Bộ GD-ĐT vừa tổ chức hội thảo về xây dựng quy định chính tả trong chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới nhằm giảm tối đa tình trạng mỗi nơi viết một kiểu.
Dự thảo có quy định riêng đối với SGK ba lớp đầu cấp tiểu học (lớp 1, 2 và 3). SGK các lớp này sử dụng hình thức phiên âm, có gạch nối để nối các âm tiết trong cùng một bộ phận tạo thành tên, ví dụ: Tô-mát Ê-đi-xơn, Mát-xcơ-va, Tô-ky-ô…
Đối với SGK lớp 4 và 5, bên cạnh tên riêng được phiên âm có tên nguyên dạng hoặc chuyển tự đặt trong ngoặc đơn; ví dụ: Tô-mát Ê-đi-xơn (Thomas Edison), Mát-xcơ-va (Moskva), Pa-ri (Paris), Tô-ky-ô (Tokyo).
Quy định về viết chữ "i" hay "y" sau các phụ âm: h, k, l, m, s, t trong những âm tiết không có phụ âm cuối, ví dụ: "vật lí" hay "vật lý", "bác sĩ" hay "bác sỹ", "tỉ lệ" hay "tỷ lệ"…
Dự thảo cũng quy định đặt dấu thanh vào âm chính. Điều này phù hợp với kết quả phân tích ngôn ngữ học: Trong tiếng Việt, thanh điệu bao giờ cũng rơi vào âm chính.Ví dụ: Bằng, đánh, toà... (trong tiếng "toà", dấu thanh đặt trên âm chính "a" vì "o" chỉ là âm đệm).
Trong trường hợp âm chính được thể hiện bằng hai chữ cái, thì:
a) Đối với các kí hiệu ia, ua, ưa, dấu thanh đặt trên hoặc dưới chữ cái thứ nhất. Ví dụ: kìa, múa, cửa...
b) Đối với các kí hiệu iê, yê, uô, ươ, dấu thanh đặt trên hoặc dưới chữ cái thứ hai. Ví dụ: tiền, chuồn, mướt, điều...
Đối với tên người, tên địa lý tiếng Việt và các ngôn ngữ đơn tiết sẽ viết hoa chữ cái đầu của mỗi âm tiết tạo thành tên. Ví dụ: Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Tuấn…
Đối với tên người, tên địa lý trong các ngôn ngữ đa tiết, viết hoa chữ cái đầu của mỗi bộ phận tạo thành tên; nếu bộ phận đó gồm nhiều âm tiết thì dùng gạch nối để nối các âm tiết. Ví dụ: Y Bih A-lê-ô, Y Blok Ê-ban, Sê-rê-pôk, E-a Đrăng…
Đối với tên người, tên địa lý được cấu tạo bằng cách kết hợp danh từ riêng với bộ phận vốn không phải là danh từ riêng (danh từ chung, số từ, từ chỉ phương hướng), tùy trường hợp, được viết theo quy tắc áp dụng cho ngôn ngữ đơn tiết hoặc đa tiết. Ví dụ: Đề Thám, A-ma Thuột, Biển Đông, Hồ Gươm, (huyện) Chợ Mới, (huyện) Krông A-na, (vùng) Nam Trung Bộ...
Đối với tên các thiên thể (sử dụng với tư cách thuật ngữ thiên văn học, khoa học trái đất), tên các năm âm lịch, tên các dân tộc, tùy trường hợp, viết theo quy tắc áp dụng cho ngôn ngữ đơn tiết hoặc đa tiết. Ví dụ: Sao Hỏa, Mặt Trời, Trái Đất, Mặt Trăng, Sao Kim; Ất Mùi, Quý Tỵ; (dân tộc) Hà Nhì, (dân tộc) Ba-na...
Đối với những tên riêng còn lại: Viết hoa chữ cái đầu của mỗi từ hoặc cụm từ có tác dụng phân biệt tên riêng đó với những tên riêng khác.
Dự thảo cũng nêu những trường hợp viết hoa những từ ngữ không phải tên riêng. Ngoài viết hoa chữ cái đầu câu, đầu dòng, còn viết hoa chữ cái đầu của tên chương, mục, bài… Viết hoa tu từ để tỏ thái độ quý trọng đối với người hoặc sự vật nhất định, có thể viết hoa chữ cái đứng đầu danh từ chung hoặc xưng hô chỉ người hoặc sự vật đó. Ví dụ: Tổ quốc, Chủ tịch, Tổng thống, Mẹ, Thầy, Người, Ông…
Về tên riêng nước ngoài, có một số quy định sau: Những tên nước ngoài được dịch nghĩa hoặc phiên âm qua âm Hán Việt đã phổ biến, quen thuộc thì giữ nguyên và viết hoa giống như cách viết tên riêng tiếng Việt, ví dụ: Thái Bình Dương; Pháp, Anh, Đài Loan, Thượng Hải; Đỗ Phủ, Lý Bạch,…
Đối với các trường hợp còn lại, có 3 cách viết. Thứ nhất, viết nguyên dạng, nếu đó là tên viết bằng chữ Latin, ví dụ: Albert Einstein, Paris,...
Thứ hai, đối với những chữ viết khó viết nguyên dạng thì chuyển các kí hiệu của chữ viết đó sang chữ Latin, ví dụ: Moskva, Sankt Peteburg,...
Trong trường hợp không chuyển tự được thì viết như cách viết trong tiếng Anh, ví dụ: Tokyo, Nile...