ của một thế hệ nghệ sĩ huyền thoại, thế hệ cũ, thế hệ cha anh. Và 2018 mở ra với những điểm sáng nhỏ le lói ở thế hệ trẻ tiềm năng.
Chẳng mong 365 ngày của năm 2018 sẽ bớt bê bối, sẽ hòa bình như trong những cái kết hoàn mỹ của các bộ phim truyền hình, điện ảnh bạc tỉ. Chỉ mong showbiz năm nay không còn quá nhiều mất mát, không có quá nhiều cái kết buồn nhồi nhét vào một thời kỳ chất đầy những hi vọng giao thoa giữa hai thế hệ cũ - mới.